17 giờ, người tan ca, người tan chợ… ai cũng vội về nhà lo bữa cơm chiều. Nhịp sống đô thị căng như sợi dây đàn. Chừng như ai nổi nóng thêm một chút là… bung.
17 giờ, người tan ca, người tan chợ… ai cũng vội về nhà lo bữa cơm chiều. Nhịp sống đô thị căng như sợi dây đàn. Chừng như ai nổi nóng thêm một chút là… bung.
Bởi vậy, chú bảo vệ vừa căng sợi dây giăng ngang đường trước cổng trường để ngăn xe, nhường đường cho các em học sinh qua lộ, vừa nhảy vội qua bên đây tránh một chiếc xe máy rú ga phóng ào qua; lại bước sang bên nọ né một chiếc khác len lách tìm cách đi trước, “bác tài” còn quay đầu quạu quọ: gấp muốn chết còn chặn đường…
Khẩu hiệu tuyên truyền an toàn giao thông thường nhắc nhở “nhường nhịn nhau khi đi đường là thể hiện văn hóa giao thông”, nhưng trong thực tế, không hiếm cảnh người đi xe đạp, xe máy, thậm chí là ôtô đều sẵn sàng vượt lên phía trước, bất kể đèn vàng, vượt cả đèn đỏ.
Những người không chịu nhường nhịn này đã tạo ra các tình huống nguy hiểm, rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Không ít lần ở ngay trước các cổng trường, nhiều xe máy vẫn chạy rất nhanh, nên va quẹt vào các em học sinh đi xe đạp đang băng qua đường.
Trong khi đó, rất nhiều người cho rằng, trong nội ô các đô thị, dẫu cho chạy xe vượt lên phía trước cũng không thể nhanh hơn được bao nhiêu mà còn có thể gây va chạm, ùn tắc. Tốt hơn hết là nên “nhường nhịn nhau khi đi đường” để cùng tham gia giao thông an toàn, văn hóa và vui vẻ.
Có lẽ trong việc xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, ở các khu phố, cơ quan, đoàn thể, cần vận động người dân, cán bộ, nhân viên tự tạo tâm thế “nêu gương nhường nhịn” nhau khi đi đường. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an toàn giao thông mà còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông đến dài lâu.
NGUYÊN CHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin