Theo Viện Cây ăn quả miền nam (Sofri), diện tích cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) khoảng 295.000 ha, sản lượng 3,8 triệu tấn/năm, chiếm tới 36,5% diện tích và gần 50% sản lượng của cả nước.
Theo Viện Cây ăn quả miền nam (Sofri), diện tích cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) khoảng 295.000 ha, sản lượng 3,8 triệu tấn/năm, chiếm tới 36,5% diện tích và gần 50% sản lượng của cả nước.
Hiện đã có nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản nổi tiếng như: xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang); bưởi Năm roi (Hậu Giang, Vĩnh Long); bưởi da xanh (Bến Tre); quít hồng Lai Vung (Ðồng Tháp)... Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế ấy, ổn định thị trường và xây dựng thương hiệu vẫn đang là hai vấn đề nan giải...
Dán nhãn hiệu bưởi da xanh Hương Miền Tây tại cơ sở sản xuất xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.
Bài 1: Nhọc nhằn tìm thị trường ổn định
Gian nan "đầu ra" !
Huyện Chợ Lách (Bến Tre) là địa phương đầu tiên chúng tôi đặt chân đến trong chuyến công tác vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long lần này. Ðây là "vựa" trái cây của xứ Dừa với những loại trái cây nổi danh, như chôm chôm, sầu riêng, đặc biệt có diện tích trồng măng cụt lớn nhất khu vực miền Tây Nam Bộ, tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Hòa, Tân Thiềng, Phú Sơn, Vĩnh Thành, Long Thới, Hưng Khánh Trung B.
So với cây truyền thống là dừa thì trồng các loại cây ăn trái khác mang lại lợi nhuận gấp 3 đến 4 lần. Tuy nhiên, rồi người trồng cũng không thoát khỏi tình cảnh "được mùa, rớt giá" như trước nay vẫn vậy.
Năm nay, quả măng cụt Chợ Lách bị sụt giá do được mùa, sản lượng nhiều, đầu mùa giá thu mua tại vườn từ 60.000 đến 80.000 đồng/kg, nhưng sau có lúc tụt xuống chỉ còn 14.000 đến 15.000 đồng/kg, thấp nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân chính là do măng cụt Chợ Lách vẫn chưa có thị trường ổn định.
Ở những miệt vườn vốn là "Vương quốc trái cây" này, thậm chí hai chữ "thị trường" đối với nông dân còn là một khái niệm mơ hồ. Cùng với cán bộ hội nông dân và lãnh đạo huyện Chợ Lách, chúng tôi đến thăm vườn chôm chôm thuộc tổ liên kết sản xuất ấp Tân Thới, xã Sơn Ðịnh, huyện Chợ Lách (Tiền Giang) sau vài cây số luồn lách bằng xe máy giữa kênh rạch chằng chịt.
Theo ông Hồ Văn Lai, tổ trưởng, ở đây có 25 hộ liên kết góp tổng cộng 13,6 ha trồng chôm chôm gồm ba loại: chôm chôm Thái, chôm chôm Java và chôm chôm nhãn.
Trước đây, khi còn sản xuất đơn lẻ, năng suất thấp, dịch bệnh không có cách xử lý, nay do liên kết được phổ biến, cùng nhau học hỏi cách thức chăm bón, nuôi trồng, năng suất tăng từ 1,5 tấn/ha/vụ lên 2,5 tấn/ha/vụ. Người dân đang chuẩn bị để áp dụng VietGap cho việc trồng chôm chôm. Nhưng nhắc đến "thị trường" thì họ mù tịt, đến mùa vụ, thương lái vào tận vườn thu gom rồi đưa hàng mình đi đâu thì đi.
Rất nhiều chủng loại trái cây ở ÐBSCL không bứt lên nổi cũng bởi đơn giản do không có đầu ra. Trong buổi làm việc với lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Nguyễn Văn Tranh cho biết: Cà Mau vốn là vùng đất nhiễm phèn mặn, không hợp cho việc trồng cây ăn trái, nhưng cây chuối xiêm U Minh lại bạt ngàn tươi tốt với diện tích khoảng 5.000 ha, sản lượng chuối của vùng này đạt khoảng 40 nghìn tấn/năm. Ðây là cây đặc sản điển hình vùng U Minh, đất mũi Cà Mau với trái sai oằn, ngọt lịm...
Ấy vậy mà đã hàng chục năm qua, thân phận cây chuối xiêm vẫn bấp bênh. Vài năm lại đây, Công ty VINAMIT tổ chức thu mua chuối nguyên liệu, nhưng so với sản lượng thì chẳng đáng là bao, cho nên dân nghèo U Minh cứ loay hoay trên trên mỏ "vàng xanh" mà không có lối ra cho sản phẩm...
Cần sự tiên phong của doanh nghiệp trong chuỗi liên kết
Ðương nhiên, trong bối cảnh như vậy, việc khai thông thị trường cho trái cây ÐBSCL là nhiệm vụ hàng đầu. Ðể làm được điều này, việc tăng cường liên kết vùng và liên kết "bốn nhà" (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông) để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên nguyên tắc gắn chặt với thị trường là rất cần thiết, đồng thời cũng phải chỉ ra được "nhà nào" sẽ "tiên phong" trong việc mở thị trường.
Trong buổi làm việc tại Viện Cây ăn quả miền nam (Sofri) tại Tiền Giang, TS Lương Ngọc Trung Lập cho chúng tôi biết: Do thị trường nội địa đã tương đối bão hòa, chúng ta cần chủ động mở rộng xuất khẩu. Ðến nay, thị trường Trung Quốc vẫn là chủ lực của trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, ở thị trường này, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu theo đường tiểu ngạch.
Trước tình hình này, một số doanh nghiệp xuất hàng trái cây sang thị trường này đang rất lo ngại... Hiện nay, các thị trường khác như Mỹ và châu Âu, Nhật Bản đã chấp nhận nhập khẩu các loại trái cây Việt Nam như: thanh long, chôm chôm, bưởi, chuối... Và hơn ai hết, đội ngũ doanh nhân phải là người trực tiếp đứng ra thực hiện sứ mệnh đó.
Ðồng tình với quan điểm này, ông Ðàm Văn Hưng, chủ cơ sở Hương Miền Tây, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), nơi chuyên thu mua, chế biến bưởi da xanh sau thu hoạch, lại đặc biệt coi trọng việc khai thông "đầu ra" cho hoa trái, bao gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Hiện bưởi da xanh do cơ sở này thu mua và chế biến tại thị trường nội địa chiếm 95%, xuất khẩu ra nước ngoài 5%. Trước đây, có xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng nay đã bỏ vì thị trường này không ổn định, thất thường, đến nay sản phẩm đã được xuất khẩu sang Ðức, Hà Lan, Xin-ga-po, Ðài Loan (Trung Quốc) và Trung Ðông. Mặc dù bưởi da xanh đang được tiêu thụ mạnh và được giá tại thị trường nội địa, nhưng vẫn tiến hành xuất khẩu và sẽ nâng tỷ trọng xuất khẩu từ 5% hiện nay lên 10% vào năm sau.
Tuy nhiên, thị trường lớn luôn đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hay nói rộng ra là những "hàng rào kỹ thuật", mà muốn hay không muốn, người trực tiếp trồng hoa trái đến các cơ sở thu gom, chế biến xuất khẩu cần đặc biệt coi trọng và tuân thủ.
Trong chuyến khảo sát lần này tại khu vực ÐBSCL, chúng tôi không khó để nhận ra một thực tế: Mặc dù Nhà nước rất quan tâm và đầu tư lớn, nhưng do có hệ thống sông ngòi chằng chịt, cho nên hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở khu này vẫn còn yếu kém, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc vận chuyển hoa quả tươi.
Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tiếp cận công nghệ mới và cần được sự hỗ trợ nhiều hơn của Nhà nước để hình thành mạng lưới đóng gói đạt chuẩn ở các vùng sản xuất, để đóng gói và tập kết sản phẩm trước khi vận chuyển đến kho cất trữ chờ xuất khẩu.
Hơn thế, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến việc đầu tư đa dạng hóa sản phẩm, chế biến từ cây trái ăn quả, bởi điều này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải cho sản phẩm tươi "dội" hàng ở một vài thời điểm trong năm, giảm lệ thuộc quá nhiều vào thị trường.
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện tại, để khai thông được thị trường cho cây ăn quả nói chung và cây ăn quả ở ÐBSCL nói riêng thì "nhà doanh nghiệp" phải đứng ở vị trí tiên phong trong chuỗi liên kết "bốn nhà"!
Theo nhandan.org.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin