Tập trung cơ cấu lại 3 cây, 3 con

10:01, 18/01/2019

Phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực là một trong những chương trình trọng tâm thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững địa bàn tỉnh. 

Phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực là một trong những chương trình trọng tâm thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững địa bàn tỉnh.

Đến nay, 6 sản phẩm chủ lực (3 cây: lúa, khoai lang, cây có múi; 3 con: heo, bò, cá) cơ bản phát triển ổn định. Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, năm 2019, sẽ tập trung cơ cấu lại sản xuất 3 cây, 3 con.

Tiếp tục mở rộng diện tích cánh đồng lớn có liên kết sản xuất- tiêu thụ với doanh nghiệp.
Tiếp tục mở rộng diện tích cánh đồng lớn có liên kết sản xuất- tiêu thụ với doanh nghiệp.

Đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàng Tựu, năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp hiệu quả với các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển sản xuất nên đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, cơ cấu lại nông nghiệp phát huy hiệu quả, cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng: giảm diện tích lúa, tăng diện tích màu và cây ăn trái… Trong đó, các sản phẩm chủ lực cơ bản ổn định.

Cụ thể, năng suất và sản lượng đều tăng so năm 2017. Diện tích khoai đạt 14.700ha, tăng 4,93%, sản lượng tăng hơn 4,5%. Đến nay, có 87ha khoai lang có chứng nhận VietGAP còn hiệu lực, sản lượng đạt trên 4.100 tấn/năm.

Về tiêu thụ, các Hợp tác xã (HTX) Tân Thành, HTX Thành Lợi và HTX Thành Đông duy trì thu mua của xã viên từ 600- 800 tấn/năm/HTX, Công ty Xuất nhập khẩu ICQ Việt Nam mua khoảng 50 tấn/ngày. Bên cạnh, diện tích cây có múi tăng nhẹ (0,71%), sản lượng 207.614 tấn, tăng hơn 8.000 tấn. Toàn tỉnh có 177ha cây có múi có chứng nhận VietGAP.

Trong khi đó, tổng đàn heo hơn 345.000 con, tăng 3,31% so năm ngoái. Hiệu quả chăn nuôi heo đạt khá do giá bán tăng và duy trì ở mức cao (2,9- 5,3 triệu đồng/tạ). Hoạt động chăn nuôi heo đang chuyển dần từ hình thức chăn nuôi nông hộ sang nuôi tập trung quy mô lớn hơn và phát triển thành các trang trại (toàn tỉnh có 111 trang trại heo).

Trong năm, đàn bò giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức gần 93.000 con. Cùng với đó, nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá. Cá tra, cá lồng, bè tiếp tục là những đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá tiêu thụ ở mức cao đảm bảo người nuôi luôn có lợi nhuận khá.

Ông Nguyễn Chí Quyết- Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít- cho biết, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện năm 2018 tăng 6,29%, thủy sản tăng 8,49% so năm trước nhờ thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại nông nghiệp. Trong đó, nhờ xác định 3 cây- 3 con chủ lực phù hợp thực tế địa phương gồm: lúa, bưởi da xanh, khoai mỡ, heo, bò, cá tra.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, năm 2019, sẽ tập trung cơ cấu lại sản xuất đối với 3 cây, 3 con. Theo đó, thực hiện hiệu quả 8 đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Cụ thể, tiếp tục giảm mạnh diện tích trồng lúa tại các vùng sản xuất kém hiệu quả, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Tiếp tục mở rộng diện tích cánh đồng lớn có liên kết sản xuất- tiêu thụ với doanh nghiệp, tăng cường sơ chế để đa dạng sản phẩm gạo có chất lượng cao. Bên cạnh, ổn định diện tích khoai lang ở mức 10.000- 12.000ha, đầu tư cải thiện chất lượng nguồn giống. Xây dựng chuỗi giá trị theo hướng ổn định và an toàn sinh học, đầu tư phát triển công nghệ chế biến và xúc tiến thương mại.

Năm 2019, tập trung chăm sóc vườn cây có múi theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu cây bưởi và cam sành.
Năm 2019, tập trung chăm sóc vườn cây có múi theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu cây bưởi và cam sành.

Đối với cây có múi, tập trung chăm sóc vườn cây theo hướng an toàn, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Xây dựng thương hiệu cây bưởi và cam sành. Đa dạng hóa hình thức tiêu thụ thông qua nghiên cứu chế biến.

Cùng với đó, tiếp tục dự án truy xuất nguồn gốc thịt heo để mở rộng thị trường tiêu thụ ra các phân khúc cao cấp. Phục hồi đàn heo, ổn định đàn bò, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chọn giống, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

Là huyện có đàn bò chiếm gần 40% số bò toàn tỉnh- theo Phòng Nông nghiêp- PTNT huyện Vũng Liêm- năm 2019 huyện thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, gia trại, trang trại… từng bước hình thành các vùng nuôi tập trung, quy mô lớn kết hợp với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Về thủy sản, củng cố hoạt động sản xuất giống thủy sản để đáp ứng nhu cầu sản xuất tại chỗ, giảm bớt diện tích canh tác sử dụng giống không rõ nguồn gốc làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Phát triển chăn nuôi đàn heo của tỉnh theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.
Phát triển chăn nuôi đàn heo của tỉnh theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

Tiếp tục dự án hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế hợp tác nuôi thủy sản lồng, bè thực hành VietGAP và liên kết sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm. Triển khai các chính sách hỗ trợ áp dụng VietGAP để khôi phục vùng sản xuất an toàn gắn với chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để hình thành các chuỗi ngành hàng phát triển bền vững…

Ông Trần Hoàng Tựu lưu ý ngành nông nghiệp trong năm 2019 tiếp tục tập trung ưu tiên thực hiện các chương trình phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị để tạo điểm nhấn, tránh đầu tư dàn trải.

Mục tiêu là nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, giảm giá thành sản xuất bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua đầu tư giống tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… Ông cũng lưu ý các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương mình.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh