Kỳ vọng tiếp nối những thành công

06:09, 25/09/2014

“Tái cơ cấu nông nghiệp- xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” là chủ đề của MDEC- Sóc Trăng 2014 dự kiến được tổ chức từ ngày 5- 7/11/2014. Với chủ đề mang tính thời sự nóng bỏng này, Sóc Trăng được kỳ vọng sẽ ghi đậm vệt kết nối trong chuỗi thu hút đầu tư qua các kỳ MDEC trước đó.

“Tái cơ cấu nông nghiệp- xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” là chủ đề của MDEC- Sóc Trăng 2014 dự kiến được tổ chức từ ngày 5- 7/11/2014. Với chủ đề mang tính thời sự nóng bỏng này, Sóc Trăng được kỳ vọng sẽ ghi đậm vệt kết nối trong chuỗi thu hút đầu tư qua các kỳ MDEC trước đó.


MDEC cũng là cơ hội tốt để giới thiệu quảng bá làng nghề, sản phẩm đặc sản truyền thống. Trong ảnh: Đặc sản bánh pía Sóc Trăng.
Ảnh: NGUYỄN THỊNH

Thành quả tiếp nối

Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) là hoạt động liên kết mở, nhằm tăng tính hợp tác và liên kết vùng, liên vùng, liên kết vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, tăng cường hợp tác quốc tế; tập hợp sáng kiến, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách mới, sát hợp thực tiễn nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của vùng.

Từ năm 2007 đến nay, MDEC đã trải qua 7 lần tổ chức tại: TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long. Chủ đề được chọn tại các MDEC là những vấn đề trọng tâm, bức xúc của vùng ĐBSCL.

Các hoạt động quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của ĐBSCL như một thực thể chung. Tăng cường hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch nội vùng, với TP Hồ Chí Minh và các vùng, miền khác trong cả nước được đẩy mạnh.

Đánh giá của BCĐ MDEC, tuy còn tồn tại một số hạn chế nhất định nhưng qua các kỳ MDEC đã có sự tiến bộ về nhận thức và phối hợp tổ chức, thực hiện, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương cùng có tiếng nói chung, đồng thuận và thống nhất cách thức để khai thác có hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có làm “tài sản dùng chung” trên cơ sở tăng cường liên kết, hợp tác. MDEC ngày càng khẳng định được thương hiệu của vùng ĐBSCL.

Năm nay, Sóc Trăng đăng cai tổ chức MDEC với các hoạt động chính được thông qua gồm: hội thảo vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; tái cơ cấu nông nghiệp- xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL theo hướng liên kết, gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp; hội nghị về xúc tiến đầu tư nông nghiệp, nông thôn, hướng tới một nền kinh tế xanh bền vững; diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội năm 2014…

Tính đến đầu tháng 9, các đơn vị đã đóng góp vào quỹ an sinh xã hội năm 2014 là gần 100 tỷ đồng.

Việc Sóc Trăng đăng cai MDEC 2014 với chủ đề hết sức nóng bỏng, thời sự: “Tái cơ cấu nông nghiệp- xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên đây cũng là một cơ hội rất lớn để Sóc Trăng thể hiện khả năng tổ chức, vai trò, tầm vóc đang ngày càng lớn trong khu vực và cả nước.

Doanh nghiệp tiêu biểu Vĩnh Long dự kiến giới thiệu tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư nông nghiệp nông thôn tại MDEC Sóc Trăng 2014

+ Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Vĩnh Long.

+ Công ty CP Phân bón Miền Nam- Nhà máy Vĩnh Long.

+ Công ty TNHH De Heus chi nhánh Vĩnh Long, Công ty TNHH Thực phẩm Phú Quý.

+ Công ty Liên doanh Dinh dưỡng quốc tế Anco Vĩnh Long.

+ Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ Phước Anh Vĩnh Long.

+ Công ty TNHH Quốc Thảo, DNTN Chế biến thực phẩm và thương mại Hồng Hương


Dấu ấn MDEC- Vĩnh Long 2013

Với chủ đề “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh”, MDEC- Vĩnh Long 2013 đã tập hợp những sáng kiến để đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp thích hợp khai thác tối đa những tiềm năng của vùng theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. MDEC- Vĩnh Long 2013 còn góp phần thực hiện an sinh xã hội, chăm lo cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, học sinh, sinh viên khó khăn.

Theo đó, hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2013 đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu các dự án trong danh mục 138 dự án kêu gọi đầu tư của vùng, tổng vốn hơn 416.000 tỷ đồng và 1,89 tỷ USD.

26 dự án được trao chứng nhận đầu tư với số tiền 6.094 tỷ đồng và 93 triệu USD, trao 4 chủ trương đầu tư với số tiền 1.838 tỷ đồng. 83 hợp đồng đầu tư tín dụng được ký kết giữa các ngân hàng thương mại cổ phần với các doanh nghiệp với tổng số tiền 20.181 tỷ đồng.


Đua ghe ngo- nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng. Ảnh NGUYỄN THỊNH

Thông qua diễn đàn, các nhà tài trợ thuộc hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp đã công bố quỹ an sinh xã hội cho vùng trong năm 2013 với khoảng 718,9 tỷ đồng, trong đó ngành ngân hàng ủng hộ khoảng 655,3 tỷ đồng.

Riêng hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL có tổng vốn huy động đạt 230.793 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 305.330 tỷ đồng. Theo đánh giá chung, việc tổ chức MDEC- Vĩnh Long 2013 và các MDEC trước đó ngày càng thiết thực và hiệu quả.

Theo ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tham gia MDEC Sóc Trăng 2014, tỉnh Vĩnh Long xây dựng kế hoạch, phân công các sở, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện. Diễn đàn năm nay cũng là cơ hội để Vĩnh Long tăng cường công tác xúc tiến mời gọi đầu tư, quảng bá hình ảnh, tiềm năng lợi thế tỉnh nhà đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như lúa, gạo, trái cây, thủy sản… tạo sự thống nhất chuỗi ngành hàng từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa nông nghiệp của tỉnh, góp phần vào việc tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh và của vùng.

Một số dự án của Vĩnh Long dự kiến mời gọi đầu tư tại MDEC Sóc Trăng 2014

+ Khu thương mại và dịch vụ du lịch Mỹ Thuận (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long).

+ Kho lưu trữ bảo quản rau, củ, quả (khu vực Bắc Quốc lộ 1 thuộc TX Bình Minh và huyện Bình Tân).

+ Nhà máy sản xuất thiết bị cơ giới nông nghiệp (Khu công nghiệp Bình Minh).

+ Nhà máy chế biến các sản phẩm về khoai lang (Khu công nghiệp Hòa Phú hoặc Khu công nghiệp Bình Minh).

+ Nhà máy chế biến rau, củ, quả (Khu công nghiệp Bình Minh).

+ Hợp tác trồng rau sạch an toàn xuất khẩu (xã Đông. Thành- TX Bình Minh hoặc xã Thành Lợi- Bình Tân).

+ Nhà máy chế biến phụ phẩm, phế phẩm thủy sản (Khu công nghiệp Hòa Phú hoặc Khu công nghiệp Bình Minh).

+ Nhà máy sản xuất vắc xin cho động vật, thủy sản (Khu công nghiệp Hòa Phú giai đoạn 2).

+Nhà máy chế biến thực phẩm (Khu công nghiệp Hòa Phú).

THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh