Chính phủ đã có 'kịch bản' ổn định kinh tế đến năm 2020

10:10, 28/10/2018

Ngày 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch cho 2 năm 2019 - 2020. Báo cáo cuối buổi thảo luận về điều hành nền kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ nhất quán thực hiện chính sách ổn định giá trị đồng tiền, sẽ không có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu.

 

Ngày 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch cho 2 năm 2019 - 2020. Báo cáo cuối buổi thảo luận về điều hành nền kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ nhất quán thực hiện chính sách ổn định giá trị đồng tiền, sẽ không có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu làm rõ một số vấn đề về điều hành nền kinh tế. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu làm rõ một số vấn đề về điều hành nền kinh tế. Ảnh: TTXVN

Xử lý dứt điểm 12 dự án “đắp chiếu” vào năm 2020

Trong phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu câu hỏi: Nhiều dự án đắp chiếu như thế, chúng ta có mạnh dạn cho phá sản không? Việc để Nhà máy Gang thép Thái Nguyên như hiện nay gây thiệt hại đủ bề.

Địa phương cũng đã phản ứng, nhưng tiến độ xử lý vẫn rất chậm. Có hay không khả năng cố tình để đấy nhằm giảm bớt khấu hao, rồi mua rẻ lại dự án, thiết bị? “Có khả năng sẽ xuất hiện một số Vũ “nhôm” khác”, ông Lưu Bình Nhưỡng khuyến cáo về khả năng các nhóm lợi ích cài cắm người vào các doanh nghiệp (DN) “đắp chiếu” này để thôn tính.

Cho biết rất tâm đắc với quyết tâm của Chính phủ về hoàn thiện cơ chế thị trường, ban hành chính sách dưỡng sức dân, dưỡng sức DN… song ĐB Lưu Bình Nhưỡng dẫn ra nhiều ví dụ cho thấy chính sách hỗ trợ DN còn thiếu minh bạch, chưa công bằng; môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản. Nhiều trường hợp ông đích thân theo dõi việc giải quyết thì thấy DN vẫn gặp khó.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sau đó khẳng định việc xử lý 12 dự án “đắp chiếu” đang được triển khai tích cực, toàn diện, cụ thể theo đề án mà Chính phủ đã phê duyệt để kết thúc vào năm 2020.

“Việc giải quyết phải trên khung khổ pháp luật, theo nguyên tắc thị trường, không có trợ cấp của Nhà nước, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN và không trái các cam kết quốc tế. Hiện nay một số dự án đã có những tiến triển tốt, Bộ Công thương đã có báo cáo chi tiết gửi các vị ĐBQH”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích.

Mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020

Giải trình về mục tiêu đạt 1 triệu DN đến năm 2020 mà Chính phủ đã đưa ra, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện tại cả nước đã có hơn 700.000 DN, như vậy còn cần thêm gần 300.000 DN.

Để đạt mục tiêu cho 2 năm còn lại, Chính phủ phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ các yếu tố đầu vào cho DN, khuyến khích phát triển các DN lớn trong nước để làm đầu tàu cho nền kinh tế…

Báo cáo thêm với Quốc hội về những vấn đề mà các ĐBQH quan tâm trong phiên họp chiều 27/10, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, mục tiêu xuyên suốt của chúng ta là phát triển nhanh, giảm khoảng cách với các nước, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu nhưng phải đảm bảo phát triển bền vững.

Trong 3 năm qua, Chính phủ đã triển khai các giải pháp chỉ đạo quyết liệt và ghi nhận sự tăng trưởng toàn diện ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tăng trưởng của chúng ta không chỉ dựa vào đầu tư và xuất khẩu mà còn chú trọng thị trường trong nước.

Trong 3 năm qua, tổng mức kim ngạch bán lẻ của thị trường trong nước đều tăng trên 2 con số.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ về tăng trưởng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thừa nhận với báo cáo thẩm tra mà các ủy ban của Quốc hội và các đại biểu đã chỉ ra về tốc độ tăng trưởng còn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu, nếu không củng cố sẽ thiếu bền vững. Chất lượng thể chế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế…

Đề cập tới ý kiến phát biểu của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ tại phiên thảo luận sáng 27/10 về chất lượng nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận, năng suất lao động ở nước ta tuy tăng nhanh, song còn rất thấp so với các nước trong khu vực; chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, chưa tương thích với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mặc dù trong nông nghiệp, tỷ lệ lao động đã giảm từ 47% còn 38% như hiện nay, nhưng chỉ đóng góp 14,8% GDP do năng suất lao động chung còn thấp.

Năng suất lao động của chúng ta tăng trong thời gian qua chủ yếu là do vốn đầu tư, một phần phụ thuộc đầu tư nước ngoài. Vì vậy, nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là hiện hữu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, định hướng trong thời gian tới của Chính phủ là thực hiện nhất quán chủ trương về đẩy mạnh năng suất của nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Thủ tướng cũng đã chỉ đạo xây dựng Chương trình quốc gia về năng suất lao động và thực hiện tốt chương trình này, thực hiện các giải pháp để gia tăng năng suất kinh tế” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Kiểm soát lạm phát, không phá giá đồng tiền

Về đổi mới kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường như bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại, căng thẳng chính trị làm giá cả thế giới biến động, nhất là giá dầu thô.

Chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, giá USD tăng, nhiều nước giảm giá đồng tiền… cũng gây áp lực trong điều hành nền kinh tế của chúng ta.

“Vì vậy, nhất quán từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã coi kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, đảm bảo các cân đối về năng lượng điện, lương thực, đảm bảo ngân sách, nợ công, cán cân thương mại, cán cân thanh toán vãng lai, tăng cường dự trữ ngoại hối” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói và cho biết thêm, hiện nay chúng ta đã có mức dự trữ ngoại hối kỷ lục là trên 60 tỷ USD. Trong 3 năm liên tiếp, chúng ta kiểm soát thành công lạm phát dưới 4%, giữ được mặt bằng lãi suất. Điều hành tỷ giá theo nguyên tắc thị trường.

Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu trong thời gian tới là ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô hơn nữa và tăng sức chống chịu của hệ thống tài chính - ngân hàng cũng như nền kinh tế trước biến động của thị trường thế giới. Trước sức ép lạm phát còn lớn, biến động của tỷ giá và căng thẳng thương mại, giải pháp đặt ra là cần tăng tính tự chủ của nền kinh tế và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực còn hạn chế.

“Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền, sẽ không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Đó là chính sách nhất quán, chúng ta thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, nhưng thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt theo tín hiệu của thị trường. Chính phủ cũng không có một động thái nào về nới lỏng kiểm soát lạm phát như băn khoăn của ĐBQH Vũ Tiến Lộc” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Trong điều kiện thế giới có biến động về giá cả, Chính phủ sẽ nỗ lực kiểm soát lạm phát dưới 4% và giữ vững mặt bằng lãi suất, cố gắng giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.

“Như Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã báo cáo, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới việc này, chỉ đạo chúng tôi xây dựng báo cáo tính toán ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng đến năm 2020, trước khi tính đến xây dựng chiến lược cho 10 năm tới và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.

THeo VĂN PHÚC - ANH THƯ/SGGP

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh