Chuyên gia Canada đánh giá Việt Nam đã đưa APEC đi đúng hướng

07:11, 16/11/2017

Ông Stewart Beck, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Quỹ Châu Á-Thái Bình Dương Canada, đánh giá Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 đã kết thúc tốt đẹp tại thành phố Đà Nẵng với những đóng góp quan trọng của nền kinh tế chủ nhà và cam kết thực sự của các nền kinh tế thành viên.

Ông Stewart Beck, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Quỹ Châu Á-Thái Bình Dương Canada, đánh giá Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 đã kết thúc tốt đẹp tại thành phố Đà Nẵng với những đóng góp quan trọng của nền kinh tế chủ nhà và cam kết thực sự của các nền kinh tế thành viên.

Phiên toàn thể Đối thoại giữa các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) chiều 10/11. Ảnh: TTXVN
Phiên toàn thể Đối thoại giữa các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) chiều 10/11. Ảnh: TTXVN

Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Canada, ông Stewart Beck cho biết có hai kết quả quan trọng từ hội nghị ở Đà Nẵng. Thứ nhất là các nền kinh tế thành viên đều nhận thấy Việt Nam đang trở thành một đối tác kinh tế lớn, không chỉ thể hiện ở kết quả hội nghị cấp cao APEC vừa diễn ra và nền kinh tế năng động của Việt Nam, mà còn ở sự thay đổi lột xác so với thời điểm đăng cai sự kiện cách đây 11 năm. 

Kết quả quan trọng thứ hai là những cam kết thực sự được đưa ra tại diễn đàn. Theo ông Stewart Beck, có tới 20 trên 21 nền kinh tế thành viên APEC, trừ Mỹ, đã cam kết mở cửa với hệ thống thương mại toàn cầu. Hầu hết lãnh đạo các nền kinh tế đều quyết tâm theo đuổi toàn cầu hoá và phát triển kinh tế thông qua thương mại. 

Bên cạnh đó, việc các nhà lãnh đạo tới dự đông đủ để cùng thảo luận với nhau về nhiều vấn đề như tạo thuận lợi cho thương mại và phát triển kinh tế cho thấy Việt Nam đã đưa APEC đi đúng hướng. Diễn đàn này đã hoạt động nhiều năm và cũng đã đạt được một số thành quả đáng kể như tạo thuận lợi đi lại cho người dân, giảm bớt thuế quan… Vì thế điều then chốt hiện nay, theo ông Stewart Beck, là APEC cần phải tiếp tục duy trì động lực, cần tiếp tục tiến bước, thúc đẩy và mở rộng hệ thống thương mại toàn cầu nhằm mang lại lợi ích cho người dân thuộc các nhóm kinh tế khác nhau. 

Liên quan đến câu hỏi APEC nên làm gì để thúc đẩy và thực hiện tất cả các mục tiêu quan trọng đã được các nền kinh tế thành viên cùng nhau xác định, ông Stewart Beck cho rằng điều đầu tiên là APEC cần hiểu rõ tác động của thương mại điện tử. Nhiều cơ hội mới đang được mở ra cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhờ tận dụng các công nghệ mới. 

Theo ông, công nghệ không chỉ hỗ trợ đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, mà còn giúp đào tạo nhân viên và mang lại hiệu quả tài chính. Chủ tịch Quỹ châu Á – Thái Bình Dương Canada nhấn mạnh: "Công nghệ thanh toán, một lần nữa, đang làm thay đổi cách thức kinh doanh và tạo ra phát triển kinh tế. Đây là lý do vì sao tôi nghĩ APEC đóng một vai trò quan trọng. Chúng ta cần làm thế nào để nhận biết được những công nghệ mới, làm thế nào giữ vững các quy định và đưa ra được các quy định đúng để khuyến khích sự phát triển và tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ”. 

Ông cũng cho biết thêm, để đảm bảo tương lai của APEC trong xu hướng hiện hành của thương mại quốc tế, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, APEC cần phải tiếp tục giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng và giúp các nền kinh tế mới nổi hội nhập vào hệ thống chung toàn cầu. Bên cạnh đó, APEC cũng nên chú ý tới các quy định, sự xuất hiện của các công nghệ mới và việc tạo thuận lợi cho di chuyển hàng hoá và con người.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh