Chuyến Famtrip khảo sát các tuyến du lịch làng nghề, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long vừa được tổ chức- có thể nói, đây là lần đầu tiên những cán bộ công tác trong ngành du lịch, các công ty du lịch, các hãng lữ hành của Hà Nội và Vĩnh Long ngồi lại để "hiểu nhau hơn".
Chuyến Famtrip khảo sát các tuyến du lịch làng nghề, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long vừa được tổ chức- có thể nói, đây là lần đầu tiên những cán bộ công tác trong ngành du lịch, các công ty du lịch, các hãng lữ hành của Hà Nội và Vĩnh Long ngồi lại để “hiểu nhau hơn”.
Qua đây, những thế mạnh của du lịch Vĩnh Long được giới thiệu, mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên được thúc đẩy. Và hơn hết, những người làm du lịch ở Thủ đô đã đóng góp nhiều ý kiến và đề xuất để “đánh thức” tiềm năng, khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch của Vĩnh Long.
Ẩm thực của vùng sông nước Cửu Long là một trong những điều hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. |
“Giàu tiềm năng…”
Theo Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 85 cơ sở lưu trú du lịch và 19 doanh nghiệp lữ hành (trong đó có 3 doanh nghiệp lữ hành quốc tế).
Số lượt khách du lịch tăng nhanh chóng, từ vài ngàn lượt khách trong thập niên 80 của thế kỷ trước, thì đến năm 2017 đã là trên 1,2 triệu lượt khách, chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên, thu nhập của người dân tăng đáng kể.
Vĩnh Long còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử, văn hóa và làng nghề truyền thống với 11 di tích cấp quốc gia trong khoảng 450 di tích của cả tỉnh, tiêu biểu là Văn Thánh miếu- 1 trong 3 Văn Thánh miếu của cả nước;
Công Thần miếu- thờ 85 sắc thần của Vương triều Nguyễn phong tặng; Khu tưởng niệm cố Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa.
Ngoài ra, cảnh quan sông nước miệt vườn mang đến cảm giác thư thái giữa thiên nhiên trong lành, đời sống và tập quán sinh hoạt của cư dân vùng nông thôn đậm nét truyền thống cũng gây ấn tượng cho du khách.
Qua chuyến khảo sát tham quan vườn cây trái, các di tích lịch sử- văn hóa- làng nghề, trải nghiệm tát ao bắt cá, nghe hát bội, khảo sát các homestay ở các xã cù lao của huyện Long Hồ, ông Nguyễn Hồng Đài- Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô, Tổng Giám đốc APT Travel- cho biết: “Chúng tôi thấy Vĩnh Long có 2 dòng sản phẩm tạo nên tiềm năng du lịch, đó là du lịch tâm linh, thăm quê hương của địa linh nhân kiệt và du lịch sinh thái- phát triển du lịch cộng đồng”.
Ông nhấn mạnh, 2 hoạt động này kết hợp sẽ tạo nên chuỗi trải nghiệm để khách có thể lưu trú nhiều ngày. Vĩnh Long có tiềm năng tận dụng du lịch sinh thái, sử dụng trang trại về nông nghiệp để đưa nông nghiệp trở thành chất tạo nên sản phẩm du lịch.
Du khách đang có xu hướng dịch chuyển tìm cái mới và Vĩnh Long có sẵn tiềm năng du lịch, giao thông thuận lợi nên sẽ phát triển bền vững với tốc độ rất cao.
Bà Thái Thị Thanh Lan- Giám đốc Công ty Du lịch Pacific Voyages- thì nhận xét Văn Thánh miếu là địa chỉ du lịch hấp dẫn ở Vĩnh Long. Công ty sẽ xem xét lồng ghép thêm điểm đến này vào tour khám phá miền Tây.
Chuyến thăm các homestay: Út Trinh, Phương Thảo, Ba Lình cũng để lại ấn tượng tốt và bà yêu cầu phải đẩy mạnh việc quảng bá, trao đổi nhiều thông tin từ 2 phía, giới thiệu những gói sản phẩm cụ thể để mở rộng liên kết.
Các vị khách đến từ Hà Nội bày tỏ sự thích thú với ẩm thực Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung. Theo bà Thái Thị Thanh Lan, hoa lục bình là “đặc sản” của miền Tây: “Món ăn là linh hồn của một vùng đất. Khách thưởng thức món ăn chính là sẻ chia và thấu hiểu nơi mình đến. Món ăn ngon và thực khách hiểu được ý nghĩa của nó thì đó là điều hấp dẫn níu chân khách”
Sản phẩm du lịch chủ lực thu hút khách quốc tế của Vĩnh Long hiện nay là du lịch “Homestay”. Tuy nhiên, sản phẩm này dần lan tỏa khắp đồng bằng, vì thế nhằm đa dạng hóa và tạo sự khác biệt trong sản phẩm du lịch với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, năm 2016, Vĩnh Long tổ chức biểu diễn thử nghiệm loại hình nghệ thuật hát bội giới thiệu đến các hãng lữ hành tại thị trường TP Hồ Chí Minh- làm cơ sở đưa loại hình này vào chương trình du lịch phục vụ khách tham quan trong thời gian tới |
“... Cần khai thác hiệu quả”
“Dưới góc nhìn của người làm du lịch, tôi thấy Vĩnh Long có nhiều tiềm năng song vẫn chưa được đánh thức một cách đầy đủ. Về tiềm năng, có thể hơn cả một số tỉnh lân cận nhưng sự quan tâm đầu tư cho du lịch vẫn còn yếu”- ông Nguyễn Hồng Đài chia sẻ.
Theo ông, ngành nghề nào muốn phát triển cũng cần sự tập trung, đồng bộ. Du lịch sẽ phát triển bền vững nếu có thể quy hoạch được các vùng du lịch cho từng sản phẩm một cách cụ thể và phát triển cùng với nâng cấp, đồng bộ.
Ông nói thêm: “Việc truyền thông của du lịch Vĩnh Long còn khá ít. Trong thời đại 4.0 nếu không nhanh, không làm thì nơi khác sẽ làm, mà làm chậm thì khách du lịch ít, chính là lãng phí nguồn tài nguyên”.
Bà Ngô Thu Hương- Giám đốc Latino Vietnam Travel- cho biết công ty chủ yếu đón khách đến từ Tây Ban Nha và họ chuộng điểm đến có bản sắc địa phương. Đờn ca tài tử và hát bội Vĩnh Long chính là lợi thế nhưng cần được khai thác hiệu quả hơn.
Đồng quan điểm với bà Ngô Thu Hương, ông Nguyễn Đăng Đại- Giám đốc Công ty Du lịch Bigsea- nói, điều khác biệt khiến du khách có thể quay lại một điểm đến là nhờ có sản phẩm du lịch “đinh”. Vĩnh Long có tiềm năng du lịch sông nước và nét văn hóa đặc sắc như đờn ca tài tử, hát bội. Chính lúc này cần khai thác tạo thành sản phẩm riêng.
“Cùng là ĐBSCL thì chắc chắn sẽ có sự trùng lặp nhưng dịch vụ khác nhau thì lượng khách khác nhau. Không nên lo trùng nội dung mà lo là phải đầu tư chất lượng dịch vụ của mình”- ông Nguyễn Đăng Đại nhấn mạnh.
Đoàn khảo sát đến từ Hà Nội cho rằng hát bội là một trong những đặc trưng văn hóa độc đáo, sẽ là tiềm năng thu hút du khách đến Vĩnh Long. |
Ông Lưu Hoàng Minh- Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch- cho biết, cuộc sống công nghiệp hiện đại thì tâm lý của du khách lại muốn tìm về cuộc sống giản dị, chân chất ở miền sông nước. Vĩnh Long đủ và thừa tiềm năng.
Tiềm năng nằm trong dân cần phải biết khơi dậy, đầu tư, hướng dẫn cho dân biết cách để làm. Du lịch Vĩnh Long là du lịch sông nước miệt vườn, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nên nó phải được kết nối giữa doanh nghiệp và dân địa phương.
Qua chuyến Famtrip lần này, ông kỳ vọng sự gặp gỡ, giao lưu, kết nối sẽ quảng bá đến các công ty du lịch, các hãng lữ hành và phóng viên báo, đài, truyền thông tạo mối liên kết kinh doanh.
Đây cũng là dịp lắng nghe để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tận dụng hết những tiềm năng sẵn có nhằm thu hút du khách đến với Vĩnh Long.
Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa trao quyết định công nhận 18 điểm du lịch tiêu biểu của khu vực năm 2017. Trong đó, Vĩnh Long có 2 điểm được công nhận gồm: Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa (ở Tam Bình) và Khu du lịch Vinh Sang (ở Long Hồ). Cụm homestay xã Hòa Ninh (Long Hồ) được Tổng Thư ký ASEAN và Bộ trưởng Du lịch các quốc gia thành viên chứng nhận danh hiệu “Homestay đạt chuẩn Asean” năm 2017- 2019. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin