Làm gì để nông sản Việt Nam có thương hiệu quốc gia?

10:12, 16/12/2014

Có thể nói rất ít các thương hiệu nông sản của Việt Nam được quốc tế biết đến và đây chính là bất lợi lớn cho nông sản hàng hóa của chúng ta khi xuất ra nước ngoài.

Có thể nói rất ít các thương hiệu nông sản của Việt Nam được quốc tế biết đến và đây chính là bất lợi lớn cho nông sản hàng hóa của chúng ta khi xuất ra nước ngoài.

Bốc xếp mặt hàng gạo xuất khẩu sang thị trường Philippines tại cảng Nhà Bè. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Mặc dù chất lượng gạo, trái cây của Việt Nam không thua kém gì hàng của Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan… nhưng giá trị hàng nông sản của ta lại thấp hơn. Vì vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản của Việt Nam đang đòi hỏi bức thiết với người dân.

Chưa tạo được thương hiệu quốc gia

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế, dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản xuất khẩu và là vùng sản xuất nhiều loại trái cây nổi tiếng. Tuy nhiên, việc không có thương hiệu riêng khiến nhiều sản phẩm chủ lực của vùng chỉ ở dạng tiềm năng, sức cạnh tranh kém… Nghịch lý này tồn tại nhiều năm khiến giá trị nông sản mang lại chưa cao.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thương hiệu chiếm 40-60% giá trị của một sản phẩm hoặc dịch vụ. Chương trình thương hiệu quốc gia được đặt ra từ năm 2003, các địa phương, doanh nghiệp cũng đã quan tâm hơn đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu.

Chẳng hạn như về sản phẩm gạo có gạo Ngọc Đồng của doanh nghiệp Gentraco, Hương Lúa của Công ty ITA Rice, gạo Hoa Sữa của Công ty Viễn Phú hay khoai lang Bình Tân (Vĩnh Long) được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể…

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một thương hiệu vùng miền trong chiến lược thương hiệu quốc gia, khiến nhiều sản phẩm, lợi thế vẫn chỉ ở dạng tiềm năng.

Vì vậy, cần định danh rõ ràng từng thương hiệu gạo, trái cây, thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào Chương trình thương hiệu quốc gia của Chính phủ để quảng bá hình ảnh đất nước, tiếp cận hiệu quả với thị trường xuất khẩu, kể cả thị trường trong nước.

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng đối với sản phẩm lúa gạo của Việt Nam dù chiếm hơn 20% thị trường xuất khẩu gạo thế giới với chất lượng tốt, nhưng cả nước vẫn chưa có những thương hiệu gạo Việt mạnh mà chỉ định hình trong “chiếc áo” của tên gọi ở nước ngoài như Jasmine hoặc những cái tên 5% tấm, 25% tấm…

Vì chưa có thương hiệu gạo mang tính quốc gia nên giá xuất khẩu bình quân thấp hơn giá xuất khẩu của các nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan trên dưới 10 USD/tấn. Điều đó đặt ra vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu gạo gắn với vùng miền Đồng bằng sông Cửu Long.

Vấn đề phát triển gạo hiện nay không còn là vấn đề tăng sản lượng hay nói cách khác không phải sản xuất ra vì “chén cơm đầy” mà phải là “chén cơm ngon” để tạo ra giá trị từ hạt gạo cũng như tăng thu nhập cho người nông dân.

Trong khi đó, thương hiệu gạo Nàng thơm Chợ Đào (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là một loại gạo đặc sản nổi tiếng, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp độc quyền nhãn hiệu hàng hóa từ tháng 10/2005 đang phải đối mặt với nguy cơ mất thương hiệu trên thị trường.

Bởi đây là giống lúa đặc biệt chỉ trồng ở xã Mỹ Lệ, với diện tích canh tác lúa Nàng thơm Chợ Đào khoảng 400ha và đặc trưng thổ nhưỡng nên mỗi năm nông dân chỉ có thể làm ra 2.400 tấn lúa, tương đương 1.200 tấn gạo.

Nhưng thực tế hiện nay loại gạo đặc sản này đang được cung ứng khắp nơi và bày bán quanh năm trên thị trường, khiến chất lượng bị xuống cấp nghiêm trọng, nông dân lo lắng.

Trước tình hình này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã ủy quyền cho Sở Khoa học công nghệ tổ chức xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo Nàng thơm Chợ Đào đến tháng 12/2015 sẽ hoàn chỉnh và nộp hồ sơ lên Cục Sở hữu trí tuệ.

Xây thương hiệu trên nền tảng sản phẩm chất lượng cao

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ), việc xây dựng và phát triển thương hiệu phải bắt đầu từ doanh nghiệp, việc xây dựng thương hiệu nổi lên vai trò của “bốn nhà” trong quá trình đó, cần phải thấy rằng Nhà nước hoạch định chính sách là hết sức quan trọng, với những quy định của pháp luật và bảo vệ thương hiệu để hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu Việt.

Tuy nhiên, Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp, các nhà khoa học cũng rất quan trọng trong việc tạo ra những giống mới, đưa vào những quy trình sản xuất, những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất, hay bảo quản chế biến nông sản.

Người nông dân là tác giả quan trọng tạo ra hạt gạo nhưng với tình trạng sản xuất manh mún như hiện nay rất khó trong việc tự mình xây dựng thương hiệu, điều đó đặt ra vai trò của doanh nghiệp là gắn đầu ra của xuất khẩu với thị trường trong nước, bởi doanh nghiệp hiểu hơn ai hết những yêu cầu, những tín hiệu thị trường.

Trước đòi hỏi về chất lượng nông sản của thị trường thế giới, thời gian gần đây, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng vùng sản xuất chất lượng gắn với việc xây dựng thương hiệu.

Theo bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp GAP, có hai vấn đề được đặt ra khi bàn đến chất lượng hạt gạo Việt Nam đó là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phẩm chất của hạt gạo.

Để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam cần canh tác lúa để đảm bảo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời hạn chế các giống lúa phẩm chất thấp thay vào đó là các giống lúa có phẩm chất cao, thơm dẻo hơn.

Muốn vậy, phải thay đổi tư duy của người nông dân bằng cách định hướng trồng trọt (trồng giống lúa gì, sử dụng phân thuốc ra sao) và quan trọng nhất là phải bao tiêu đầu ra cho nông dân, đảm bảo thu nhập.

Cũng với suy nghĩ làm sao nâng cao giá trị hạt gạo địa phương để vươn ra thị trường thế giới, doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp) đã nghĩ đến việc tạo ra nhãn hiệu, hình ảnh đặc trưng riêng cho từng sản phẩm.

Cỏ May đã đầu tư 5 triệu USD cho dự án này bao gồm xây dựng nhà máy chế biến mới được xem là hiện đại nhất hiện nay với quy trình đạt chuẩn HACCP (chứng chỉ nghiêm ngặt về Vệ sinh an toàn thực phẩm).

Trong nhà máy này có hệ thống máy tách màu để loại bỏ những hạt gạo không đủ tiêu chuẩn trước khi đóng gói. Đồng thời, đầu tư chi phí cũng như hỗ trợ nông dân sử dụng bộ giống thuần chủng để canh tác trên những cánh đồng lớn, áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến để cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhờ đó mà hiện tại các sản phẩm mới theo mùa mang thương hiệu Nosavina với nhãn hàng đặc trưng như Lài-Đông Xuân, Sen-Hè Thu, Cúc-Thu Đông đang được tiêu thụ mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và được triển khai sang thị trường Singapore và định hướng sang các thị trường tiềm năng Malaysia, châu Mỹ, châu Âu.

Theo ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ, công ty có hệ thống sản xuất lúa nguyên chủng tập trung với diện tích 50ha, hàng năm có khả năng sản xuất từ 500-600 tấn lúa giống nguyên chủng.

Công ty hiện đang hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ ứng dụng công nghệ điện di protein trong việc phục tráng, chọn lọc các giống lúa thơm đặc sản như Jasmine 85, VD20; hợp tác với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long nhân các giống lúa OM đầu dòng có triển vọng.

Đặc biệt, công ty tổ chức sản xuất lúa nguyên chủng, xác nhận trong vụ Đông Xuân sau đó đóng kín tồn trữ trong bao PE để cung cấp vụ sau.

Với mô hình tổ chức sản xuất lúa của công ty từ đầu vào đến ra mà phần lớn là sản xuất lúa thơm Jasmine, với bà con hợp đồng viên mức lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 30-50%.

Cụ thể, năm 2010-2014 năng suất bình quân cả năm là 12,5 tấn/ha, lợi nhuận từ 36-45 triệu đồng/ha/năm./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh