Gỡ khó cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp

05:12, 11/12/2015

Qua đợt khảo sát của HĐND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó cần ưu tiên tập trung cho các lĩnh vực kinh doanh phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Qua đợt khảo sát của HĐND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó cần ưu tiên tập trung cho các lĩnh vực kinh doanh phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cần sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể để hỗ trợ các hợp tác xã.
Cần sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể để hỗ trợ các hợp tác xã.

Vẫn còn khó

Theo thống kê của các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt hiện có 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến hàng nông sản (tăng 95 cơ sở), 548 cơ sở và DN sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (tăng 5 cơ sở).

Trong lĩnh vực chăn nuôi, có 115 trang trại (tăng 6 trang trại), 83 lò giết mổ và cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật (giảm 1 lò, tăng 17 cơ sở). Lĩnh vực thủy sản hiện có 221 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản.

Về hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 9 tháng đầu năm, đã giải thể 7 HTX, thành lập 2 HTX, hiện toàn tỉnh có 30 HTX. Trong đó, chỉ 22 HTX còn hoạt động.

Nhìn chung, các DN đầu tư vào nông nghiệp đều được duy trì và phát triển. Riêng lĩnh vực thủy sản, do tình hình nuôi cá tra gặp khó khăn nên các DN điều hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngưng.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Từ đó, mời gọi các DN gắn kết để tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu, đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, khả năng duy trì và nhân rộng việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chưa mang tính bền vững. Nguyên nhân là diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của DN.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp còn thấp, chủ yếu là hộ cá thể, CLB, tổ hợp tác và HTX nên rất khó ký hợp đồng với DN trong tiêu thụ nông sản. Cơ chế liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chưa mang tính pháp lý cao nên DN và người sản xuất chưa tuân thủ hợp đồng.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Vấn đề thiếu vốn, lãi suất tín dụng vẫn còn ở mức cao là trở ngại lớn cho người sản xuất, nhất là các DN tư nhân trên địa bàn tỉnh. Các DN sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng khó tiếp cận được các nguồn vốn vay ngân hàng.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh kiến nghị, cần điều chỉnh quy định về đấu thầu xây dựng công trình để DN loại vừa có thể tham gia các gói thầu nhỏ (từ 5 tỷ trở xuống); hỗ trợ cho ngành nông nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng giống, phát triển mô hình sản xuất quy mô lớn, có chất lượng tốt để cung cấp nguyên liệu cho các DN.

Đồng thời, ngân hàng cần có chính sách khoanh, giãn nợ, gia hạn, tạo điều kiện để DN có thể vay vốn, tái đầu tư sản xuất. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi để đạt các tiêu chuẩn quy định và tăng cường sức cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, phải mở rộng chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn sang các sản phẩm chăn nuôi và thủy sản. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết các nông sản chủ lực của tỉnh như: lúa, khoai lang, nhãn, chôm chôm, cam sành, bưởi Năm Roi, cá tra,... nhằm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao giá trị theo đúng mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020.

Nhà nước cần sớm triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp, nhằm giảm rủi ro cho nông dân và tạo niềm tin của ngân hàng trong vay vốn phát triển sản xuất. Về phía tỉnh, cần sớm ban hành chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Trọng Nghiệp- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cho biết, qua gần 4 năm triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng, hỗ trợ DN, trang trại, hộ gia đình, tăng trưởng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cao hơn mức tăng trưởng dư nợ trên địa bàn tỉnh. Là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu nên tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,33%/năm.

Tính đến cuối tháng 9/2015, đạt 7.489 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm, chiếm 46,66% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn còn tập trung ở lĩnh vực lương thực, thủy sản, cho nên hướng tới ngành ngân hàng kiến nghị với UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND cấp huyện xem xét tạo quỹ đất cho các HTX, tổ hợp tác thuê để làm trụ sở hoạt động và sớm ban hành quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể để hỗ trợ các HTX.

Ông Trương Văn Sáu- Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh, hướng tới ngành ngân hàng tỉnh vẫn phải ưu tiên cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, trước mắt tập trung vào trang trại, về lâu dài thì củng cố kinh tế HTX. Cần đánh giá kỹ nguyên nhân trở ngại để đề xuất như: cần làm đề án cho cán bộ HTX làm được việc, hưởng chế độ chính sách, chú ý công tác giống trong sản xuất nông nghiệp... Vấn đề giải quyết đầu ra, xây dựng thương hiệu... cần đeo đuổi quyết liệt và cần có hợp đồng liên kết. Trong chỉ đạo xây dựng cơ bản nằm ngay các xã nông thôn mới, các công trình thủy lợi, cái nào gỡ được là chúng ta tập trung gỡ. Trước mắt, cần tiếp tục gỡ cho được khó khăn của DN đối với các vấn đề thuộc phạm vi của tỉnh.

Bài, ảnh: YẾN- TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh