Bảo quản không theo quy định an toàn thực phẩm, sử dụng phương tiện vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm hay đơn giản chỉ không mang bao tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín... là những việc mà nhiều người tiêu dùng buộc phải "nhắm mắt cho qua" khi mua thức ăn.
Bảo quản không theo quy định an toàn thực phẩm, sử dụng phương tiện vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm hay đơn giản chỉ không mang bao tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín... là những việc mà nhiều người tiêu dùng buộc phải “nhắm mắt cho qua” khi mua thức ăn.
Song với Nghị định 115 mà Chính phủ vừa ban hành (có hiệu lực từ ngày 20/10/2018), những hành động này khi bị phát hiện sẽ bị phạt, thậm chí phạt rất nặng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người kinh doanh khá mơ hồ về nghị định này.
Vẫn còn nhiều người kinh doanh, chế biến thực phẩm dùng tay không để bốc thức ăn. |
“Có nghe nói gì đâu!”
Nghị định 115/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 có mức xử phạt mạnh hơn với nhiều hành vi vi phạm.
Song, với nhiều người kinh doanh, nghị định này “còn khá lạ lẫm”. Thế nên, nhiều hành vi vi phạm vẫn hiển nhiên xảy ra, vì nhiều người bán hàng cho hay “có hay biết quy định gì đâu?!”.
Ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nhất là ở các quầy hàng ăn uống, chế biến thực phẩm chín, tình trạng không có tủ đựng, thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn, người chế biến thức ăn không sử dụng găng tay, khẩu trang,… vẫn còn xảy ra phổ biến.
Tại một quán hủ tiếu ở Phường 1 (TP Vĩnh Long), khi khách gọi hủ tiếu thì người chế biến vô tư dùng tay không bốc rau, bốc thịt, bốc tép bỏ vào tô cho khách, xong xuôi, chưa kịp lau tay thì người bán “tiện tay” lấy tiền thối cho một khách khác!
Nhiều thực khách bày tỏ: “Khuất mặt khuất mày thì ăn đại chứ tô hủ tiếu có 15.000đ mà đòi hỏi vệ sinh quá thì... chắc không có!”
Đáng nói là tình trạng này xảy ra phổ biến hơn ở các điểm bán thức ăn đường phố. Chỉ với một chiếc sịa, người bán chất lên đủ loại như: khoai lang, chuối chiên, bánh bò, bánh tiêu... Người bán nào “kỹ lưỡng” một chút thì sẽ có phủ một tấm nilon lên trên, còn người bán nào “vô tư” quá thì chẳng cần che chắn gì. Cứ thế mà ngồi bán trên vỉa hè, trên lòng đường, tay vừa lấy bánh, vừa lấy tiền... Có khi khách hàng mua bánh, mà còn được khuyến mãi thêm con ruồi, hay trong tô hủ tiếu được tặng thêm con… gián!
Kể lại chuyện tô hủ tiếu gián, chị Nguyễn Lệ Thu (Phường 2- TP Vĩnh Long) bực bội: “Tôi và bạn vào quán thấy khá sạch sẽ, gọi 2 tô hủ tiếu sườn, tôi mới gắp được 2 đũa thì thấy con gián nằm chình ình trong tô. Kêu chủ quán tính tiền và chỉ con gián trong tô thì chủ quán ngó trân rồi cũng tính tiền 2 tô ngon ơ, tính xong đi vô trong luôn.
Tôi chưng hửng mà tức, hứa không ghé quán lần 2. Mấy lần tôi cũng gặp trường hợp tương tự, chỉ biết ôm bực, không biết đâu mà phản ánh, làm ăn cẩu thả quá thì phải xử lý mới được”.
Theo ông Nguyễn Quang Phụng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Long: Nghị định 115/2018 thay thế Nghị định 178/2013 quy định các mức xử phạt cao hơn, với hình thức phạt tiền, không có hình thức cảnh cáo, sẽ có sức răn đe mạnh mẽ hơn.
Phải tuyên truyền thật “nhuyễn” mới áp dụng
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Phụng không thể áp dụng nghị định này ngay mà trước tiên phải tiến hành tuyên truyền cho người dân biết và hiểu rõ về quy định này.
Bởi theo ông Phụng, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, nhất là bán thức ăn đường phố, tại nhiều trường học chưa đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để các cơ sở này thực hiện đúng các quy định không phải dễ.
Một số cơ sở đã quan tâm, chú trọng vệ sinh trong chế biến thức ăn. |
Ông Lưu Quang Phụng cho biết thêm: Sau nghị định này sẽ có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định.
Tới đây, chi cục kết hợp tuyên truyền đến các ban ngành đoàn thể và các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến cung cấp thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng khách sạn và phải tuyên truyền thật “nhuyễn” cho người dân hiểu. Theo đó, nghị định quy định chặt chẽ vấn đề xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Các loại buôn bán thức ăn đường phố tuy không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhưng nếu kiểm tra phát hiện sai phạm về cách chế biến, bảo quản, hạn sử dụng... thì vẫn sẽ bị xử phạt theo quy định.
Do đó, các cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở thức ăn đường phố phải hết sức chú trọng đến nghị định này. “Nghị định 115 có những chế tài rất nghiêm ngặt, liên quan đến vấn đề hình sự. Nếu sử dụng chất cấm thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.”- ông Lưu Quang Phụng thông tin.
Nhiều tiểu thương đồng tình với những quy định mới này nhưng cũng còn băn khoăn cho rằng với điều kiện kinh doanh nhỏ lẻ rất khó thực hiện, tuy nhiên sẽ cố gắng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một chủ quán ăn Phường 2 (TP Vĩnh Long) bày tỏ: “Quy định thì tôi đồng tình, nhưng hơi khó một chút do chỗ nơi chật hẹp, diện tích nhỏ quá, nếu trang bị thêm tủ kiếng gây nhiều khó khăn. Song tôi cũng sẽ cố gắng khắc phục các điểm còn hạn chế để thực hiện theo đúng quy định”.
Có thể thấy, Nghị định 115/2018, đã quy định rất cụ thể các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, với chế tài xử phạt mạnh để nâng cao tính răn đe.
Do đó, người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc chế biến, kinh doanh thức ăn, thực phẩm, đừng đợi nước tới chân mới nhảy hay khi bị phạt rồi mới giải thích không hay không biết. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn nâng cao uy tín, giữ thương hiệu cho cơ sở, điểm kinh doanh.
Đồng thời, sau khi tuyên truyền, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý mạnh tay các cơ sở vi phạm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và người kinh doanh chân chính, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”.
Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm” gồm 4 chương và 39 điều. Trong đó, Điều 15, có quy định: Phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin