Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, tổng diện tích lúa bị thiệt hại do ngập lũ vùng đầu nguồn ở ĐBSCL là khoảng 2.061ha lúa Hè Thu và Thu Đông.
(Ảnh minh họa. Duy Khương/TTXVN) |
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, tổng diện tích lúa bị thiệt hại do ngập lũ vùng đầu nguồn ở ĐBSCL là khoảng 2.061ha lúa Hè Thu và Thu Đông.
Các tỉnh có diện tích lúa mất trắng gồm An Giang 1.274 ha; Kiên Giang 316 ha; Đồng Tháp 182 ha và 265 ha giảm năng suất; Long An 24 ha.
Ngoài ra, một số sự cố vỡ đê bao do tác động kết hợp của lũ và triều cường gây ảnh hưởng đến sản xuất tại một số tỉnh, thành như Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng...
Diện tích lúa bị ngập lũ do nằm ngoài vùng bảo vệ của hệ thống đê bao, bờ bao; một số ô bao bị vỡ bờ bao hoặc thấp yếu, chưa gia cố, tôn cao nên nước tràn vào gây ngập. Một số trà lúa sắp chín không thu hoạch sớm chạy lũ bị thiệt hại và những nguyên nhân khác.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi đánh giá, lũ năm 2018 ở ĐBSCL có nhiều biến động khác với các năm trước, có những thời điểm tăng nhanh đột biến, đỉnh lũ đầu vụ ở mức sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng hơn 10 ngày.
Quá trình lũ liên tục lên sau khi đạt đỉnh lũ đầu vụ, không có thời gian lũ xuống sau khi đạt đỉnh lũ đầu mùa như những năm trước. Do vậy, việc dự báo lũ gặp nhiều khó khăn, có thời điểm thông tin dự báo sai khác nhiều so với thực tế.
Đến nay, lũ chính vụ đã đạt đỉnh vào trung tuần tháng Chín tại Tân Châu 4,09m, trên báo động 2 là 0,09m và Châu Đốc 3,72m, trên báo động 2 là 0,22m. Sau đó, lũ có xu thế giảm dần, hiện nay mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống và hạ lưu sông này cũng đang rút nhanh, không còn khả năng gây thiệt hại đến sản xuất và ảnh hưởng đời sống dân sinh vùng ĐBSCL.
Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của các kỳ triều cường lên cao trong tháng 10 và 11, mực nước nội đồng khu vực ven sông Cửu Long ở giữa vùng đồng bằng và vùng ven biển có xu thế dâng cao gây ngập, nhất là các tỉnh, thành là Vĩnh Long, Cần Thơ…
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, cho biết ứng phó với mùa lũ năm nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra trước và trong mùa lũ.
Cụ thể là rà soát hệ thống đê bao, bờ bao bảo vệ sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông 2018, với hàng chục nghìn km được khẩn trương gia cố, tôn cao, chú trọng những bờ bao, đê bao thấp yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở trong mùa lũ, đắp hàng ngàn đập ngăn lũ.
Đồng thời, các địa phương khuyến cáo và hỗ trợ nông dân thu hoạch sớm chạy lũ những trà lúa Hè Thu sắp chín ở các khu vực mà hệ thống đê bao, bờ bao chưa đảm bảo để tránh thiệt hại do lũ gây ra.
Cùng đó, ngành chức năng tăng cường truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình lũ để người dân chủ động phòng chống, ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra.
Hiện nay, bước vào giai đoạn cuối mùa lũ, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và nội đồng vùng châu thổ sông này đang xuống. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương vùng ĐBSCL theo dõi sát diễn biến của các đợt triều cường trong tháng 11 để chủ động đối phó với tình trạng ngập lũ.
Các địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao ở những vùng đang có mực nước lũ nội đồng lên cao để gia cố, bồi trúc những đoạn, tuyến có nguy cơ bị tràn, vỡ ảnh hưởng đến sản xuất, gây thiệt hại cây trồng, vật nuôi.
Ngoài ra, ngành chức năng bố trí thời điểm xuống giống lúa Đông Xuân phù hợp với điều kiện nguồn nước từng địa phương, từng vùng, tiểu vùng sản xuất, tránh rơi vào thời điểm xâm nhập mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây lúa, nhất là giai đoạn lúa làm đòng, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hoặc bị thiệt hại./.
Theo LÊ HUY HẢI (TTXVN/VIETNAM+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin