Hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ vay vốn ngân hàng với tư cách cá nhân

06:02, 24/02/2017

Tới đây, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch ngân hàng với tư cách cá nhân. Dù vậy, cá nhân hộ kinh doanh vay vốn vẫn hưởng các quyền lợi bình thường vì nguyên tắc của hoạt động ngân hàng là cho vay không chỉ phụ thuộc vào tư cách người vay...

 

Tới đây, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch ngân hàng với tư cách cá nhân. Dù vậy, cá nhân hộ kinh doanh vay vốn vẫn hưởng các quyền lợi bình thường vì nguyên tắc của hoạt động ngân hàng là cho vay không chỉ phụ thuộc vào tư cách người vay...

Từ ngày 15/3, hộ gia đình, hộ kinh doanh vẫn được vay vốn kinh doanh với tư cách của chính cá nhân này, về mặt nguyên tắc hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho các nhu cầu kinh doanh của chính cá nhân đó.
Từ ngày 15/3, hộ gia đình, hộ kinh doanh vẫn được vay vốn kinh doanh với tư cách của chính cá nhân này, về mặt nguyên tắc hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho các nhu cầu kinh doanh của chính cá nhân đó.

Theo quy định tại Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 15/3, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn NH.

Vì vậy, để vay vốn, các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc chủ hộ phải tự đứng tên vay bởi theo luật mới, tư cách được vay vốn chỉ là cá nhân hoặc pháp nhân.

Thông tin này đang khiến nhiều chủ hộ, gia đình làm ăn buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ lo ngại vì vay vốn NH sẽ khó khăn hơn.

Qua thăm dò ý kiến của một số hộ sản xuất, kinh doanh, họ cho biết có nghe phong thanh quy định mới này, nhưng chưa nắm rõ như thế nào.

Trong khi nhóm đối tượng là tiểu thương ở các chợ cho rằng họ luôn cần nguồn vốn vay lưu động để dự trữ hàng hóa các dịp lễ, tết thì nhóm sản xuất, kinh doanh nhỏ bảo họ sử dụng nguồn vốn tự có là chính.

Một ông chủ hộ sản xuất bánh tráng ở Trà Ôn nói rằng mỗi ngày gia đình sản xuất khoảng 500 bánh nướng, bánh ngọt nên nhu cầu nguồn vốn dự trữ nguyên liệu như gạo, đường… không nhiều.

Ông có thể tự xoay xở bằng cách bán sản phẩm, thu tiền rồi mua nguyên liệu, hơn nữa các vựa gạo thường “bỏ gạo gối đầu” chứ không phải lúc nào cũng “tiền trao cháo múc”.

Khi được hỏi có dự định “nâng cấp” từ hộ sản xuất lên doanh nghiệp, ông nói thật: “Gia đình chỉ lấy công làm lời. Lúc hút hàng mới mướn thêm 1-2 nhân công phơi bánh thì lên doanh nghiệp làm gì?”

Nhiều hộ kinh doanh ở chợ cũng cho rằng rất ngại vì phải tốn thêm chi phí kế toán; hơn nữa quy mô kinh doanh chỉ là một quầy hàng quần áo, tạp hóa… thì việc lên doanh nghiệp đối với họ chưa cần thiết.

Trước đó ngày 30/12/2016, NHNN đã ban hành Thông tư số 39 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng.

Điểm mới đáng chú ý là quy định về đối tượng khách hàng vay vốn, trong đó quy định các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng.

Trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, khách hàng vay là cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân.

Thực tế, theo một số giám đốc chi nhánh NHTM tại Vĩnh Long, quy định của Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm.

Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi vỏ hình thức là tên gọi. Các NH khi cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh trước nay vẫn là cho vay với tư cách cá nhân là chủ yếu.

Và vì thế, cá nhân hộ kinh doanh vay vốn vẫn hưởng các quyền lợi bình thường vì nguyên tắc của hoạt động NH là cho vay không chỉ phụ thuộc vào tư cách người vay...

Khi được hỏi thông tư này có tác động đến “đầu ra” của NH? Các giám đốc chi nhánh đều cho biết, vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng khách hàng và vẫn đang chờ hướng dẫn thực hiện cụ thể của NHNN.

Liên quan đến 5,6 triệu hộ kinh doanh không được vay vốn với tư cách là hộ trên giấy tờ mà chỉ được vay vốn với tư cách cá nhân (chủ hộ), ông Đoàn Thái Sơn- Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, tại bộ luật này quy định rõ các chủ thể tham gia vào Bộ luật Dân sự, bao gồm cả các quan hệ vay vốn như quan hệ với ngân hàng chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân.

Quy định này rất khác so với Bộ luật Dân sự trước đây bao gồm cả các hộ gia đình, hộ kinh doanh. Do vậy, từ ngày 15/3 thì các hộ gia đình, hộ kinh doanh không đủ tư cách chủ thể tham gia vay vốn ngân hàng nữa.

“Tuy nhiên, cá nhân những hộ này vẫn được vay vốn kinh doanh với tư cách của chính cá nhân này, quy định như vậy thì về mặt nguyên tắc hệ thống NH vẫn đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho các nhu cầu kinh doanh của chính cá nhân đó”- ông Sơn khẳng định.

Nhiều luật sư cũng cho rằng, trước đây pháp luật quy định rất nhiều các loại chủ thể giao dịch ngoài cá nhân, pháp nhân thì còn có hộ gia đình, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân.

Bây giờ Bộ luật Dân sự có hiệu lực từ 2017 chỉ thừa nhận 2 chủ thể là cá nhân và pháp nhân nhưng không có nghĩa những đối tượng trên biến mất mà được ghi nhận ở trong Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã.

Việc quy định của Thông tư 39 chỉ là để chuẩn hóa về mặt pháp lý cho đúng quy định của Bộ luật Dân sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Bản chất là về kinh doanh, về giao dịch, về lợi ích của các bên nói chung không bị ảnh hưởng.

Bài, ảnh: LÝ AN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh