Muốn sản xuất lớn, phải thay đổi chính sách hạn điền

04:11, 03/11/2015

Trong 2 ngày 2- 3/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và phương hướng năm 2016. 

Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay thì sản xuất quy mô lớn là điều phải tính đến.
Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay thì sản xuất quy mô lớn là điều phải tính đến.

Trong 2 ngày 2- 3/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và phương hướng năm 2016.

Có rất nhiều vấn đề mà đại biểu quan tâm đóng góp, trong đó nổi bật là việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn chậm và chưa hiệu quả như mong muốn.

* Tái cơ cấu nông nghiệp chưa đạt yêu cầu  

Trong Báo cáo của Chính phủ việc tái cơ cấu nông nghiệp đến nay vẫn còn chậm và chưa đạt kết quả như mong muốn.

Theo nhiều đại biểu, hạn chế của nông nghiệp nước ta đã bộc lộ khá rõ từ nhiều năm qua, đó là vấn nạn được mùa mất giá, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp còn yếu kém.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đơn vị tỉnh Bình Dương) cho rằng, xu thế tất yếu của kinh tế nông nghiệp Việt Nam đòi hỏi cần có thêm những hình thức tổ chức sản xuất mới.

Đó là hiểu biết về thị trường có năng lực để áp dụng các thành tựu công nghệ kỹ thuật cao, nông sản phải đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp toàn cầu để đứng vững trên thị trường.

Và quan trọng nhất là phải biết chọn lựa khâu sản xuất kinh doanh nào có lợi nhất trong toàn bộ các chuỗi giá trị sản xuất và kinh doanh nông nghiệp toàn cầu. Hộ gia đình nông dân có quy mô nhỏ bé hiện nay chưa thể vươn lên đạt được trình độ đó.  

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (đơn vị tỉnh Đắk Nông) nêu ra một số bất cập, đó là thị trường vận hành không đồng bộ, sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp luôn mất cân đối, hiện tượng được mùa mất giá triền miên, thiệt hại cuối cùng vẫn là người nông dân gánh chịu.

Ngoài ra, không có sự gắn kết trong liên kết chuỗi giá trị. Nông nghiệp còn mang nặng tính tự phát, không bền vững,

Theo nhiều đại biểu, để cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay thì sản xuất quy mô lớn phải tính đến. Nông nghiệp Việt Nam đang cần nhiều nhà đầu tư nông nghiệp theo quy mô như vậy.

Thế nên, tại sao không trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vào phát triển nông nghiệp như đã từng làm khá thành công trong kêu gọi đầu tư vào công nghiệp.

Tư duy này muốn thành hiện thực trước hết cần có đột phá trong chính sách đất đai, nhất là vấn đề hạn điền. Hiện nay, để tham gia canh tác và kinh doanh nông nghiệp một doanh nhân sẽ bỏ tiền mua đất đai và quyền sử dụng đất. Nhưng nếu số lượng vượt quá hạn điền thì phải tiếp tục bỏ tiền ra thuê lại diện tích chính mình đã mua.

Tình trạng này làm ngao ngán và nản lòng những ai muốn canh tác và kinh doanh nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn.

Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, tại sao chủ trương dồn điền đổi thửa để có những cánh đồng lớn mà không cho phép tích tụ ruộng đất ở mức độ phù hợp để thúc đẩy sự hình thành những công ty nông nghiệp lớn và vừa.

Trước đây, chủ trương không tích tụ đất đai là để không tái sinh giai cấp địa chủ nhưng ai cũng biết chỉ gọi là địa chủ khi nó gắn liền với phát canh thu tô. Pháp luật Việt Nam hiện nay đủ sức để vĩnh viễn xóa bỏ phương thức phát canh thu tô. Do vậy, ngày nay cho dù có tích tụ đất đai vẫn không làm giai cấp địa chủ “đội mồ” sống lại.

* Giải quyết vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp như thế nào?

Khó khăn trước mắt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp là việc giải quyết đầu ra cho nông sản.

Hiện nay, việc liên kết ban đầu giữa doanh nghiệp và người dân vẫn chưa bền vững- đó là do lòng tin của hai bên. Làm sao để đảm bảo doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm khi giá xuống thấp cũng như làm sao để người dân đảm bảo cung cấp cho doanh nghiệp khi giá thị trường tăng? Theo nhiều đại biểu, để đảm bảo liên kết này chặt chẽ cần có người thứ ba đứng ra bảo lãnh cho cả hai bên.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đơn vị tỉnh Bình Định) cho rằng, Chủ tịch Quốc hội cũng đã gợi ý để liên kết 4 nhà phát huy hiệu quả cần có nhà thứ năm đó là nhà tài chính. Theo tôi, đây cũng là người thứ ba đảm bảo được liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân.

Nhà tài chính có đủ năng lực tài chính để bảo lãnh doanh nghiệp thực hiện cam kết thu mua sản phẩm của nông dân khi giá tăng và cũng có điều kiện thuận lợi với những ràng buộc để nông dân đảm bảo sẽ cung cấp cho doanh nghiệp thông qua các hợp đồng cấp vốn.

Đóng góp thêm các giải pháp cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ cần rà soát lại cơ chế chính sách, nhất là các chính sách tín dụng, thuế, đất đai đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ ở khu vực nông thôn.

Bởi các doanh nghiệp này tuy quy mô nhỏ, vốn ít, trình độ khoa học, công nghệ, thiết bị còn hạn chế, khó có thể làm bà đỡ để hướng dẫn nông dân sản xuất, liên kết tập hợp các nông hộ để sản xuất quy mô lớn, tạo sản phẩm có chất lượng cao để cạnh tranh và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (đơn vị tỉnh Cà Mau), kiến nghị cần có giải pháp can thiệp mạnh hơn nữa vào một số vật tư thiết yếu cho nông nghiệp; có cơ chế cung ứng nguồn vốn để doanh nghiệp chủ động tạm trữ sản phẩm có chất lượng cao như sản phẩm đúng theo quy trình và chất lượng, từ thủy sản như tôm, cá... như đã từng can thiệp giải pháp để thực hiện tạm trữ lúa gạo như đợt vừa qua.

Bài, ảnh: BÙI THANH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh