Tại hội thảo "Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới" tổ chức ở TP Cần Thơ vừa qua, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất và thương mại lúa gạo đang thuận lợi, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức.
Tại hội thảo “Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới” tổ chức ở TP Cần Thơ vừa qua, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất và thương mại lúa gạo đang thuận lợi, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức.
Công ty Phước Thành IV đã đổi mới, đầu tư công nghệ chế biến gạo hiện đại. |
Thông tin từ hội thảo cho thấy, gạo Việt Nam đã có mặt gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với đa dạng sản phẩm, chiếm 15% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của thế giới và cũng bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU,…
Theo báo cáo đánh giá tình hình xuất khẩu nông sản trong 10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo được xem là điểm sáng.
Sau nhiều năm, lần đầu tiên giá gạo Việt Nam vượt qua Thái Lan và trong điều kiện giá gạo của nhiều cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới đều giảm thì gạo Việt Nam lại lội ngược dòng tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2018, khối lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 6,62% nhưng xét về trị giá lại tăng trên 21% so với cùng kỳ năm 2017 nhờ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngoài nguyên nhân nhu cầu gạo thế giới tăng còn một lý do quan trọng là việc cơ cấu lại sản xuất lúa và xuất khẩu gạo của Việt Nam theo hướng giảm gạo phẩm cấp trung bình và thấp, tăng mạnh gạo chất lượng cao, gạo thơm và gạo đặc sản trong những năm qua.
Cũng theo số liệu 9 tháng của VFA, gạo cấp thấp và cấp trung bình chỉ còn chiếm khoảng 20,5% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, gạo thơm các loại chiếm tới gần 31%, gạo cao cấp chiếm 22,4%...
Nghị định 107 cũng bãi bỏ quy định phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo vì theo các doanh nghiệp, quy định này khiến doanh nghiệp lộ các bí quyết kinh doanh. |
Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ năm 2016 đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kết quả rất tích cực, cả về lượng và giá xuất khẩu cũng như cơ cấu chủng loại.
Theo đó, xuất khẩu gạo năm 2017 đạt 5,79 triệu tấn, tăng 20,4% so với năm 2016, đạt giá trị 2,62 tỷ USD, tăng 21,2%. Giá FOB bình quân xuất khẩu ở mức 451,9 USD/tấn, tăng 0,7% tương đương 3 USD/tấn so với năm 2016.
Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất khẩu 4,89 triệu tấn gạo, thu về 2,48 tỷ USD, tăng 8,5% về khối lượng và 23,25 về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Còn theo VFA, tính đến ngày 30/9/2018, hợp đồng đăng ký xuất khẩu là 5,705 triệu tấn.
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV- cho rằng: “Trong năm 2018, giá gạo Việt Nam cao hơn 10-20 USD/tấn so với gạo Thái Lan, đây là tín hiệu đáng mừng bởi trước đây gạo nước ta luôn có giá thấp hơn.
Điều này cho thấy chất lượng gạo Việt Nam đang dần chuyển đổi và lấy lại uy tín, ngoài thị trường truyền thống, gạo Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, EU…”
Nắm bắt xu hướng thị trường chú trọng sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm, gạo hữu cơ… ông Thành cho biết, Công ty Phước Thành IV đã xây dựng 2 vùng nguyên liệu ở Mỹ Lộc và Phú Lộc (Tam Bình), hướng tới mở rộng vùng nguyên liệu ở Sóc Trăng, Trà Vinh sản xuất 2 vụ/năm với các giống lúa chịu mặn.
“Một số thị trường khó tính như Trung Đông không chỉ đòi hỏi gạo đẹp, mà còn phải ngon”- ông Thành cho biết.
Cùng với việc hướng tới chất lượng, tăng cường liên kết, nhiều chuyên gia nhận định thị trường xuất khẩu lúa gạo sẽ còn nhiều thách thức.
Trong đó, nhiều rào cản phi thuế quan đã tác động không nhỏ tới ngành xuất khẩu gạo và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.
Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)- cho rằng hiện nay, các quốc gia nhập khẩu có nhiều giải pháp quản lý mặt hàng gạo.
Chẳng hạn, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Xu thế này cũng được các nước khác áp dụng khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt hơn.
Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh khác, điều này cũng là động lực giúp doanh nghiệp Việt Nam phải cọ xát, nâng cao sức cạnh tranh so với doanh nghiệp các nước, không chỉ dựa vào số lượng hoặc gạo cấp thấp mà phải cạnh tranh bằng chất lượng và tính chuyên nghiệp.
Từ ngày 1/10/2018, Nghị định 109 được thay thế bằng Nghị định 107/2018/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định 107 nới lỏng các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo, mở rộng và tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo nên được nhiều người quan tâm đón nhận, và kỳ vọng nó sẽ là “làn gió mới” thúc đẩy ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, ngay cả với người nông dân, các hợp tác xã hay doanh nghiệp. |
Bài, ảnh: AN- THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin