
Nhằm phát triển bền vững và tạo thương hiệu cho sản phẩm thủy sản Việt Nam, năm 2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) áp dụng cho 3 đối tượng nuôi thủy sản chủ lực là cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy, hiệu quả kinh tế là vấn đề lớn nhất khiến
Ngành chế biến tôm xuất khẩu cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để tôm Việt
Nhằm phát triển bền vững và tạo thương hiệu cho sản phẩm thủy sản Việt Nam, năm 2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) áp dụng cho 3 đối tượng nuôi thủy sản chủ lực là cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy, hiệu quả kinh tế là vấn đề lớn nhất khiến việc triển khai thực hiện VietGAP trong nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn.
Giải pháp phát triển căn cơ
Trong 10 năm (2000- 2010), ngành thủy sản Việt Nam đã phát triển nóng dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh bùng phát và trước sức ép của người tiêu dùng, nhà nhập khẩu về yêu cầu chất lượng sản phẩm thủy sản ngày càng cao, đặc biệt là có những lo ngại về tình trạng tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm trong sản phẩm thủy sản.
Trước tình hình này, vào giữa năm 2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) để ngành thủy sản Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), VietGAP trong nuôi trồng thủy sản là quy phạm thực hành sản xuất tốt được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí cơ bản là an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, có trách nhiệm đối với xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Do đó, sự ra đời của VietGAP là yêu cầu cần thiết nhằm đưa nghề nuôi trồng thủy sản nước ta vào trong khuôn khổ, đồng thời từng bước thay thế những tiêu chuẩn quốc tế mà nhiều doanh nghiệp, nhóm hộ nuôi trồng thủy sản trong cả nước đang áp dụng như SQF, GlobalGAP, MSC, ASC… nhằm tiến tới thống nhất theo một quy chuẩn chung.
Nội dung quan trọng nhất của VietGAP là kiểm soát quá trình nuôi thương phẩm và các yếu tố đầu vào như thức ăn, con giống, các loại thuốc cũng như hóa chất sử dụng trong suốt quá trình nuôi.
Bên cạnh việc nâng chất ngành nuôi trồng thủy sản, việc áp dụng VietGAP còn giúp cho bà con nông dân giảm chi phí sản xuất, bởi nếu người nuôi muốn có chứng nhận MSC của Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế (Marine Stewardship Council) thì cần khoảng 100.000 USD cho việc tư vấn, đánh giá chứng nhận, hoặc khoảng 4.000- 5.000 USD cho chứng nhận ASC, GlobalGAP…
Trong khi đó, hiện nay chưa có quy định cụ thể về mức phí chứng nhận VietGAP đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản nhưng mức phí áp dụng chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều so với các loại chứng nhận khác. Hơn nữa, những cơ sở đăng ký áp dụng quy chuẩn VietGAP trong thời gian đầu sẽ được Nhà nước cấp chứng nhận miễn phí thông qua các chương trình, dự án.
Lợi ích khác mà người nuôi trồng thủy sản sẽ được thụ hưởng trực tiếp đó là các sản phẩm có nguồn gốc từ vùng nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP sẽ có giá trị cao hơn so với các sản phẩm thông thường, và đương nhiên cơ hội xâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản,… cũng sẽ lớn hơn.
Trên thực tế, VietGAP trong nuôi trồng thủy sản mang lại lợi ích cho các bên có liên quan, nhất là đối với nông dân và người tiêu dùng.
Cụ thể, nông dân sẽ quản lý cơ sở nuôi một cách khoa học, tạo ra được sản phẩm sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chứng minh được chất lượng sản phẩm và tạo dựng được mối quan hệ tốt với người lao động; còn nhà phân phối và người tiêu dùng sẽ có được nguồn sản phẩm đảm bảo chất lượng, giảm chi phí kiểm tra, nhận biết sản phẩm thông qua mã số chứng nhận và có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm…
Chưa mang lại hiệu quả kinh tế
Nhiều lợi ích là thế nhưng hiện nay cả nước mới chỉ có 6 doanh nghiệp có vùng nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP. Khó khăn đầu tiên của việc triển khai thực hiện VietGAP là vấn đề hiệu quả kinh tế.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng- Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre, hiện tại giá bán sản phẩm VietGAP vẫn ngang bằng sản phẩm thông thường, trong khi đó thực hiện theo các tiêu chí VietGAP thì chi phí nuôi sẽ tăng lên khoảng 20- 25%, do đó sẽ rất khó để các cơ sở nuôi theo VietGAP cạnh tranh với những cơ sở nuôi truyền thống.
Trong khi đó, yêu cầu của thị trường đối với VietGAP đến nay vẫn rất ít, còn các tiêu chuẩn chứng nhận tự nguyện có uy tín khác như BAP, GlobalGAP, ASC lại đang cạnh tranh gay gắt nên người nuôi thủy sản chưa mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn này.
Ông Ngô Tiến Chương-điều phối viên WWF Việt Nam cho biết, mặc dù tiêu chuẩn VietGAP cũng được đánh giá tương đương khoảng 80% so với GlobalGAP nhưng hiện nay người nuôi trồng thủy sản vẫn còn e ngại áp dụng VietGAP do tiêu chuẩn này vẫn chưa được quốc tế công nhận, trong khi đối tượng chủ yếu áp dụng VietGAP là các loại thủy sản nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hiện nay nhận thức của người nuôi trồng thủy sản về việc sản xuất bền vững, có trách nhiệm đối với người tiêu dùng và xã hội chưa cao.
Nghề nuôi trồng thủy sản của Việt Nam chủ yếu tồn tại dưới dạng nông hộ, nhỏ lẻ nên hệ thống thủy lợi, ao chứa, ao lắng chưa đáp ứng được yêu cầu; còn nông dân không có tập quán ghi chép nhật ký trong quá trình sản xuất… nên việc áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn.
Thậm chí, một số hộ nuôi thủy sản được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương vận động tham gia mô hình nuôi theo VietGAP và hỗ trợ hoàn toàn kinh phí đào tạo, tư vấn, chứng nhận thông qua các chương trình, dự án nhưng chủ cơ sở cũng chẳng quan tâm. Bởi đối với những nông dân nuôi thủy sản này, việc có chứng nhận VietGAP cũng được, mà không được chứng nhận cũng chẳng sao.
Bên cạnh đó, cũng có nông dân nhận thức được việc sản xuất an toàn theo VietGAP nhưng lại lo ngại việc thực hiện cam kết hay đề án bảo vệ môi trường đơn giản (tùy theo từng cơ sở nuôi) sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất.
Ông Phạm Dương Bình nuôi tôm ở xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông- Tiền Giang) nói: “Trước mắt, hiệu quả thực hiện VietGAP chưa thấy, về lâu dài không biết thế nào nhưng tôi thấy thủ tục chính sách của Nhà nước quá rườm rà.
Điều lo ngại là khi cơ sở nuôi tôm theo VietGAP phải làm cam kết bảo vệ môi trường hay đề án bảo vệ môi trường đơn giản, sau đó phải báo cáo định kỳ về phòng tài nguyên- môi trường.
Trong đó, bất cập nhất là những cơ sở nuôi tôm không thực hiện VietGAP, không làm hồ sơ môi trường thì không bị kiểm tra, xử phạt, còn nếu đăng ký thì lại bị cơ quan quản lý môi trường các cấp kiểm tra thường xuyên và chỉ cần bóng đèn bể (chất thải rắn) chưa xử lý kịp mà bị phát hiện thì phải bị phạt đến 40- 50 triệu đồng”.
Hướng phát triển tất yếu của nuôi trồng thủy sản
Đến nay, việc thực hiện VietGAP đối với các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực chỉ dừng lại ở mức khuyến khích, duy chỉ có cá tra là bắt buộc phải thực hiện kể từ năm 2015 theo Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra.
Để việc áp dụng VietGAP đối với hộ nuôi cá tra khả thi, giải pháp được một số địa phương đưa ra là liên kết các hộ nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ lại với nhau để giảm chi phí tư vấn, chứng nhận.
Người nuôi tôm VietGAP cho rằng mức phạt trong vi phạm về môi trường quá cao. Ảnh: THÀNH CÔNG
Ông Phan Hữu Hội- Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Tiền Giang cho biết, hiện nay tỉnh có 57 hộ nuôi cá tra với diện tích chỉ gần 130ha nên việc thực hiện chứng nhận VietGAP tại mỗi hộ nuôi sẽ dẫn đến chi phí rất cao.
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiến hành hỗ trợ, liên kết những hộ này với nhau để có thể thực hiện chứng nhận VietGAP cho vùng nuôi. Với cách làm này, chi phí kiểm tra, đánh giá chứng nhận VietGAP đối với các hộ nuôi thủy sản tính ra giảm rất nhiều so với việc áp dụng riêng lẻ cho từng hộ nuôi.
Trước thực tế triển khai VietGAP trong nuôi trồng thủy sản trong 3 năm qua, ông Nguyễn Huy Điền- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thừa nhận, việc xây dựng VietGAP đang gặp nhiều khó khăn bước đầu nhưng đây vẫn là hướng phát triển tất yếu của nghề nuôi trồng thủy sản.
Theo ông, để áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản thành công cần xúc tiến ngoại giao để tạo niềm tin và sự chấp nhận bộ tiêu chuẩn VietGAP trên các thị trường thế giới. Nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 01/2012/QĐ-TTg nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai hỗ trợ trong sản xuất…
Quan trọng nhất cần có chế độ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hợp lý đối với hộ nuôi và sản xuất kinh doanh áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP.
THÀNH CÔNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin