Những năm gần đây, tình hình sản xuất ở các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) sản xuất ở huyện Mang Thít ngày càng cho thấy hiệu quả. Không chỉ gắn liền với xây dựng xã nông thôn mới mà còn góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần…
Những năm gần đây, tình hình sản xuất ở các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) sản xuất ở huyện Mang Thít ngày càng cho thấy hiệu quả. Không chỉ gắn liền với xây dựng xã nông thôn mới mà còn góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần…
Phát triển bền vững
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Thít, toàn huyện có 13 HTX và 1 liên hiệp HTX với 304 xã viên, vốn điều lệ đạt gần 60 tỷ đồng. Đồng thời, có 261 THT sản xuất, hoạt động đạt hiệu quả kinh tế cao…
Nhiều mô hình hay được áp dụng để phát triển kinh tế gia đình. Trong ảnh: Mô hình trồng cỏ xen thanh long để nuôi bò.
Theo ông Thi Quang Ân- chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT, cốt lõi trong việc phát triển các THT theo hướng bền vững là người dân có ý thức hơn trong việc hợp tác sản xuất. Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, người dân đã thấy rõ rằng cần phải vào các THT sản xuất để có điều kiện tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất…
Cũng chính từ đó, chất lượng hoạt động ở các HTX, THT sản xuất ngày càng hiệu quả. Số HTX đạt loại khá, giỏi, chiếm trên 50%; loại trung bình chiếm gần 30%. Riêng ở các THT sản xuất, trong 261 tổ có 221 tổ đạt loại khá, giỏi, chiếm gần 85%, không có tổ xếp loại yếu.
Mô hình hay, tổ viên giỏi
Từ những hiệu quả đạt được, nhiều mô hình kinh tế tập thể, nhất là ở các THT sản xuất đã có nhiều mô hình hay, tổ viên sản xuất giỏi được nhân rộng, triển khai, không chỉ góp phần ổn định kinh tế hộ gia đình mà còn đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế tại địa phương… Theo ông Thi Quang Ân, một số THT sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Một trại bò của tổ viên THT sản xuất bò ấp Tân Mỹ A đạt hiệu quả cao.
Chúng tôi đến với THT sản xuất chăn nuôi bò ở ấp Tân Mỹ A (xã Chánh An) đúng sau một năm đi vào hoạt động. Đến nay, tổ có 21 tổ viên, có 142 con bò (tăng 48 con so với lúc mới thành lập), đạt lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Việc góp vốn xoay vòng với 200.000 đ/tổ viên/tháng cũng giúp các tổ viên có điều kiện hơn trong việc mở rộng sản xuất. Theo tổ trưởng Phạm Hoàng Minh, hoạt động của tổ đạt hiệu quả cao là nhờ vào sự chí thú làm ăn, chịu khó học tập của các tổ viên.
Nhiều tổ viên đã mạnh dạn đầu tư con giống tốt, kết hợp với một số mô hình khác để phát triển kinh tế gia đình. Như bản thân anh Minh, ngoài nuôi bò, anh còn trồng cỏ xen vườn thanh long, lấy cỏ nuôi bò, lấy phân bò bón lại cho cỏ và thanh long. Chính nhờ cách làm này mà kinh tế gia đình ngày càng phát triển, lợi nhuận ngày càng cao…
Trao đổi với anh Ngô Văn Tùng (ấp Mỹ Hạnh, xã Chánh An) được biết, mới tham gia vào THT sản xuất bò được một năm nhưng lợi nhuận tính ra đã hơn 100 triệu đồng. Anh Tùng cho biết, ban đầu mới chỉ có 5 con bò nái, đến nay anh có 2 bò con, 4 con bò nái: “Mô hình nuôi bò theo THT sản xuất đã giúp đời sống khá giả hơn. Thời gian đầu còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự cần cù lao động của bản thân đã giúp thay đổi cách suy nghĩ, tư duy sản xuất để chăn nuôi có hiệu quả”…
Theo ông Trần Hoàng Tín- Chủ tịch Hội Nông dân xã Chánh An, hiện xã có 17 THT sản xuất và 3 HTX. Trong đó có nhiều THT sản xuất hoạt động có hiệu quả. Các tổ viên đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, đạt hiệu quả và nhân rộng mô hình…
Song song với nhiều mô hình hay, tổ viên sản xuất giỏi để nhân rộng thì còn nhiều ý kiến đóng góp để các mô hình này phát triển bền vững. Trong đó, có việc quy hoạch vùng. Theo ông Thi Quang Ân, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào yếu tố thị trường.
Nếu giá cả bấp bênh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất. Do đó, để phát triển bền vững, ngoài việc điều phối sao cho hợp lý thị trường thì quy hoạch vùng sẽ giúp cho các THT sản xuất “sống khỏe” hơn. Ông Ân ví dụ, mô hình nuôi bò có hiệu quả nhưng cần phải phân vùng trồng cỏ để làm thức ăn. “Nếu ai nuôi 5 con bò mà không có đất trồng cỏ thì rất khó khăn trong việc duy trì, chứ đừng nói đến phát triển bền vững…”
Hàng năm, huyện Mang Thít đều đưa kế hoạch phát triển kinh tế tập thể vào chương trình hành động. Từ đó có những chính sách hỗ trợ để phát triển. Trong khi đó, tổ viên, xã viên cũng ngày càng đầu tư nhiều hơn cho sản xuất, đồng thời mạnh dạn nêu lên những khó khăn, kiến nghị đến chính quyền, đoàn thể để hỗ trợ sản xuất ngày càng bền vững, hiệu quả… |
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin