Hiện nay tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường mỹ phẩm trở nên đáng lo ngại bởi nguy cơ tiềm ẩn gây nguy hại đến sức khỏe của các sản phẩm này rất cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng.
Hiện nay tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường mỹ phẩm trở nên đáng lo ngại bởi nguy cơ tiềm ẩn gây nguy hại đến sức khỏe của các sản phẩm này rất cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng.
Nên chọn mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Mỹ phẩm dỏm lộng hành
Làm đẹp là một nhu cầu chính đáng, nhất là đối với phái đẹp. Tuy nhiên, nhiều người chỉ nghĩ cách “làm sao cho đẹp” chứ chưa quan tâm đến biện pháp hay chất lượng mỹ phẩm đúng mức. Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện nhiều trường hợp hàng hóa mỹ phẩm nhập lậu, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, không công bố chất lượng sản phẩm.
Nhiều loại mỹ phẩm giả có bao bì in ấn đẹp, sắc nét, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường khó phân biệt được đâu là hàng giả, hàng thật. Bà Nguyễn Thị Tố Quyên- quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường tỉnh cho biết:
Trong quá trình kiểm tra tình hình thị trường TP Vĩnh Long và huyện Long Hồ, phát hiện trong số những loại hàng hóa vi phạm nhập lậu trong đó nhiều nhất là mỹ phẩm. Đa số trường hợp vi phạm là không hóa đơn chứng từ trong lưu thông, giả về nhãn hiệu bao bì, chất lượng, không công bố chất lượng,…
Mỹ phẩm giả chủ yếu là hàng lậu vi phạm về ghi số lô sản xuất, được nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan,… Mỹ phẩm trong nước vi phạm về nhãn. Các mặt hàng vi phạm nhiều như: sữa tắm, kem dưỡng da, thuốc nhuộm, nước sơn móng tay,…
Một trong những lý do khiến hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng có cơ hội sống được là tâm lý “hàng ngoại tốt hơn”. Do vậy, nhiều người đã phải ngậm bồ hòn chịu trận vì mua phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng, dẫn đến nguy hại khó lường. Đang điều trị vì bị dị ứng mỹ phẩm, chị Trịnh Phi Yến (Phường 1- TP Vĩnh Long) bực tức: “Hôm trước nghe bạn bè giới thiệu một loại kem dưỡng da hàng ngoại đang giảm giá, chất lượng trên cả tuyệt vời nên mua xài thử. Ai ngờ đâu chỉ được vài hôm là dị ứng đầy mặt. Đi khám da liễu bác sĩ nói do xài mỹ phẩm kém chất lượng, phải điều trị vài tháng mới hết. Bây giờ bảo tự phân biệt mỹ phẩm thật- giả khó lắm, vì dù có cẩn thận xem có tem chống hàng giả, rồi bao bì, nhãn hiệu đều đầy đủ nhưng chẳng biết được có phải sản phẩm chính hãng hay cũng là hàng nhái”.
Đánh vào tâm lý thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, nhiều điểm bán mỹ phẩm ngoại trên các shop online với lời quảng cáo “trên trời” nào là “tắm là trắng ngay”, “son không phai”, “thuốc nhuộm đảm bảo 100%”,... là hàng xách tay, hàng xả, giá rẻ bất ngờ... Song, chất lượng thì chưa biết.
Bên cạnh đó, một số chủ tiệm mỹ phẩm cho biết, hiện xuất hiện nhiều loại mỹ phẩm “hàng hiệu” được giới thiệu của Châu Âu, Châu Mỹ nhưng thật ra là của Trung Quốc.
Tiềm ẩn nguy cơ từ tiệm thẩm mỹ
Ở các tiệm làm đẹp cũng tiềm ẩn những nguy cơ đáng lo ngại. Nhất là làm đẹp bình dân ở vùng nông thôn. Nhiều người chưa qua lớp đào tạo nào nhưng vẫn hút khách đến làm đẹp, bởi giá rẻ. Ghi nhận tại một số điểm làm đẹp, chủ tiệm, người làm rất hiếm khi đeo bao tay. Mỹ phẩm tại tiệm cũng chưa được chú ý trong khâu bảo quản.
Trong vai một người khách, chúng tôi ghé một tiệm làm đẹp ở xã Hậu Lộc- Tam Bình. Chủ là một phụ nữ chừng 30 tuổi, giới thiệu là được học làm đẹp ở một tiệm nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh.
Khi khách hàng ghé tiệm có nhu cầu uốn lông mi, vậy là chị này lấy dụng cụ là một cây kẹp vắt mái, 1 cây tăm bông và 1 chất bột trắng nhầy, đựng sẵn trong loại chén nhỏ đựng “thuốc” làm cong lông mi.
Chị này không đeo bao tay mà trực tiếp lấy bông gòn, khăn giấy đắp lên mí mắt, rồi trét thuốc lên lông mi. Lâu lâu lại lấy cây vắt tóc vuốt lông mi ngược lên cho cong.
Vừa làm chị vừa nhanh nhẩu nói: “Em yên tâm, nhiều khách hàng ghé tiệm chị làm lắm. Đảm bảo làm xong mắt em đẹp long lanh liền (?!)”. Xong, tổng chi phí cho gói dịch vụ gồm: uốn lông mi, massge mặt, đắp mặt nạ mà giá chỉ 30.000đ.
Ghé một tiệm trang điểm, làm đẹp ở TP Vĩnh Long với yêu cầu sơn móng tay, chủ tiệm bưng ra một rổ nước sơn để khách chọn. Nhiều loại nước sơn đã bay mất tên, nhãn hiệu.
Các loại thuốc nhuộm, uốn, duỗi tóc cũng không có nhãn hiệu cụ thể. Khách chỉ biết những loại này đã được đựng sẵn trong các thau, chén. Còn công nghệ pha chế được thực hiện sau cánh gà, khuất mắt người làm.
Lo ngại mua phải hàng giả, hàng nhái, nhiều người đã chuyển sang chọn dùng mỹ phẩm Việt vì “có uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp túi tiền”. Chị Nguyệt- tiểu thương chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) cho biết: “Tôi bán mỹ phẩm Việt này lâu rồi. Gần đây thấy nhiều người chọn mua mỹ phẩm Việt hơn vì giá bình dân, dễ sử dụng”.
Để tự bảo vệ mình, người mua mỹ phẩm nên chọn điểm bán hàng có uy tín, hệ thống cửa hàng, nhà phân phối chính thức, tránh mua hàng trôi nổi, chú ý hạng sử dụng, nhãn mác rõ ràng, có nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, cần cẩn thận hơn khi làm đẹp ở các tiệm thẩm mỹ.
Theo quy định, trên mỹ phẩm phải bắt buộc ghi các nội dung về: tên của sản phẩm và chức năng của sản phẩm, thành phần công thức đầy đủ, hướng dẫn sử dụng, tên nước sản xuất, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (ghi đầy đủ bằng tiếng Việt theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư), định lượng, số lô thể tích, ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện rõ ràng, lưu ý về an toàn khi sử dụng… |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin