Cả nước đạt 13/14 chỉ tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra cho năm 2014

08:10, 10/10/2014

Ngày 9-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Ngày 9-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

GDP năm 2014 ước đạt hơn 5,8%       

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2014 tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 5,62%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 (5,14%). Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao, tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2013 tăng 6,8%).

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển đạt mức tăng trưởng 3%, cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013 và tiếp tục có xuất siêu.

Với kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, ước tính tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2014 khoảng trên 5,8%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,1%... Trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt xấp xỉ, đạt và vượt kế hoạch, chiếm 93% tổng số chỉ tiêu kế hoạch.

Dự kiến năm 2015,
GDP tăng khoảng 6,2% so với năm 2014; tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP khoảng 5%. Trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội 4 năm 2011-2014, dự kiến khả năng thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 với 20 chỉ tiêu chủ yếu dự kiến có 16 chỉ tiêu đạt, chiếm 80% tổng số chỉ tiêu được đánh giá.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhận định, tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa có xu hướng thay đổi tích cực. Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn (9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873).

Có 213.000 doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Số nợ thuế khó thu tăng 7,3% so với cuối năm 2013. Chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013.

Việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiệu quả chưa cao, số lượng nợ xấu được xử lý còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch . Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại (năm 2013 là 3,61%, cuối tháng 5-2014 là 4,07%, đến cuối tháng 7-2014 là 4,11%).

Ảnh minh họa: dangcongsan.vn.

Kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế từ năm 2011-2014 nhìn tổng thể theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm với mục tiêu tổng quát 2-3 năm đầu là “Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý” thì cơ bản đã đạt được mục tiêu tổng quát này.

Tăng trưởng kinh tế từ năm 2011-2014 có tốc độ tăng lên từng năm. Tuy nhiên, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường đạt thấp theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm 2011-2014 dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 5,6%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5% - 7%). So với một số nước trong khu vực ASEAN thì tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại trong khi một số nước đã có sự cải thiện và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.

Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015,
đa số ý kiến đề nghị mục tiêu tổng quát trong thời gian tới không nên quá nhấn mạnh mục tiêu “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”, xem đây như là công việc thường xuyên của Chính phủ mà cần tập trung “tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân”.

Một số ý kiến cho rằng, dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 6,2%, trong khi chỉ tiêu tăng tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội 27,7% GDP là khó khả thi vì từ năm 2011 đến năm 2014, tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội đều từ 30-34% GDP, do đó, đề nghị chỉ tiêu này tối thiểu là 32%.


Quyết tâm giải bài toán mất cân đối thu-chi ngân sách

Đóng góp ý kiến vào báo cáo của Chính phủ, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị trong báo cáo nên có nhận định cơ bản về vấn đề xã hội. Việt Nam đã xây dựng và định hình xong hệ thống an sinh gồm 3 nhóm chính sách với 2 mục tiêu quan trọng, đó là: Mở rộng độ bao phủ và chất lượng an sinh.

Tuy nhiên, 2 mục tiêu này cần thêm nhiều thời gian, tiếp tục nỗ lực phấn đấu nhiều hơn để hoàn thành. Những năm gần đây đã thu hút người dân tham gia mạng lưới an sinh để bảo đảm an sinh cho mình.

Bà Trương Thị Mai đề nghị Chính phủ bổ sung phần kinh phí còn lại để thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công. Với số nhà vượt lên so với rà soát ban đầu và dự toán kinh phí cần hơn 10.000 tỷ đồng cần xem xét dừng lại vì chưa được rà soát cụ thể.

Bà Mai cũng nhận định tỷ lệ thất nghiệp được Chính phủ đưa ra vẫn chưa phản ánh hết tình hình thiếu việc làm trên thị trường lao động.
 
Chính phủ cần phải bổ sung thêm một số chỉ số nữa để đánh giá toàn diện vì thực chất,
do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định.

Về việc hoãn điều chỉnh tăng lương cơ bản trong năm 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc vì năm 2014 đã hoãn điều chỉnh tăng lương. Năm 2015 không thể bố trí nguồn lực để thực hiện việc này sẽ khiến dư luận băn khoăn. Nếu thực hiện thì lấy tiền ở đâu?

Phát biểu kết luận phần thảo luận và bế mạc Phiên họp thứ 32, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị báo cáo của Chính phủ cần bám sát mục tiêu, chỉ tiêu chính. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, năm 2014, kinh tế-xã hội đất nước phát triển toàn diện về mọi mặt.

Kinh tế ổn định, tăng trưởng vẫn được duy trì, lạm phát ở mức hợp lý; an sinh xã hội, các chính sách 3 trụ cột đều được phát huy.

Đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và cộng đồng các doanh nghiệp cũng như công tác chỉ đạo điều hành của chính phủ và các cấp, các ngành. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong báo cáo trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ cần làm rõ những thành tựu đã đạt được để tạo không khí phấn khởi trong nhân dân; những mặt yếu kém phải chỉ ra để kịp thời điều chỉnh.

Đánh giá về những yếu kém, bất cập, Chủ tịch Quốc hội nhận định: Năng suất, chất lượng hiệu quả lao động còn thấp; năng lực cạnh tranh của đất nước còn yếu, lạm phát vẫn chưa thể yên tâm, nợ công là mối đe dọa, cân đối ngân sách chưa tích cực và nguy cơ bất ổn vẫn bị đe dọa. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành với các chỉ tiêu đưa ra và đề nghị Chính phủ cần tính toán lại tổng đầu tư vào xã hội trong năm 2015 phải nâng lên tối thiểu 30% GDP.
 
Đối với đề xuất bỏ 13 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2015 và chỉ giữ lại 3 chương trình, Chủ tịch Quốc hội không đồng ý với đề xuất này và đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét để gom các Chương trình mục tiêu quốc gia lại, từ đó làm cơ sở để loại bỏ dần chứ không bỏ ngay.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị quyết liệt giải quyết bài toán mất cân đối thu-chi ngân sách và giao nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014 phải phấn đấu để thu ngân sách tăng thêm so với dự kiến. Phân bổ ngân sách theo tinh thần tiết kiệm; cân bằng thu chi, lấy thu để chi, cân bằng xuất nhập khẩu trong thế chủ động, tự chủ.
 
Theo Chủ tịch Quốc hội, ngân sách phải tích lũy để tiêu dùng, phải có của để dành để đầu tư, dự phòng, dự trữ và đặt ra khó khăn để giải quyết căn bản về lâu dài bài toán về ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội định hướng: Phải tính lại cơ cấu ngân sách theo hướng 50% chi thường xuyên, 30% chi đầu tư, 20% trả nợ và luôn luôn phải có ngân sách dự phòng. Tăng thu ngân sách để giải quyết nợ và các chính sách giảm nghèo…

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh