Chợ hoa kiểng tết: chưa thật "sung"

05:01, 20/01/2017


Qua bước đầu tìm hiểu ở các làng hoa truyền thống Cái Mơn (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp) và Làng mai vàng Phước Định, chúng tôi ghi nhận đã có đôi chút ảnh hưởng do thời tiết thất thường trong năm.

 

Đến Tết ông Táo (23 tháng Chạp), nhưng chợ hoa kiểng tết Vĩnh Long vẫn còn nhiều khoảng trống, nhất là các gian hàng hoa chưa thực sự “rầm rộ” như mọi năm.

Qua bước đầu tìm hiểu ở các làng hoa truyền thống Cái Mơn (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp) và Làng mai vàng Phước Định, chúng tôi ghi nhận đã có đôi chút ảnh hưởng do thời tiết thất thường trong năm.

Nghệ nhân Làng mai vàng Phước Định đã bắt đầu lo mua vào cây nguyên liệu. Trong ảnh: Ông Chín Thạch vừa mua cây nguyên liệu để lắp vào khoảng sân trống.
Nghệ nhân Làng mai vàng Phước Định đã bắt đầu lo mua vào cây nguyên liệu. Trong ảnh: Ông Chín Thạch vừa mua cây nguyên liệu để lắp vào khoảng sân trống.

Mai vàng Phước Định hướng đến thị trường khác

Những ngày này về Làng mai vàng Phước Định, chúng tôi vẫn thấy một số nhà vườn đang chuẩn bị đưa mai sang chợ tết Vĩnh Long, nhưng số lượng đã ít hẳn hơn mọi năm và đa phần là các sản phẩm “nhẹ tiền”.

Nguyên do chủ yếu là các nhà vườn có tiếng đã hướng đến thị trường khác, nhu cầu khác theo đặt hàng của các mối lái lớn, quen biết từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, đặc biệt năm nay có lái từ miền Trung vào rảo rảo mua mai từ mấy tháng trước.

Ông Chín Thạch (61 tuổi), cho biết: “Mới hôm qua, chị Tám “Sài Gòn” đưa xe xuống gom hàng gần cả tỷ đồng, mà chị Tám mua rất nhanh và dễ, cây mai gần cả trăm triệu chị cũng cho “hốt hàng” mà không cần trả giá”.

Theo ông Chín, đây là 1 trong 2 mối ruột từ TP Hồ Chí Minh, năm nào cũng xuống đây tuyển hàng. Do năm nay Làng mai Thủ Đức bị triều cường ngập nặng đã gây thiệt hại lớn đến nguồn cung cho mai tết, nên mai Phước Định trở thành nguồn cung chủ yếu.

Thêm một lý do nữa là các thương lái ở TP Hồ Chí Minh trong những năm gần đây còn săn lùng mai để cung ứng cho nhu cầu mới là cho thuê mai chưng trong những ngày tết. Dịch vụ này đang tăng nên nguồn mai càng trở nên khan hiếm. Nhất là những cây mai từ dưới 10 triệu đến tầm 100 triệu. Những cây mai khoảng 10 triệu cứ cho thuê qua một mùa tết là gần lấy lại vốn, nên rất “ngon ăn”.

Về việc ảnh hưởng thời tiết, anh Phúc cho biết, mai năm nay bị 2 đợt thời tiết nên cũng có ảnh hưởng việc ra bông đúng tết. Hồi tháng 10 âm lịch, mai ở một số vườn đã bị trổ trắng cây, nếu ai “yếu tay” thì coi như không còn mai tết.

Rồi gần đây, mai lại bung cánh sớm một đợt nữa, trong khi đến Tết ông Táo mới bung vỏ trấu thì vừa. Tuy nhiên, những nhà vườn có kinh nghiệm thì vẫn đảm bảo được nguồn mai tết.

Nhưng việc Làng mai vàng Phước Định không còn “mặn” với việc đưa kiểng “chiến” qua chợ tết còn có nguyên nhân sâu xa khác. Như anh Phúc, ông Chín Thạch nói... “mấy năm nay nội lo mối lái tại vườn đã đủ mệt rồi, nên không còn đưa mai qua tham gia chợ tết nữa”.

Hoa tết hút hàng

Năm nay, các tỉnh miền Trung bị lũ lụt nặng nên đã ảnh hưởng lớn đến nguồn hoa tết, gây cảnh khan hiếm, do đó các mối lái phải vào tận các làng hoa truyền thống ở miền Tây để gom hàng. Do đó, giá cả cũng có tăng lên đôi chút, đồng thời cũng ảnh hưởng đến lượng hàng đưa ra chợ tết Vĩnh Long.

Anh Nguyễn Văn Tâm (khóm Sa Nhiên, Làng hoa Tân Quy Đông- TP Sa Đéc) có hơn 2.000 chậu bông cung ứng cho thị trường tết. Trong đó, anh chủ yếu trồng cúc Đài Loan và cúc mâm xôi. Thời gian trồng 2 loại hoa này từ 4- 6 tháng lại gặp thời tiết bất lợi nên phải xử lý phân thuốc nhiều hơn.

Anh Tâm nói: “Giá thành cao nên năm nay tôi bán cao hơn năm trước khoảng 20.000 đ/cặp”. Nói về chất lượng thì anh Tâm cũng công nhận là giàn bông năm nay không bằng mọi năm.

Là mối quen của nhiều cửa hàng ở chợ Long Xuyên (An Giang), chị Hồ Thu Mai (phường Tân Khánh Đông) nổi tiếng với cúc Tiger và vạn thọ loại chậu lớn.

Giọng chị buồn buồn: “Năm nay không được vậy rồi, bông bị hư do mưa mà mưa nên cũng khó xử lý ra hoa”. Vì vậy mà mớ cúc Tiger của chị Mai không đồng đều và bông to như mọi năm, bông lên chợ cũng sẽ ít hơn.

Chị nói thêm: “Mọi năm nó nở đúng sức bằng cái chén. Còn nay, cả trăm chậu cúc không chịu ăn tết mà định đón... rằm tháng Giêng”. Mọi năm, hoa tết là thu nhập chính của nhà chị, tết năm 2016 chị lời khoảng 200 triệu, năm nay thì… chưa biết ra sao. Niềm an ủi duy nhất của chị Mai là giá cả có tăng hơn, mỗi cặp vạn thọ, cúc Tiger tăng từ 20.000- 30.000đ.

Khu hoa tết.
Khu hoa tết.

Trong khi đó vợ chồng anh Nguyễn Quốc Duy ở làng hoa kiểng Cái Mơn năm nay sẽ có cái tết khá ấm cúng vì được mùa, được giá. Nguyên do, năm nay thương lái miền Trung tìm đến nguồn cung ứng hoa tết ở Cái Mơn và làng hoa Sa Đéc, do đó giá cả cũng tăng lên.

Vì vậy, anh Duy không cho hoa xuống chợ mà bán cho lái tại vườn. Anh Duy trồng nhiều loại hoa như mào gà, cẩm chướng, xác pháo, cúc Nhật, dạ yến thảo, hoa dừa cạn và nhờ làm nhà lưới nên hoa không bị ảnh hưởngthời tiết.

Những ngày này, người dạo chợ hoa kiểng đã nhiều, nhưng đối với hoa chưng tết thì hẳn là chưa vội mua, thường có tâm lý nhóng nhóng chờ hoa lên đầy chợ mặc sức mà lựa, nên sức mua chưa mạnh lắm. Song, đối với các loại không ngại thời tiết như bonsai, kiểng cổ thụ... thì cũng đã xuất hiện tương đối nhiều và có nhiều loại kiểng thế lạ.

 

Nhịp độ mua bán ngay tại Làng mai vàng Phước Định vẫn diễn ra khá náo nhiệt. Làng nghề đã có được thương hiệu, uy tín với nhiều thương lái lớn ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, nên thường giao dịch mua bán tại vườn.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh