Nhà quản lý phải có câu trả lời về tình trạng "được mùa, mất giá"

02:04, 02/04/2016

Thảo luận kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, 5 năm phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2015 và cho ý kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2016- 2020, còn nhiều vấn đề ĐBQH lo lắng, trong đó có việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL.

Thảo luận kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, 5 năm phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2015 và cho ý kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2016- 2020, còn nhiều vấn đề ĐBQH lo lắng, trong đó có việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL.

Cần phải quy hoạch lại tổng thể các vùng sản xuất cho khu vực ĐBSCL
Cần phải quy hoạch lại tổng thể các vùng sản xuất cho khu vực ĐBSCL

* Tái cơ cấu vẫn còn chậm

Theo nhiều ĐB, mặc dù nông nghiệp nói chung chỉ đóng góp khoảng 17%-19% tổng GDP của nền kinh tế, nhưng gắn liền với 70% dân số sống ở nông thôn, có đời sống gắn với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

Trong các năm qua, Chính phủ và bộ, ngành đã có rất nhiều quan tâm đối với lĩnh vực này bằng nhiều chính sách có tính lâu dài và tình thế, nhất là tái cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp, nhưng sự chuyển biến chưa thật sự nhiều.

Vấn đề thường được cử tri quan tâm và luôn đề cập là sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản vẫn còn luẩn quẩn, được mùa, mất giá, thương hiệu sản phẩm chủ lực vẫn chưa có tính cạnh tranh và giá xuất khẩu còn thấp; việc tổ chức sản xuất chưa định hình được các mô hình hay.

Trong báo cáo Chính phủ cũng đã ghi nhận hạn chế, yếu kém của nông nghiệp nước ta là cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chưa đạt mục tiêu.

Thêm vào đó, đầu năm 2016 biến đổi khí hậu đã xảy ra ở một số vùng, nhất là ở ĐBSCL, cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam càng mong manh hơn, hay nói khác đi là nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước khó khăn kép gồm thị trường và điều kiện tự nhiên.

ĐB Nguyễn Thanh Phương (đơn vị TP Cần Thơ) kiến nghị Chính phủ trong năm 2016 và kế hoạch 2016- 2020 cần có những chính sách điều hành đột phá hơn, đầu tư nhiều hơn, chú ý nhiều đến sản xuất và tiêu thụ, tiếp tục xem trọng nền nông nghiệp hơn nữa để có thể vượt qua khó khăn, làm chuyển biến căn bản nền nông nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả và vai trò của nông nghiệp.

Nhìn nhận chung về tái cơ cấu, ĐB Bùi Mạnh Hùng (tỉnh Bình Phước) cho rằng, việc đánh giá việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu là đúng.

Tuy nhiên, việc đạt được kết quả bước đầu sau 5 năm thực hiện mới chỉ là một sự chuyển biến rất chậm chạp. Trước thực tiễn yêu cầu cần có sự đổi mới thật kịp thời, năng động hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn.

ĐB Vũ Công Tiến (đơn vị tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng khách quan, cần thiết để người nông dân có thể sống và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Tuy nhiên, chính sách đầu tư cho lĩnh vực này gần như chưa được quan tâm, việc đầu tư khoa học, kỹ thuật nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu là những vấn đề cần có giải pháp cụ thể thời gian tới.  

Ngoài ra, theo ĐB Vũ Công Tiến, hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp đang là “bà đỡ” để nông dân có điều kiện đủ sức tiếp cận kinh tế thị trường thời hội nhập.

Song, chính sách khuyến khích của chúng ta vẫn còn hạn chế thì làm sao nông dân có thể đủ sức để tiếp cận đầu vào, đầu ra trong sản xuất nông nghiệp trong bình ổn giá nông sản yên tâm sản xuất.

Cho nên câu chuyện được mùa mất giá là lẽ đương nhiên và sẽ kéo dài đến bao giờ, tôi cho đây là một câu hỏi mà những người lãnh đạo, những người quản lý phải có câu trả lời, giải quyết cho nông dân.

Theo ĐB Võ Kim Cự (đơn vị tỉnh Hà Tĩnh), trong xu hướng hội nhập vào kinh tế thế giới, liên kết vùng và liên vùng đã tạo ra một lợi thế mới, sức cạnh tranh mới. Nó phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương của vùng và liên vùng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và thúc đẩy phát triển sản xuất, liên kết để tiêu thụ sản phẩm và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Quá trình vận hành của cơ chế thị trường cùng hội nhập sâu kinh tế thế giới có những mặt tích cực cũng được phát huy tối đa. Nhưng đồng thời những mặt trái cũng sẽ tiếp tục, như các dòng chảy về văn hóa, dòng chảy về dịch chuyển dân số cơ học về dân cư, dòng chảy về môi trường, dòng chảy về tội phạm và an ninh và an toàn giao thông v.v...

Những diễn biến đấy đang càng ngày càng gay gắt. Nếu như chúng ta không liên kết vùng và liên vùng thì sẽ không thực hiện được yêu cầu là phát triển bền vững.

 * Có giải pháp quyết liệt với hạn mặn

ĐBSCL là vùng nông nghiệp trù phú của cả nước, với trọng trách rất quan trọng là đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước nhưng đang đứng trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Hiện nay, có 11/13 tỉnh ĐBSCL bị xâm nhập mặn, 9/13 tỉnh đã công bố thiên tai. Xâm nhập mặn đã gây hại nặng nề tại ĐBSCL ở nhiều lĩnh vực.

Thiệt hại về cây trồng khoảng 2.100ha, có khoảng 1,3 triệu người bị thiếu nước ngọt trong sinh hoạt hàng ngày, rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ mức độ cảnh báo cháy ở cấp 4, cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nắng nhiều, thiếu nước ngọt bổ sung, nhiều cánh đồng nuôi tôm ở ĐBSCL khó sinh trưởng và phát sinh bệnh dịch.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đơn vị tỉnh Kiên Giang) nhận định, chưa bao giờ đồng ĐBSCL lại gặp khó như hiện nay.

Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời thì ĐBSCL từ vùng trù phú sẽ trở thành tình trạng đói và khát. Tác động của biến đổi khí hậu buộc ĐBSCL cần phải được quy hoạch lại tổng thể các vùng sản xuất cho khu vực này.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng khách quan cần được quan tâm đầu tư đúng mức.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng khách quan cần được quan tâm đầu tư đúng mức.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Thanh Phương (đơn vị TP Cần Thơ) đề nghị việc phòng chống thiên tai, khắc phục tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán ở các vùng miền, đặc biệt là vùng ĐBSCL cần được nâng cấp ưu tiên.

Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp trước mắt giúp cho người dân khắc phục khó khăn về đời sống và sản xuất, tiếp tục thực hiện nhanh và tập trung các giải pháp căn cơ và lâu dài cho thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó, lưu ý vùng được xác định chịu nhiều ảnh hưởng.

ĐB kiến nghị Quốc hội nên cân nhắc cẩn thận việc cho phép giảm hơn 1,2 triệu ha rừng phòng hộ trong kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 vì có liên quan mật thiết đến môi trường và biến đổi khí hậu.  

Bài, ảnh: THANH TÂM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh