Ngành in 62 năm- chặng đường dài phát triển

08:10, 10/10/2014

Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành xuất bản, in và phát hành sách cách mạng. Từ đó, ngày 10/10 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành xuất bản, in, phát hành sách Việt Nam. Đây cũng là ngày hội chung của ngành in khu vực ĐBSCL.


Năm 2014, Công ty CP In Nguyễn Văn Thảnh đầu tư máy móc thiết bị và nhà xưởng với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng.


N
gày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành xuất bản, in và phát hành sách cách mạng. Từ đó, ngày 10/10 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành xuất bản, in, phát hành sách Việt Nam . Đây cũng là ngày hội chung của ngành in khu vực ĐBSCL.

Cuộc họp mặt ngành in lần đầu tiên của khu vực được tổ chức tại TP Cần Thơ vào năm 1993 với sự tham gia của nhà in 12 tỉnh- thành trong khu vực.

Năm nay, Công ty CP In Nguyễn Văn Thảnh đăng cai tổ chức họp mặt ngành in khu vực ĐBSCL lần thứ 18 tại Vĩnh Long, nhân kỷ niệm 62 năm ngày Thành lập Nhà in Quốc gia (10/10/1952- 10/10/2014). Với sự góp mặt của 13 công ty in của 13 tỉnh- thành ĐBSCL.

Ông Nguyễn Minh Tiến- Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP In Nguyễn Văn Thảnh cho biết, họp mặt là dịp để ngành in khu vực ĐBSCL ôn lại truyền thống, các bậc lão thành ngành in có dịp gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm một thời đã từng sống, chiến đấu, công tác bên nhau.

Đây cũng là dịp để các thế hệ bày tỏ lòng tri ân với các bậc tiền bối, liệt sĩ ngành in đã hy sinh xương máu cho việc bảo vệ, xây dựng và phát triển ngành in. Họp mặt cũng là cơ hội để các nhà in cung cấp trao đổi thông tin sản phẩm, quảng bá thương hiệu cũng như mở rộng thị phần, tìm kiếm bạn hàng mới.

Cùng với ngành in cả nước, ngành in ĐBSCL trong 62 năm qua không ngừng lớn mạnh cả về đội ngũ lẫn cơ sở vật chất kỹ thuật và trình độ chuyên môn.
 
Từ những kỹ thuật in thô sơ, đến nay hầu hết đều được trang bị máy in Offset 4 màu trở lên, cùng với các công nghệ trước, trong và sau in ngày càng hiện đại và đồng bộ. Bên cạnh đó, còn quan tâm đến chất lượng sản phẩm bằng hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, 5S mang lại hiệu quả tích cực.

Từ nhu cầu phát triển đội ngũ công nhân lao động đảm bảo “đủ về số, mạnh về chất” nên thời gian qua các công ty in luôn quan tâm và tập trung đào tạo nâng cao trình độ cán bộ nhân viên, công nhân kỹ thuật.

Trong 2 năm, có 67 lượt cán bộ, công nhân lao động của các đơn vị in trong khu vực được đào tạo, nâng cao trình độ, trong đó có 2 cao học, 43 đại học, 22 trung cấp; 1.910 trong tổng số 3.000 cán bộ, công nhân lao động có trình độ kỹ thuật cao.

Các đơn vị in trong vùng luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là người trực tiếp tham gia sản xuất và xem đây là mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển. Hiện nay, thu nhập bình quân ngành in trong khu vực đạt 4,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 21,63% so với 2 năm trước.


Nhà in các tỉnh khu vực ĐBSCL tài trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Rớt (công nhân in Vĩnh Long trong kháng chiến).

Công tác đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động từ thiện- xã hội cũng được các đơn vị quan tâm thường xuyên. Trong 2 năm qua, các nhà in trong khu vực đã ủng hộ được trên 1,3 tỷ đồng.

Riêng ngày họp mặt truyền thống ngành in năm nay, nhà in các tỉnh khu vực ĐBSCL tài trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Rớt (công nhân in Vĩnh Long trong kháng chiến) có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại xã Tân Nhuận Đông (Châu Thành- Đồng Tháp).

Bên cạnh xu hướng phát triển chung, ngành in của vùng hiện vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định. Ngoài Công ty CP In tổng hợp Cần Thơ là trung tâm của vùng được đầu tư mạnh mẽ, đa số các đơn vị còn lại trong khu vực chưa được đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại do còn thiếu nguồn vốn để đầu tư.

Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh, chi phí sản xuất, giá nhân công, trình độ chuyên môn kỹ thuật vẫn còn hạn chế so với yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành. Do đó, việc hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hiệp hội In Việt Nam cùng với sự liên kết trong sản xuất kinh doanh giữa các đơn vị… đang là đòi hỏi cấp thiết để cùng nhau phát triển đồng bộ và bền vững.

Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết thêm, giai đoạn tới Công ty CP In Nguyễn Văn Thảnh sẽ tập trung khai thác tốt khách hàng cũ, tìm kiếm khách hàng mới, quảng bá thương hiệu,... trên cơ sở xây dựng giá thích hợp, tổ chức sản xuất bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu in của khách hàng; tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị đồng bộ, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để lao động an tâm sản xuất.

Phấn đấu đến năm 2019, công ty đạt mục tiêu chủ yếu như: sản lượng trang in 2 tỷ trang, doanh thu 33,6 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 7 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận 640 triệu đồng và tỷ lệ cổ tức đạt 12%/năm.

Đến nay 13 đơn vị in trong vùng đã chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, công ty TNHH và hoạt động ngày càng hiệu quả, đời sống của công nhân từng bước được nâng lên.

Trong 2 năm 2013- 2014, cả vùng đạt trên 92,5 tỷ trang in, tổng doanh thu đạt trên 1.135 tỷ đồng, tăng trên 40% so 2 năm trước.

Bài, ảnh: THÀNH LONG- THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh