Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa IX, có nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến yêu cầu ngành chức năng giải đáp, trong đó định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được nhiều cử tri quan tâm.
Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa IX, có nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến yêu cầu ngành chức năng giải đáp, trong đó định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được nhiều cử tri quan tâm.
Người dân phải nhận thức đầy đủ vai trò của mình trong phát triển nông nghiệp, đó là phải sản xuất theo quy hoạch của địa phương, tránh làm theo kiểu tự phát. Ảnh: THANH TÂM |
Cử tri kiến nghị cần có biện pháp tích cực và quyết liệt hơn trong định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khắc phục tình trạng tự phát, tư thương ép giá, giá cả không ổn định…
Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, sản xuất nông nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ nhu cầu thị trường và vấn đề hội nhập quốc tế.
Từ thực trạng sản xuất nông nghiệp với quy mô còn nhỏ lẻ của tỉnh, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất thực hiện kế hoạch đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Giai đoạn 2017- 2020, tập trung đầu tư phát triển “3 cây- 3 con”, trong đó 3 cây gồm lúa, khoai lang, cây có múi (bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cam sành); 3 con gồm heo, bò, cá (cá tra, cá điêu hồng).
Trong đó, cây lúa sẽ tăng dần diện tích lúa chất lượng cao, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật về giống, áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) theo hình thức cánh đồng lớn có sự tham gia của doanh nghiệp.
Tăng cường thu hút đầu tư vào chế biến sản phẩm từ khoai lang nhằm đa dạng hóa các nguồn tiêu thụ sản phẩm. Áp dụng các biện pháp chống thoái hóa giống, luân canh triệt để và phòng trị dịch bệnh nhằm ổn định năng suất và chất lượng.
Cây có múi sử dụng các loại giống chất lượng, sạch bệnh, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; áp dụng quy trình canh tác phù hợp, xử lý phân bón đúng kỹ thuật; từng bước triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với hợp đồng tiêu thụ.
Cụ thể, bưởi Năm Roi tập trung phát triển tại TX Bình Minh, Trà Ôn, Tam Bình và vùng phụ cận ven sông Hậu; bưởi da xanh phát triển ở huyện Vũng Liêm, Mang Thít, vùng ven sông Tiền; cây cam sành tập trung ở các huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm và vùng phụ cận.
Đối với con heo sẽ hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, ổn định và giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, nâng cao chất lượng giống heo; con bò hỗ trợ nâng cao chất lượng giống bò hướng thịt, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng dần các hình thức nuôi gia trại; con cá duy trì, giữ vững diện tích đạt các tiêu chuẩn VietGAP và tương đương, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao chất lượng giống các đối tượng chủ lực.
Hướng tới, ngành nông nghiệp tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ người dân trong việc sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giảm tối đa các chi phí trong sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá thành thấp để có sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, ngành sẽ tận dụng các chính sách để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tạo sự gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ, tiến tới hình thành chuỗi giá trị cho các nông sản chủ lực của tỉnh.
Để thực hiện thành công các định hướng trên, ngành mong muốn người dân phải nhận thức đầy đủ vai trò của mình trong phát triển nông nghiệp, đó là phải sản xuất theo quy hoạch của địa phương, tránh làm theo kiểu tự phát.
Ngoài ra, phải liên kết để hình thành được cánh đồng lớn giúp cho việc áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận, tạo nguồn nguyên liệu đủ lớn, ổn định mới gắn kết được với các doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản.
Đặc biệt, cần chú ý sản xuất theo nhu cầu an toàn thực phẩm, đảm bảo thời gian cách ly phân thuốc hóa học và có đăng ký chứng nhận theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (GAP) để dễ dàng trong tiêu thụ sản phẩm.
Cũng liên quan đến vấn đề sản xuất, cử tri kiến nghị tỉnh cần quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, đê bao, hồ đập trữ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt.
Trả lời vấn đề này, Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, để ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, nhất là sau đợt đại hạn, mặn xâm nhập vào mùa khô năm 2015- 2016, đầu năm 2017, sở đã tổ chức thực hiện dự án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng thủy lợi tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (dự kiến hoàn thành và công bố quy hoạch vào cuối năm 2017).
Trong dự án này, sẽ đề xuất danh mục các công trình/dự án thủy lợi ưu tiên đầu tư trong giai đoạn quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 như xây dựng hệ thống thủy lợi, cống, đê, đập ngăn triều cường, ngăn mặn, trữ nước ngọt; nạo vét kinh dẫn và trữ nước ngọt, có xem xét đến biện pháp công trình xây hồ chứa trữ nước ngọt ở vùng mặn cao… trong đó có chú trọng đến phòng, chống hạn, mặn xâm nhập cho vùng Nam sông Măng Thít thuộc địa bàn huyện Vũng Liêm, Trà Ôn.
THANH TÂM (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin