Sản phẩm cá tra chưa tiếp cận được phân khúc thị trường cao cấp, do hiện chưa truy xuất nguồn gốc, lỏng lẻo quản lý giống và nhất là tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... Điều này sẽ tiếp tục là những thất thế khi muốn đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này vào các thị trường khó tính
“Sản phẩm cá tra chưa tiếp cận được phân khúc thị trường cao cấp, do hiện chưa truy xuất nguồn gốc, lỏng lẻo quản lý giống và nhất là tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... Điều này sẽ tiếp tục là những thất thế khi muốn đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này vào các thị trường khó tính.”- TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ khẳng định như vậy tại Hội thảo: “Nhận diện những thay đổi của thị trường xuất khẩu khi Việt Nam thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA)” vừa diễn ra.
Để vượt “vũ môn” là những hàng rào kỹ thuật dày đặc, người nuôi cá tra và ngành thủy sản còn nhiều việc phải làm.
Ngành cá tra cần một chiến lược căn cơ thì mới có thể phát triển bền vững. Ảnh: VINH HIỂN |
Nuôi cá tra teo tóp
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nếu năm 2014 xuất khẩu cá tra đạt 1,7 tỷ USD, tăng 0,4% so với năm 2013, sản phẩm này cũng đã có mặt tại 151 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì đến cuối tháng 10/2015, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ 2014 và chỉ xuất đến 113 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đánh giá đến cuối năm không thể đạt mức 1,76 tỷ USD của năm 2014.
Tình hình nuôi cá tra ở ĐBSCL ngày càng khó khăn, diện tích nuôi thu hẹp dần, trong khi đầu ra rất bấp bênh và không thể tự quyết định. Tính đến cuối năm 2015, Vĩnh Long có trên 300ha nuôi mới cá tra, thu hoạch được trên 55.000 tấn, với năng suất 267 tấn/ha, giảm 20% sản lượng so với năm 2014.
Tỉnh Đồng Tháp hiện 1.939ha nuôi cá tra, trong đó, vùng nuôi của doanh nghiệp chiếm hơn 66% và diện tích cá tra gia công cho doanh nghiệp chiếm 11%, chỉ còn 23% diện tích của các hộ nuôi cá tra độc lập. Tại An Giang, diện tích nuôi cá tra cả tỉnh khoảng 820ha; trong đó, vùng nuôi của doanh nghiệp trên 600ha, chiếm hơn 70%.
TS. Võ Hùng Dũng cho rằng, ngành cá tra đang bộc lộ yếu kém ở nhiều khâu như: chất lượng giống thấp, tỷ lệ nuôi sống thấp; quy hoạch kiểm soát dịch bệnh môi trường chưa tốt; yếu kém trong chiến lược cạnh tranh chế biến xuất khẩu, tranh giành nội bộ trong nước gay gắt, cạnh tranh trên trường quốc tế kém, có vấn đề về quản lý chất lượng.
Đồng thời, kênh phân phối yếu kém, còn thiếu hiểu biết về khách hàng, phụ thuộc quá nhiều vào nhà phân phối trung gian. “Thay vì phát triển hội nhập dọc theo chuỗi để phát triển thị trường, cạnh tranh ở nước ngoài, ngành cá hội nhập ngược trở lại với chuỗi, các nhà máy chế biến mở rộng vùng nuôi trong khi nhà máy thức ăn gia tăng, giá cả leo thang trong thị trường nước nhà.”- TS Võ Hùng Dũng nhận định.
Thắt chặt rào cản kỹ thuật
Năm 2015, sản lượng thu hoạch cá tra của Vĩnh Long giảm 20% so năm 2014. Ảnh: THẢO LY- HOÀNG MINH |
Bên cạnh những yếu kém như thiếu chiến lược tiếp thị đồng bộ và lâu dài, chưa tạo được thương hiệu quốc gia, thì các rào cản thương mại cũng là một quan ngại lớn của ngành thủy sản Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay. Cụ thể, ngày 25/11/2015, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (FSIS) đã triển khai chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra nhập khẩu vào Mỹ.
Theo đó, kể từ tháng 3/2016, tất cả cá bao gồm cá da trơn và cá tra của Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền giám sát của FSIS thay vì chịu quy định của FDA. Trong suốt khoảng thời gian chuyển đổi 18 tháng, FSIS sẽ tiến hành tái giám sát và lấy mẫu ngẫu nhiên ít nhất 1 lần/quý tại cơ sở nhập khẩu của Hoa Kỳ để giám định về chủng loại cá, dư lượng hóa chất có trong các lô hàng cá nhập khẩu thuộc họ Siluriformes.
TS. Võ Hùng Dũng cho biết: FSIS quy định nghiêm ngặt việc kiểm soát theo từng công đoạn từ con giống, thức ăn, dư lượng kháng sinh, chất tồn dư thú y đến vận chuyển, nhà máy...
Chỉ với những việc này đã làm tăng chi phí đầu vào trong quá trình nuôi. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải luôn chạy theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn vùng nuôi và phải tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa để có thể đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu từ các nước, trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của Việt Nam.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp- PTNT Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, làm việc với FSIS để nắm rõ các thông tin, yêu cầu về việc nộp hồ sơ chứng minh tương đồng và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện.
Để giải quyết khó khăn, TS. Võ Hùng Dũng cho rằng, ngành cá tra cần chiến lược chung để phát triển như: đa dạng thị trường, giảm mức độ phụ thuộc chỉ vào một hoặc hai thị trường; thiết lập ngưỡng tối thiểu và minh bạch thông tin về chất lượng sản phẩm; bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc; thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp; hợp tác, xây dựng, quảng bá thương hiệu…
Các chuyên gia đến từ Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Tổ chức chứng nhận NHO- Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần trang bị những kinh nghiệm giải quyết thương mại từ những tranh chấp về thanh toán, hoàn trả hàng hóa, giao hàng, chất lượng hàng hóa… trong các hợp đồng thương mại.
Đây là những vấn đề quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại quan trọng, tiêu biểu nhất là TPP, FTA Việt Nam- EU, FTA Việt Nam- Liên minh kinh tế Á Âu và FTA Việt Nam- Hàn Quốc...
Bởi bên cạnh những lợi ích giúp đẩy mạnh giao thương giữa các nước, tham gia các FTA, doanh nghiệp ĐBSCL cũng như cả nước gặp nhiều thách thức khi các nước khác đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư và cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước; trong đó nổi lên là những vấn đề rào cản về chất lượng, sở hữu trí tuệ… ngày một khó khăn hơn.
Mặc dù đang nằm trong tóp các nhà cung cấp thủy sản lớn nhất thế giới, nhưng đến nay Việt Nam còn thiếu chiến lược tiếp thị toàn cầu lâu dài cho cả ngành thủy sản; thiếu hệ thống cung cấp thông tin đầy đủ, chính thức trước các thông tin sai lệch về chất lượng, việc nuôi trồng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường các nước. |
THẢO LY- HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin