Thời gian gần đây, dòng điện thoại có bàn phím cứng bị lấn át bởi điện thoại cảm ứng với vẻ bề ngoài mượt. Trong khi đó, các hãng điện thoại còn “tung” ra thị trường hàng loạt dòng máy cảm ứng mới với nhiều mẫu mã, cấu hình cao với giá thấp kèm theo nhiều khuyến mãi hấp dẫn người dùng.
Thời gian gần đây, dòng điện thoại có bàn phím cứng bị lấn át bởi điện thoại cảm ứng với vẻ bề ngoài mượt. Trong khi đó, các hãng điện thoại còn “tung” ra thị trường hàng loạt dòng máy cảm ứng mới với nhiều mẫu mã, cấu hình cao với giá thấp kèm theo nhiều khuyến mãi hấp dẫn người dùng.
Và trước một “rừng” điện thoại, người tiêu dùng bình dân nên lựa chọn ra sao?
Người dùng nên tham khảo về sản phẩm với bạn bè, người thân trước khi mua hàng.
Tầm 1.000.000đ, có nên mua điện thoại cảm ứng?
Hiện nay, với giá từ 1-3 triệu đồng, tại một số cửa hàng ở Vĩnh Long như FPT shop, Viễn Thông A, dienmay.com, Thế Giới Di Động, Tân Viễn Tin,… người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm mẫu điện thoại với khoảng 20 hãng sản xuất.
Trong đó, gồm những thương hiệu quen thuộc với người dùng như Mobell, Q-Mobile, FPT, Mobiistar, Asus,… và những hãng nổi tiếng như SamSung, Nokia, LG, HTC, Lenovo,… và nhiều hãng mới cũng xuất hiện trên thị trường Vĩnh Long.
Tân sinh viên Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long là Nguyễn Trường Duy đang cùng người bạn nhờ cửa hàng tư vấn mua một điện thoại mới. Duy vui vẻ cho biết: “Những ngày trước đây, em đã tham khảo thông tin sản phẩm qua trang mạng của các cửa hàng. Nhưng quả thật là khó chọn lựa với số tiền 1.000.000đ mà gia đình “thưởng nóng” do đậu đại học”.
Trên tay đang bấm phím chiếc Nokia trắng đen cũ đã bạc màu, Duy nhí nhố: “Sắm thêm cái cảm ứng để tiện lợi hơn”.
Bởi theo tân sinh viên này, thông báo mới của lớp, trường hay những thông tin từ nhóm bạn sẽ khó nắm bắt nếu không sử dụng Internet, đặc biệt là trên facebook của lớp. Sau một hồi tìm hiểu, Duy đã chọn máy Wing Hero 40 với giá 990.000đ mà có đầy đủ những ứng dụng cần thiết cho mình.
Chúng tôi thử tìm trên trang mạng của các cửa hàng, theo mức báo giá tầm 900.000- 1.000.000 đ/máy, người tiêu dùng cũng có thể tìm được một chiếc điện thoại thông minh chính hãng của FPT, Q- Smart, Mobistar, Huawei,… Bên cạnh giới thiệu những tính năng thông thường thì còn có thể lướt web, check mail, facebook, games,… qua Wifi hoặc 3G.
Thử đặt câu hỏi có nên chọn mua cảm ứng nếu có 1.000.000đ trong tay? Câu trả lời, có cả lời khuyên từ người bán điện thoại và những người đã từng sử dụng có điểm chung là “chớ thấy rẻ mà ham”.
Theo nhân viên tại các cửa hàng, những dòng máy này bán chậm bởi có tính năng rất hạn chế, cấu hình thấp, ứng dụng chạy khá chậm,... Mặt hàng này thường nhập ít, thường treo giá và bán qua mạng. Nó chỉ thu hút được các bạn tân sinh viên, học sinh và những người mới tìm hiểu về dòng cảm ứng.
Tỉnh táo trước “rừng” điện thoại
Đối với việc chọn lựa mặt hàng có tầm giá thấp thì các cửa hàng thường có vẻ thận trọng và tư vấn cho khách. Nhân viên FPT shop nói: “Không chỉ xem thông số kỹ thuật, mà ít nhất người mua nên cầm và sử dụng thử. Vì mỗi sản phẩm bán ra cửa hàng đều phải có trách nhiệm”.
Nên trải nghiệm thực tế và dùng thử vài ngày nếu có thể.
Vừa mua điện thoại cảm ứng giá siêu rẻ nhưng chưa sử dụng được bao lâu đã phải thay điện thoại mới, anh Nguyễn Hữu Đức (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) tiếc rẻ: “Tui nghe quảng cáo rầm rộ trên tivi là điện thoại cảm ứng đời mới, hiệu khá lạ nhưng đầy đủ tính năng tiện ích, giá thì chưa đầy 1.000.000đ.
Đúng lúc, hai vợ chồng cũng cần mua thêm một điện thoại nên tui ra ngay địa chỉ quảng cáo mua liền một cái xài cho hợp thời. Nhưng về xài chưa được bao lâu thì bị đứng máy liên tục, gọi thì lúc nghe được lúc không. Nản quá nên tui đổi điện thoại mới luôn. Nghỉ lại thấy quá uổng tiền!”
Trong khi đó chị Lê Thị Yến Như (xã Song Phú- Tam Bình) cũng than: Lúc mới mua em cũng thấy thích nhưng xài một thời gian mới thấy bộc lộ nhiều hạn chế.
Sau một năm sử dụng, điện thoại hay bị đứng máy, cảm ứng bị đơ, cà giựt, nhiều lúc có việc gấp muốn nhắn tin, gọi điện, muốn điện thoại hoạt động bình thường thì phải… kiên nhẫn chờ, muốn nhanh hơn thì chỉ còn cách tháo pin rồi lắp vào khởi động lại. Chưa kể, còn có hiện tượng lạ là nhiều lúc có người gọi điện cho mình, vẫn nghe chuông điện thoại reo nhưng mình thì hoàn toàn không bắt được tín hiệu gì.
Theo kinh nghiệm từ những người đã từng mua và sử dụng qua các dòng máy giá rẻ là “tiền nào của nấy”. Người tiêu dùng cần phải tỉnh táo bởi các dòng cảm ứng giá thấp kèm theo đó là cấu hình thấp, màn hình nhỏ, pin thấp,…
Theo anh Nguyễn Hữu Đức, nếu cầm trong tay tầm 1.000.000đ trong khi chỉ cần nghe gọi bình thường thì người tiêu dùng có thể chọn điện thoại phím cứng của các thương hiệu đáng tin cậy, nghe gọi chất lượng tốt, pin bền.
Còn nếu muốn rinh “dế” cảm ứng đời mới, giá “hợp túi tiền” thì cần tìm hiểu kỹ các thông tin. Bên cạnh, cần tham khảo ý kiến của những người đã từng sử dụng, tránh trường hợp mua xong thì… bực bội vì không như mong muốn.
Một trong những hạn chế của điện thoại cảm ứng là rất mau hết pin. Vì vậy, bên cạnh việc xem xét dung lượng pin khi chọn mua, người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức về kéo dài tuổi thọ pin như cách thức sạc pin và cài đặt, sử dụng các phần mềm phù hợp. Đồng thời, có thể trang bị thêm pin dự phòng khi đi xa. |
Bài, ảnh: THẾ QUÂN- NAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin