Hội nhập quốc tế đã mở ra những cơ hội chưa từng có cho mỗi doanh nghiệp (DN), nhưng thách thức cũng không phải ít và trong hành trình cạnh tranh khốc liệt đó DN cần biết phải làm gì.
Tính từ thời điểm Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào ngày 31/12/2015, chúng ta đã có 15 ngày là công dân AEC.
Hội nhập quốc tế đã mở ra những cơ hội chưa từng có cho mỗi doanh nghiệp (DN), nhưng thách thức cũng không phải ít và trong hành trình cạnh tranh khốc liệt đó DN cần biết phải làm gì.
Hội nhập sâu rộng giúp DN trong nước có nhiều cơ hội kết nối ra bên ngoài. |
Tại hội thảo “Biến thách thức thành cơ hội- DN Việt Nam trước những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, do Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long tổ chức vừa qua, các chuyên gia kinh tế cùng nhận định phần lớn DN Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về những thách thức của AEC cũng như chưa sẵn sàng để tận dụng những cơ hội AEC đem lại.
Sức nóng hội nhập
Theo CEO. Đặng Đức Thành- Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ nhiệm CLB Các nhà kinh tế (VEC), nhờ các hiệp định thương mại tự do, hàng Việt Nam xuất khẩu vào các nước không chịu nhiều rào cản thuế quan hay phi thuế quan như trước.
Đơn cử như hàng dệt may hiện nay đang chịu thuế suất trung bình 17,5% (hàng xuất vào Mỹ) được cam kết bỏ thuế ngay lập tức (thuế 0%) thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tất cả những thông thoáng của các FTA, trong đó có TPP sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam mạnh mẽ.
Đồng thời, thúc đẩy Nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng cho DN. Các hiệp định thương mại, nhất là TPP đưa ra các quy định pháp lý về đảm bảo tài sản, trí tuệ… cho DN yên tâm làm ăn, kể cả những quy định cho phép nhà đầu tư được quyền “khởi kiện” các chính quyền nước ngoài, bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN.
Theo ông Vi Quang Đạo- Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ, những hành động chính sách, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã dọn đường cho bước hội nhập đang diễn ra.
Nổi bật trong Nghị quyết 19, cũng như trong các luật mới về kinh doanh là tiếp cận vấn đề theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, so sánh với thế giới chứ không còn “ta với ta” nữa.
Nhưng những thách thức không phải ít, đó là: giảm nguồn tiêu thụ sản phẩm của mình trên thị trường trong nước do hàng hóa của các nước tăng số lượng vào Việt Nam, vượt trội về nhiều mặt.
Nhiều DN Việt Nam còn chưa kịp đáp ứng điều kiện về chất lượng để xuất khẩu vào thị trường các nước, trong khi sức cạnh tranh tăng lên dữ dội, nhất là các ngành hàng nông nghiệp: sữa, thịt, cá, hải sản, các loại trái cây nhập khẩu…
DN Việt Nam đa phần là DN nhỏ và vừa (trên 96%), nguồn nhân lực hiện tại thiếu và rất yếu về quy mô, vốn, trình độ quản trị không theo kịp chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Từ đó sức cạnh tranh kém…
Mặt khác, vì nhận thức còn hạn chế về hội nhập DN sẽ gặp khó khăn trong việc tận dụng được các ưu đãi và cơ hội đến từ AEC. Đa số DN nhìn nhận AEC như cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng xuất khẩu, mà lợi ích này trong AEC là tương đối hạn chế.
“Kết nối một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất” mới là mục tiêu chính của AEC và lợi ích dài hạn mà các DN trong ASEAN cần nhắm đến. Trong quá trình đó, DN phải vừa hợp tác, vừa cạnh tranh.
DN cần làm gì?
TS. Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, trong AEC có rất nhiều chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Các chương trình này có ý nghĩa rất lớn vì không chỉ hướng dẫn cách làm ra tiền mà còn chỉ cho chúng ta cách làm tiền xanh hơn, bền vững hơn, xã hội hơn.
Đây là một chân trời vô tận cho các DN vừa và nhỏ. Điều quan trọng nhất, theo TS. Võ Trí Thành, muốn hội nhập thành công phải chủ động hội nhập và tự tin để “chơi với người khổng lồ, người tốt nhất”.
Đối với DN vừa và nhỏ, bên cạnh các ngành nghề Việt Nam có lợi thế trong hội nhập như một số mặt hàng công nghiệp, thủy sản, hoàn toàn có thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào những ngành còn đòi hỏi nhiều lao động hoặc các cơ hội cung ứng dịch vụ cho các DN đang làm việc tại Việt Nam.
Nhiều DN “đón đầu” hội nhập với việc đầu tư, thay đổi công nghệ sản xuất. Trong ảnh: Nhà máy chế biến gạo hiện đại của Công ty Phước Thành IV. |
Trong môi trường rất cạnh tranh, DN phải học kết nối. Cơ hội này không chỉ là cơ hội thị trường mà còn là cơ hội kết nối với những DN tiên phong, những DN lớn. Kết nối ở đây DN có thể là công nghiệp hỗ trợ, có thể cung cấp dịch vụ cho họ, sản xuất mặt hàng nào đó trong một phần sản phẩm của họ...
Rất nhiều dịch vụ có thể cung cấp như logistic, quảng cáo, thực phẩm, thức ăn, nhưng cái quan trọng hơn là kết nối và học hỏi. Bởi chơi với “người lớn”, mình học được rất nhiều.
CEO. Đặng Đức Thành khuyên DN cần làm 4 việc, đó là: cần tiến hành đánh giá lại tiềm năng (nguồn lực, nội lực) thế mạnh của đơn vị mình trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng cơ hội, thách thức từ những FTA mang lại; nghiên cứu sâu thị trường, dự đoán được đối thủ cạnh tranh; đổi mới đội ngũ cán bộ chủ chốt phù hợp tình hình mới.
Củng cố và xây dựng chiến lược kinh doanh 5 năm, 10 năm: xuyên suốt, nhất quán, khai thác được yếu tố thuận lợi do FTA mang lại. Tổ chức đổi mới, sáng tạo theo kịp và đủ sức cạnh tranh thời hội nhập, trong đó chú trọng nâng cao năng suất lao động, thay đổi thiết kế, bao bì, chất lượng sản phẩm…
Và sự cần thiết phải tái cấu trúc lại công ty: áp dụng những tiêu chuẩn quản trị kinh doanh hiện đại, phù hợp những chuẩn mực và thông lệ quốc tế; xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng vốn hiệu quả phục vụ cho thực hiện chiến lược kinh doanh của công ty.
|
Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Xem đây là cơ hội để “đánh thức DN”, nhìn nhận vai trò của mình như một thành viên DN quốc tế, cũng như trách nhiệm trong phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Tôi tin tưởng rằng cộng đồng DN sẽ nhận thức rõ những thách thức và thời cơ để tạo uy tín trên thương trường, vượt qua khó khăn, thử thách trong quá trình hội nhập sâu rộng, tăng cường khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin