Giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn.
Giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh:TTXVN |
Gạo là một trong các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2018, ước đạt 3,57 triệu tấn và 1,81 tỷ USD, tăng 12,5% về khối lượng và 42% về giá trị so với cùng kỳ 2017.
Trên thị trường thế giới, giá gạo tại Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay do nhu cầu ảm đạm và triển vọng nguồn cung dồi dào, trong khi giá gạo Ấn Độ giảm do sức mua kém từ châu Phi và Bangladesh.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 6/2018 ước đạt 604.000 tấn, giá trị đạt 317 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Số liệu cập nhật trong 5 tháng đầu năm 2018 cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 30% thị phần (đạt 844.000 tấn và 499,4 triệu USD), đứng thứ 2 là Indonesia với 18,7% thị phần (đạt 596.000 tấn và 280 triệu USD). Trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 21,3% (đạt 844.000 tấn). Các thị trường có mức xuất khẩu tăng, điển hình là Indonesia 596.000 tấn, Iraq 150.000 tấn, Malaysia với 273.000 tấn (gấp 2,51 lần), và Hoa Kỳ với 26.200 tấn (gấp 2,36 lần) so với cùng kỳ năm 2017.
Trong tháng 6/2018, giá gạo xuất khẩu của các nước lớn đều giảm. Tuy nhiên, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan.
Giá gạo xuất khẩu cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu các nước xuất khẩu lớn đều giảm so với tháng trước do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính như Indonesia, Philippines, châu Phi, Bangladesh đều giảm.
Lý giải về việc giá gạo Việt Nam được giá hơn Thái Lan, Ấn Độ, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, cơ cấu giống lúa gạo thời gian qua đã có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, tạo động lực cho xuất khẩu khởi sắc.
Theo đó, các loại gạo chất lượng cao đang chiếm ưu thế trong cơ cấu giống, lên đến 32%, gạo thơm khoảng 25%, nếp chiếm 15%, gạo chất lượng trung bình 24%, còn lại là các loại gạo khác. Điều này cũng phù hợp với cơ cấu gạo xuất khẩu Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra với 32% sản lượng xuất khẩu là gạo chất lượng cao, 30% gạo thơm, nếp và Japonica chiếm 23%, 5% còn lại là gạo có phẩm cấp trung bình.
Hơn nữa, diện tích các giống lúa có phẩm cấp trung bình đã giảm, nếu như những năm trước, lúa IR50404 chiếm tới 40 – 50% diện tích canh tác lúa vùng ĐBSCL thì nay chỉ còn khoảng 10 – 12%.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, xuất khẩu gạo có sự tăng trưởng ấn tượng là do thị trường mở rộng. Sau một thời gian trầm lắng, một số thị trường truyền thống đã có sự hồi phục trở lại như Indonesia, Philippines, Iraq và Cu ba; đồng thời xuất hiện một số thị trường mới, hướng đến phân khúc sản phẩm chất lượng cao như: Hàn Quốc.
Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang ưu tiên các giống lúa chất lượng cao cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu. Nhiều dòng gạo thơm mới xuất hiện đã làm đa dạng hóa các sản phẩm cao cấp. Trên cơ sở đà tăng trưởng này, từ nay đến cuối năm, thị trường xuất khẩu vẫn tiếp tục ổn định; khả năng sản lượng xuất khẩu sẽ đạt trên 6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Còn theo TS.Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, quá trình chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu giống lúa theo hướng ưu tiên giống chất lượng cao đã mang lại kết quả khả quan trong xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2018. Thị trường xuất khẩu lúa gạo những tháng đầu năm 2018 khá thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu gạo ở một số nước tăng cao, đặc biệt là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Theo thống kê, mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ tới 140 triệu tấn lúa gạo, đây là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Đặc biệt, sản phẩm gạo nếp của Việt Nam gần như độc quyền tại thị trường Trung Quốc. Tiêu thụ gạo nếp của Trung Quốc tăng lên trong vài năm trở lại đây, năm 2016, xuất khẩu vào Trung Quốc đạt 1,3 triệu tấn, năm 2017 đạt 2 triệu tấn.
Bên cạnh đó, Việt Nam có một vụ lúa đông xuân 2017- 2018 thắng lợi, cả về sản lượng và cơ cấu giống, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ xuất khẩu. Chỉ tính riêng tại khu vực Nam Bộ, tổng diện tích xuống giống toàn vùng vụ đông xuân 2017-2018 là hơn 1,6 triệu ha, tăng 58.256ha so vụ trước, năng suất ước đạt 66,59 tạ/ha, tăng 4,54 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 11,1 triệu tấn, tăng hơn một triệu tấn so với vụ đông xuân 2016–2017.
Để giữ vững thành quả tăng trưởng của ngành, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương tiếp tục tăng diện tích các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, đang được coi là lợi thế xuất khẩu của Việt Nam; giữ ổn định tỷ lệ giống lúa nếp ở mức 10%, không nên mở rộng hơn vì thị trường xuất khẩu hẹp và đã ổn định (chủ yếu phục vụ thị trường Trung Quốc); có thể tăng diện tích giống lúa Japonica từ 4% hiện nay lên 6 – 7% vì triển vọng thị trường đang tốt.
Theo H.V/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin