GlobalGAP và hơn thế nữa...

03:12, 29/12/2016

Xuất khẩu một sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP thì bên cạnh lợi ích kinh tế, còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn, giúp nâng cao vị thế không chỉ của thương hiệu sản phẩm, người làm ra sản phẩm mà còn là vị thế của quốc gia, dân tộc.

Xuất khẩu một sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP thì bên cạnh lợi ích kinh tế, còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn, giúp nâng cao vị thế không chỉ của thương hiệu sản phẩm, người làm ra sản phẩm mà còn là vị thế của quốc gia, dân tộc.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ- khi nói về chôm chôm Bình Hòa Phước “đi Tây” thời gian gần đây. Bởi theo ông, thế giới nhìn vào sản phẩm mình xuất đi mà có những cách nhìn nhận khác nhau. Sản phẩm tốt thì cách nhìn nhận sẽ tốt.

Để cạnh tranh, hội nhập cần có nhiều sản phẩm tốt để thay đổi cách nhìn nhận về nền sản xuất của ta trên trường quốc tế.

Mở ngõ triển vọng xuất chôm chôm Bình Hòa Phước vào thị trường Mỹ, tuy nhiên ông Võ Trí Thiện- phụ trách kinh doanh Công ty CP Rau quả Mekong- Tiền Giang tỏ ra khá thận trọng khi đề cập đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Mặc dù đạt chuẩn GlobalGAP và đã xuất khẩu, nhưng trước khi đưa chôm chôm Bình Hòa Phước vào thị trường Mỹ, ông Thiện cho biết sẽ có bước khảo sát, đánh giá lại để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất từ thị trường này.

Với mong muốn phát triển chuỗi cung ứng mặt hàng rau, củ, quả an toàn, TS. Đinh Thế Hiển- Phó Giám đốc Công ty CP Khoa học nông nghiệp Việt (TP Hồ Chí Minh) khẳng định: Yếu tố an toàn phải đặt lên trên hết!

Điều này lý giải tại sao chủng loại, sản lượng nông sản tại Vĩnh Long khá lớn nhưng để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thì chưa nhiều. Bởi sau kiểm mẫu, nếu nông sản chưa đạt ngưỡng an toàn thì sẽ bị loại ngay.

Do đó, để cung ứng đủ sản lượng và đạt chất lượng thì doanh nghiệp đã tính đến phương án “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để hỗ trợ nông dân. Bên cạnh tự đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu riêng thì việc liên kết với nhà vườn sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng là cách mà doanh nghiệp lựa chọn trong tương lai.

Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn tỉnh Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho hay, các doanh nghiệp luôn mong muốn nông sản của tỉnh đặc biệt là trái cây đạt VietGAP hoặc GlobalGAP, phải có thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh, vùng trồng tập trung có thể đáp ứng cùng lúc với số lượng lớn và đồng nhất về mẫu mã. Người sản xuất có công nghệ sơ chế, bảo quản tốt để sản phẩm không bị hư hỏng khi vận chuyển đến tay khách hàng.

THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh