Phải có điểm tựa cho người tiêu dùng

11:04, 07/04/2016

Trên thị trường hiện nay, hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng đang có nhiều lẫn lộn, gây không ít ngộ nhận, khó khăn cho người tiêu dùng (NTD). Thêm vào đó, chế tài xử lý chưa đủ mức răn đe khiến cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn gian nan.

Trên thị trường hiện nay, hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng đang có nhiều lẫn lộn, gây không ít ngộ nhận, khó khăn cho người tiêu dùng (NTD). Thêm vào đó, chế tài xử lý chưa đủ mức răn đe khiến cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn gian nan.

Không thể đủ hiểu biết để trở thành “NTD thông minh”, vì vậy NTD rất cần có một “điểm tựa” vững chắc và tin cậy để có thể tìm đến mỗi khi gặp vướng mắc.

Thời gian tới, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD phấn đấu thành lập 3 tổ chức hội cấp huyện- thị- thành ở những nơi có điều kiện.
Thời gian tới, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD phấn đấu thành lập 3 tổ chức hội cấp huyện- thị- thành ở những nơi có điều kiện.

Thị trường sôi động, cảnh giác hàng giả

Theo đánh giá của BCĐ 389 tỉnh, trong năm 2015, mua bán vận chuyển hàng nhập lậu, gian lận thương mại sản xuất, kinh doanh hàng giả còn nhiều diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi.

Qua đó, ngành chức năng đã phát hiện xử lý nhiều vi phạm của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh, lợi dụng dịch vụ trò chơi bắn cá để đánh bạc.

Cụ thể, năm qua đã tổ chức kiểm tra gần 23.000 vụ, nhắc nhở và cảnh cáo 525 vụ, lập biên bản vi phạm trên 3.200 vụ, số tiền xử phạt trên 24,2 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính trên 18 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trên 1,1 tỷ đồng, truy thu thuế trên 5,1 tỷ đồng.

Riêng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), năm qua đã xử lý trên 1.300 vụ, tổng số tiền xử phạt trên 14,4 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 3/2016, thị trường diễn biến sôi động, giao thương hàng hóa nhộn nhịp, lưu lượng hàng hóa tăng mạnh.

Theo đó, các đối tượng làm ăn phi pháp đã lợi dụng để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,...

Các mặt hàng chủ yếu là thuốc lá điếu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, đường cát, xăng dầu, gas, mỹ phẩm, quần áo may sẵn, thuốc tân dược, đồ chơi trẻ em, lương thực, thực phẩm,… Tính riêng trong quý I, Chi cục Quản lý thị trường đã xử lý 263 vụ vi phạm với 317 hành vi, tổng số tiền xử phạt trên 2,5 tỷ đồng.

Có thể thấy, thực trạng hiện nay hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều gây ảnh hưởng lớn đến NTD, bởi lẽ NTD còn gặp khó trong việc nhận biết đâu là thật, đâu là giả.

Cụ thể mới đây, trên địa bàn tỉnh phát hiện 2 trường hợp sản xuất nón bảo hiểm giả với số lượng hàng ngàn nón, giá chỉ vài chục ngàn đồng nhưng lại được gắn mác nhiều thương hiệu nổi tiếng, đã gây không ít hoang mang, lo lắng cho NTD.

Ông Trần Quốc Linh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: Hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày càng gia tăng.

Năm 2016, tình hình vi phạm sẽ còn diễn biến phức tạp, chi cục sẽ tập trung thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến hàng cấm, các mặt hàng tiêu dùng là hàng nhái, hàng giả ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân.

Trong đó, chú trọng kiểm tra ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng để tiêu thụ, đồng thời lấy mẫu hàng hóa lưu thông trên thị trường khi có dấu hiệu vi phạm.

Điểm tựa của NTD

Từ khi thành lập đến nay, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD (Sở Công thương) đã tiếp nhận 198 vụ khiếu nại của NTD, trong đó hội đã trực tiếp tư vấn NTD 139 vụ. Riêng 79 vụ NTD đến khiếu nại tại cơ quan hội thì cũng đã hòa giải thành 68 vụ.

Còn lại 11 vụ chưa hòa giải được hội cũng đã hướng dẫn NTD đến cơ quan chức năng giải quyết.

Các vụ khiếu nại của NTD liên quan đến mua bán xe máy, điện máy, hàng gia dụng, tiêu dùng,… trong đó điển hình là thương vụ tranh chấp mua bán ôtô nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật có giá trị lên đến 840 triệu đồng. Thông qua nhiều lần hòa giải, hội đã hỗ trợ tích cực và tìm lại công bằng cho NTD.

Ông Trần Trung Nghĩa- Thư ký chuyên trách kiêm Thường trực Hội Bảo vệ quyền lợi NTD cho biết: Qua các vụ hòa giải thành và tư vấn cho NTD, các chủ doanh nghiệp cơ sở sản xuất, kinh doanh ý thức được trách nhiệm của mình đối với Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, từ đó chấp nhận thay đổi linh kiện, đổi lại hàng hóa mới hoặc trả tiền mua và bồi thường thiệt hại cho NTD.

Cũng theo ông Trần Trung Nghĩa, thời gian qua, hội đã vận động thành lập cơ sở hội cấp huyện cũng như 2 CLB bảo vệ quyền lợi NTD thuộc Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Do khó khăn về kinh phí hoạt động nên đến nay các cơ sở hội vẫn chưa thể thành lập. Hiện chỉ có các ban hòa giải ở các chợ hạng 1, 2, 3 do ban quản lý chợ tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương nói: Bên cạnh nỗ lực của ngành chuyên môn trong việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... thì NTD cũng cần nâng cao nhận thức bảo vệ quyền lợi của mình, kịp thời tố giác, đấu tranh các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, ý thức trong việc chọn hàng hóa an toàn, đảm bảo chất lượng.

Còn ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh góp ý: Thời gian qua, vai trò của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD chưa thật sự rõ nét.

Do đó hội cần đẩy mạnh phát huy hơn nữa trong nhiệm vụ làm cầu nối giải quyết giữa NTD và cơ sở sản xuất, kinh doanh, để khi NTD bị ảnh hưởng hay xâm phạm quyền lợi thì biết được có tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ.

Đối với doanh nghiệp, cần đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu, làm rõ nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin cho NTD.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN- LÊ SƠN

[links()]

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh