Hành trình "thay áo mới" cho nông Nghiệp

08:01, 29/01/2017

Ngày 20/2/2014, Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, giai đoạn 2014- 2020. Đến nay, qua gần 3 năm thực hiện, đề án cho thấy nhiều tín hiệu của mùa xuân…

Ngày 20/2/2014, Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, giai đoạn 2014- 2020. Đến nay, qua gần 3 năm thực hiện, đề án cho thấy nhiều tín hiệu của mùa xuân…

Với trên 13.500ha lúa canh tác theo cánh đồng mẫu lớn toàn tỉnh, đã đóng góp vào lợi nhuận vụ Đông Xuân hàng năm khoảng 264 tỷ đồng và làm tăng lợi nhuận so với ngoài mô hình là 86 tỷ đồng.
Với trên 13.500ha lúa canh tác theo cánh đồng mẫu lớn toàn tỉnh, đã đóng góp vào lợi nhuận vụ Đông Xuân hàng năm khoảng 264 tỷ đồng và làm tăng lợi nhuận so với ngoài mô hình là 86 tỷ đồng.

Hình thành tiểu vùng cây- con

Năm 2014- năm đầu thực hiện đề án, từng địa phương bắt tay triển khai đến các xã- phường- thị trấn. Theo đó, mục tiêu đề án khá rõ ràng, sản xuất không còn dàn trải mà tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có quy mô, chất lượng tốt, kết hợp xây dựng thương hiệu.

Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT đánh giá, đề án là “bước ngoặt” quan trọng để thực hiện các chương trình, kế hoạch sản xuất nông nghiệp có trọng điểm.

Có nhiều hoạt động hỗ trợ khôi phục vườn chuyên canh cây ăn trái và thành lập các vườn chuyên canh mới; chuyển đổi từ hình thức sản xuất phân tán nhỏ lẻ kém hiệu quả sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô trang trại, hợp tác xã, cánh đồng lớn gắn với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây đặc sản áp dụng theo quy trình VietGAP như: cam sành, bưởi Năm Roi, nhãn, chôm chôm...

Bình Minh có vùng chuyên canh bưởi Năm Roi hiện đã mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính.
Bình Minh có vùng chuyên canh bưởi Năm Roi hiện đã mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính.

Và đến nay, sau gần 3 năm thực hiện, cơ cấu lại nông nghiệp tiếp tục đúng hướng. Đã chuyển đổi được trên 1.700ha lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác; trên 80% diện tích lúa sử dụng giống xác nhận và tương đương nên năng suất bình quân đạt 6,03 tấn/ha, tăng 3% so với năm 2013.

Diện tích cây màu luân canh tăng gần 8%, hình thành nhiều vùng sản xuất màu có quy mô lớn, tập trung. Thế mạnh nông sản từng địa phương được đầu tư khai thác.

Tại Bình Tân, ông Bùi Văn Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện- cho hay, tuy bị ảnh hưởng của khô hạn thời gian qua, song huyện đã duy trì và phát triển tốt vườn cây ăn trái, chăn nuôi phát triển, vận động nông dân trồng mè trên gò đất cao chịu hạn.

Cây màu có hiệu quả kinh tế cao được chú trọng, trong đó, khoai lang tím Nhật đạt lợi nhuận 230 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 20 lần trồng lúa, trồng hành lá lời 178 triệu đồng/ha, gấp 17 lần trồng lúa, một số loại rau màu khác như mè, dưa hấu lợi nhuận 20- 30 triệu đồng/ha...

Trong khi đó, huyện Vũng Liêm tập trung nâng chất đàn bò, với tổng đàn hơn 23.000 con, chiếm 42,5% tổng đàn bò trong tỉnh, tỷ lệ bò lai sind đạt 87%...

Nếu TX Bình Minh có đặc sản bưởi Năm Roi ngày càng được nhiều thị trường biết đến, thì Mang Thít đang nổi lên “cánh đồng khoai mỡ” đạt 100 triệu đồng/ha. Trà Ôn cũng đã “khoác áo mới” với những ruộng bắp, lúa thơm đầy tiềm năng,…

Vượt lên chính mình

Tỉnh đã có dự án “Tăng cường năng lực xúc tiến thương mại cho sản phẩm ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản, nhằm tạo ra hàng hóa nông sản lớn, tập trung vào chất lượng cao gắn với thương hiệu; đẩy mạnh thông tin thương mại, nghiên cứu thị trường.

Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đưa vào áp dụng.
Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đưa vào áp dụng.

Vì thế, theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn Liêm, mục tiêu cơ cấu lại những năm tới đây sẽ đầu tư mạnh khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tỉnh đã xác định một số mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cá tra, bưởi Năm Roi, cam sành, khoai lang để tập trung hỗ trợ thông qua xúc tiến thương mại, hỗ trợ giống, xây dựng nhà sơ chế, đóng gói…

Trong đó, áp dụng các tiêu chuẩn sạch như trong sản xuất được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Hiện toàn tỉnh có hơn 13 cơ sở, vùng sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tập trung ở các vùng cây ăn trái, cơ sở rau màu và thủy sản.

Ngành nông nghiệp đang xúc tiến tiếp tục cấp chứng nhận cho một số cơ sở đạt chuẩn GlobalGAP trên cây ăn trái, lúa và chăn nuôi. Qua đó, đã mang lại hiệu quả thiết thực, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đảm bảo khâu tiêu thụ, năm qua, ngành nông nghiệp kết hợp với các huyện- thị vận động, mời gọi được 3 doanh nghiệp liên kết đầu tư và tiêu thụ lúa gạo trên 1.200ha lúa ở các cánh đồng mẫu. Làm cầu nối cho trên 100 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu, thu mua nông sản...

Tuy nhiên, có thực tế đáng lo ngại là ngành nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ thời tiết, hạn mặn đến thị trường, đầu ra…

Ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, sẽ chú trọng các giải pháp đưa cây màu xuống ruộng, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.

Đưa màu xuống ruộng thay lúa kém hiệu quả là chủ trương quan trọng thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp.
Đưa màu xuống ruộng thay lúa kém hiệu quả là chủ trương quan trọng thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp.

Song song, sẽ bổ sung lịch thời vụ cũng như cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện hiện nay. Còn ở góc nhìn thị trường, TS. Huỳnh Kim Định- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật- cho rằng chuyển đổi lúa sang màu cần đa dạng, kết hợp chế biến sản phẩm mang tính cạnh tranh để phân rõ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ths. Nguyễn Văn Liêm cũng cho biết, giai đoạn 2017- 2020, sẽ đề xuất điều chỉnh lại đề án, tùy điều kiện thực tế địa phương để có hướng phù hợp, không nhất thiết phải giảm lúa tăng màu.

Bởi: “Cơ cấu lại nông nghiệp không phải thực hiện một sớm một chiều, mà là cả một quá trình với sự nỗ lực mạnh mẽ từ chính quyền đến người dân.

Để tạo cú hích đồng bộ, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng chương trình hành động cơ cấu lại ngành nông nghiệp để thực hiện mạnh mẽ hơn”.

Cùng góp ý để thực hiện hiệu quả đề án này, trong lần nói chuyện về kinh nghiệm xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Vĩnh Long, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng- giảng viên Chương trình Fulbright (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển chưa tương xứng, nhất là về hạ tầng giao thông vận chuyển, bảo quản nông sản là bất cập của Vĩnh Long.

Để khắc phục, ông cho rằng tỉnh cần xây dựng cơ chế liên kết vùng, phải chủ động thị trường thì mới chủ động được sản xuất; xây dựng chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế trong mỗi công đoạn xây dựng thương hiệu; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh