Tự tìm đường đi cho nông sản sạch

Cập nhật, 06:00, Thứ Sáu, 16/11/2018 (GMT+7)

Mong muốn mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, nhiều nông dân (ND) đã chủ động chuyển sang canh tác, sản xuất nông sản theo hướng sạch để cung cấp cho thị trường. Tuy còn phải "tự bơi" để tìm đầu ra, thậm chí chấp nhận bán đồng giá với người trồng rau thường để tiêu thụ sản phẩm, nhưng nhiều người vẫn cố gắng tìm hướng đi cho nông sản của mình.

Sản xuất sạch đã trở thành lựa chọn của nhiều nông dân.
Sản xuất sạch đã trở thành lựa chọn của nhiều nông dân.

Thay đổi nhận thức

Bài toán đầu ra cho nông sản đã khiến rất nhiều ND đau đầu trong thời gian qua. Nếu như trước đây, ND có tâm lý “trồng ra thiếu gì người mua”, nên cứ thích gì là trồng đó, thấy loại nào giá đang cao là trồng loại nấy. Và cũng chính vì suy nghĩ này đã khiến nhiều người điêu đứng do cung vượt cầu, dẫn đến dội chợ, rớt giá.

Bên cạnh đó, câu chuyện an toàn thực phẩm cũng đã khiến nhiều người tiêu dùng e dè hơn, cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho bàn ăn gia đình.

Người tiêu dùng đã dần hạn chế tâm lý mua ở đâu cũng vậy, miễn rẻ là được hay rau đẹp là rau ngon, trái chín mọng là trái ngọt.... và đã dần khắt khe hơn với lựa chọn của mình, với cả người bán.

Nhận thấy được xu hướng tiêu dùng dần thay đổi của thị trường, nhiều người tiêu dùng không còn tâm lý ham rẻ nữa nên không ít ND đã gạt bỏ suy nghĩ sản xuất theo phương pháp truyền thống: phân thuốc nhiều là cây tốt, lá xanh, trái ngọt.

Đồng thời, nhiều người cũng đã bỏ tâm lý trồng cây, trồng rau: “cây này bán, cây này ăn, khu trồng rau này để dành ăn, khu này để bán chợ” mà thay vào đó là trồng theo hướng sạch, an toàn.

Nhiều ND chia sẻ, làm ra nông sản sạch, an toàn, trước hết là phục vụ cho nhu cầu của gia đình và bán ra thị trường, do đó, cần thiết phải thay đổi nhận thức trong sản xuất và chế biến, bảo quản nông sản.

Tuy bước đầu còn gặp không ít khó khăn trong khâu sản xuất, chi phí, đầu ra tuy nhiên những ND này đang dần khẳng định hướng đi đúng đắn khi chọn con đường sản xuất nông sản sạch, mang bữa ăn sạch đến cho người tiêu dùng.

Từ suy nghĩ ban đầu là trồng rau sạch để phục vụ nhu cầu gia đình và người dân trong xóm, chị Huỳnh Thị Long Mỹ (xã An Phước- Mang Thít) đã mạnh dạn đầu tư trồng một số loại rau củ trong nhà lưới.

Nhờ dày công chăm sóc nên vườn của chị phát triển nhanh và cho năng suất cao, ngoài đáp ứng nhu cầu sử dụng trong bữa ăn hàng ngày, cũng đã bắt đầu mang lại nguồn thu cho gia đình.

Chị Mỹ chia sẻ: “Trồng rau sạch, trái sạch không khó, chỉ cần tuân thủ đúng quy trình trồng rau sạch, hạn chế sử dụng phân thuốc khi không cần thiết là sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện mùa dưa lưới đầu tiên của chị Mỹ không chỉ cho năng suất cao mà giá bán cũng ổn định hơn”.

Hay như mô hình trồng rau sạch thủy canh của anh Ngô Hữu Anh Khôi (xã Bình Phước- Mang Thít), với 1.000m2 đầu tư hơn 1 tỷ đồng, anh Khôi cho hay: “Người tiêu dùng đang hoang mang giữa nông sản sạch và bẩn, do đó, để tạo hướng đi riêng và có chỗ đứng trong thị trường, tôi nghĩ phải làm ra các mặt hàng nông sản sạch.

Hiện mô hình này đang mang lại nhiều hiệu quả, dù mặt hàng đưa ra thị trường đắt hơn nhưng an toàn nên khách hàng ưa chuộng. Thời gian tới tôi sẽ mở rộng quy mô, tìm thị trường và đối tác liên kết bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn hơn”- anh Khôi cho hay.

Tự tìm đầu ra

 

Nhiều ND cho rằng, sử dụng phân hữu cơ sinh học đã và đang đáp ứng mong muốn của ND trong việc sản xuất hiệu quả mà giảm được chi phí đầu vào.

Đồng thời, hướng ND làm quen với việc sản xuất tạo ra nông sản sạch, theo hướng VietGAP, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cũng khiến nhiều ND băn khoăn, trăn trở.

Chị Nguyễn Thanh Trúc- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cam sành Phú Nông (xã Thới Hòa- Trà Ôn) cũng chia sẻ: Sản xuất sạch an toàn là một chuyện nhưng quan trọng là bán cho ai, bán ở đâu?

Tuy HTX hiện cũng đang xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra do chưa có thương hiệu trên thị trường, đồng thời cũng chưa được nhiều người biết đến.

Do đó, bên cạnh việc sản xuất sạch, nhiều người cũng đã tự bơi tìm đầu ra, tự “maketing” tự quảng bá giới thiệu sản phẩm, trước hết là qua bạn bè, người thân. Đồng thời mạng online cũng là một công cụ đắc lực giúp sản phẩm dễ tiếp cận người tiêu dùng.

“Nhờ bạn bè giới thiệu, đồng thời tôi cũng đăng mặt hàng lên Facebook, Zalo để giới thiệu. Tôi giới thiệu từ lúc mới trồng, hệ thống tưới tiêu, đến lúc chín và thu hoạch. Nhờ đó, người tiêu dùng cũng tin tưởng hơn. Đợt dưa vừa rồi dưa chín không kịp bán”- chị Mỹ phấn khởi.

Thanh Trúc thì chia sẻ: Tuy bước đầu khuyến khích ND sản xuất theo hướng sạch, an toàn còn khó bởi ND không quen việc ghi chép, làm nhật ký đồng ruộng nhưng qua tuyên truyền, thuyết phục, nhiều người dân cũng đã thực hiện theo.

Hiện thông qua nhà phân phối cam của HTX cũng đã được tiêu thụ ở Siêu thị BigC, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, sản lượng 3- 5 tấn/tuần. Hy vọng sau khi được công nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì sẽ có đầu ra ổn định hơn.

Nhiều ND, giám đốc các HTX cho hay: Sản xuất phải tự mình tìm đầu ra, còn bán cho siêu thị thì đủ loại thủ tục, giấy tờ, kiểm mẫu, thời hạn thanh toán chậm, phải chuyển khoản, chưa kể giá mua tại vườn lại “một trời một vực” với giá lên kệ.

Do đó, nhiều người đã tự tìm đến các nhà hàng, cửa hàng tiện lợi hoặc kết nối với tiểu thương hoặc giao hàng tận nơi để người tiêu dùng có rau ngon và đúng với giá thực của nó nhất.

Tuy nông sản sạch, bước đầu gặp nhiều khó khăn, về quy trình sản xuất, đầu ra, phải bỏ công chăm sóc, chi phí đầu tư cao trong khi giá thành bán ra đôi khi chỉ bằng giá rau chợ nhưng nhiều người vẫn quyết tâm trồng rau sạch.

Bởi có thay đổi ý thức mới có thể lấy lại giá trị nông sản, dần tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Chị Mỹ cho hay: “Làm ra sản phẩm sạch được thị trường ưa chuộng, tôi càng có động lực hơn để trồng rau sạch. Tôi cũng đang tìm tòi nghiên cứu trồng thêm nhiều loại rau, củ để đa dạng sản phẩm”.

Hiện nay, sản phẩm “sạch” chưa tìm được đầu ra ổn định là do người sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đa dạng được sản phẩm để thu hút khách hàng.

Để có đầu ra cho sản phẩm, người ND cần liên kết với nhau thành quy mô lớn để có trách nhiệm giám sát bảo đảm các quy trình sản xuất với chi phí hợp lý. Ngoài ra, sản phẩm “sạch” cũng cần đa dạng mặt hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Các tin khác: