Khoảng một tuần nay, cây nhàu - vốn là cây mọc hoang trên vùng đồng đất huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau - bỗng dưng trở thành cây có giá trị kinh tế cao.
Khoảng một tuần nay, cây nhàu - vốn là cây mọc hoang trên vùng đồng đất huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau - bỗng dưng trở thành cây có giá trị kinh tế cao.
Thông tin các thương lái đến địa phương tìm đối tác thu mua lá nhàu tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình đã khiến người dân ồ ạt hái lá nhàu tươi để bán.
Tuy nhiên, điều đáng nói là mục đích của các thương lái thu mua lá nhàu để làm gì và xuất bán đi đâu thì không ai biết bởi việc mua bán lá nhàu là chưa có tiền lệ.
Có mặt tại một cơ sở thu mua lá nhàu tươi của hộ bà Ly, ngụ ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm kg lá nhàu tươi, thu mua từ nhiều hộ dân trong vùng, đang được nhân công tại đây phân loại và phơi thành lá nhàu khô.
Tại đây, bà Ly tỏ ra khá e dè và phủ nhận việc thu mua lá nhàu vì mục đích thương mại. Bà Ly cho rằng việc thu mua lá nhàu tươi là theo sự nhờ vả của một người quen biết.
“Tôi thu mua giúp cho một ông anh để làm từ thiện cho chùa. Anh này nhờ tôi mua giúp 100 kg lá khô. Hiện giờ tôi đã ngưng thu mua,” bà Ly chống chế.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại cơ sở thu mua của bà Ly, để có thể thu mua với một khối lượng lớn lá nhàu như vậy, bà Ly đã thuê thêm nhiều nhân công phụ giúp với giá lao động mỗi giờ là 10.000 đồng.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Lộc cho biết trong thời gian qua, trên địa bàn xã có 8 cơ sở thu mua quả nhàu.
Trong tuần vừa qua, Ủy ban Nhân dân xã đã phát hiện có trường hợp thương lái đặt vấn đề với các cơ sở này để thu mua thêm lá nhàu nhưng không rõ mục đích của việc thu mua này.
Xác định đây là vấn đề nhạy cảm nên xã đã cho cán bộ chuyên môn kiểm tra. Trong số 8 cơ sở chỉ có 1 cơ sở (hộ bà Ly) nhận đặt hàng để thu mua lá nhàu cho các thương lái.
“Qua tìm hiểu, giá lá nhàu tươi hiện được cơ sở này thu mua trong người dân ở mức 4.000 đồng/kg. Sau khi thu mua, cơ sở sẽ đem phơi thành lá nhàu khô và được các thương lái mua lại với mức từ 120.000-150.000 đồng/kg," ông Toàn cho biết thêm.
Có thâm niên thu mua quả nhàu đã gần 10 năm nay, ông Đinh Đức Thiệu, chủ cơ sở ở ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình cho biết ông chưa bao giờ mua lá nhàu và cũng không biết thương lái thu mua lá nhàu dùng để làm gì.
Tuần trước, cũng đã có người đến đặt hàng ông Thiệu thu mua lá nhàu tươi, sau đó phơi khô cho họ. Nếu đồng ý thu mua, các thương lái này sẽ đặt cọc 70% số tiền để ông Thiệu đứng ra thu mua 1 tấn lá khô. Nhưng sau khi cân nhắc, ông Thiệu và những cơ sở còn lại đã không đồng ý thu gom cho họ, vì thấy nhiều điểm bất thường và ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế của người dân.
"Nếu hái lá nhàu theo hình thức các thương lái này đưa ra thì sẽ không khác nào hủy diệt sự sinh trưởng của cây nhàu. Lâu dần, bà con ở đây sẽ không còn quả nhàu để bán," ông Thiệu chia sẻ.
Ông Đinh Đức Thiệu cho biết những thương lái đến đây đặt vấn đề thu mua đều từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Thiệu, những thương lái này cũng đều là trung gian thu mua, khi có người đặt hàng cho họ thì họ mới xuống các tỉnh thu gom với hình thức thu mua giá cao và đặt tiền cọc trước.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, xã đã khảo sát việc bán lá nhàu của người dân không chỉ diễn ra trên địa bàn mà còn tại nhiều địa bàn lân cận, kể cả ngoài huyện. Do đó, xã đã có báo cáo nhanh về phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện có định hướng tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên cảnh giác trước các thông tin về việc thương lái thu mua lá nhàu với mục đích bất thường.
Cây nhàu hay còn gọi cây ngao, nhàu núi, giầu... thường mọc hoang ở những nơi ẩm thấp, dọc bờ sông, bờ suối, xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam.
Theo dân gian, trái nhàu dùng để ngâm rượu uống chữa nhức mỏi, đau lưng trong khi lá nhàu tươi là một loại thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng.
Việc các thương lái thu mua những sản phẩm lạ trong nông dân đã có nhiều tiền lệ. Trước đó, vào các năm 2014, 2015..., nhiều thương lái đã thu mua lá điều khô, mãng cầu xiêm hay lá càphê... Hầu hết những đợt thu mua đó đều chỉ mang tính thời điểm, còn người nông dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề cả về kinh tế và môi trường sau đó./.
Theo HUỲNH ANH (TTXVN/VIETNAM+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin