Làm nông nghiệp kiểu đô thị

01:09, 24/09/2014

Đất sản xuất nông nghiệp hẹp dần do làn sóng đô thị hóa. Tuy nhiên, nhiều nông dân “rặt” ở 4 xã vùng ven TP Vĩnh Long vẫn có thể làm nông nghiệp kiểu… đô thị.


Trồng lan cắt cành là mô hình khá hiệu quả ở TP Vĩnh Long.

Đất sản xuất nông nghiệp hẹp dần do làn sóng đô thị hóa. Tuy nhiên, nhiều nông dân “rặt” ở 4 xã vùng ven TP Vĩnh Long vẫn có thể làm nông nghiệp kiểu… đô thị.

Nhiều nơi “trắng lúa”

Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, tuy không chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế chung của thành phố nhưng nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng và chuyển dịch theo hướng tích cực.

Diện tích trồng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày có bước phát triển khá mạnh, hình thành các vùng có chủng loại cây trồng thích nghi với điều kiện đất đai và tập quán canh tác của nông dân. Các loại rau màu trồng luân canh trên đất lúa có đậu nành, dưa hấu, cây mè… Diện tích mỗi loại biến động theo từng năm, phụ thuộc giá cả đầu ra và hiệu quả kinh tế từng loại cây.

Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long đã vận động thành lập các tổ hợp tác hoa lan, để giúp bà con trong tổ trao đổi thêm về kinh nghiệm trồng lan và thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2013, diện tích đất nông nghiệp của thành phố gần 2.420ha, chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích canh tác lúa giảm dần qua từng năm, từ 652,6ha vào năm 2008 đến năm 2013 chỉ còn 503ha. Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, riêng năm 2014 đất trồng lúa chỉ còn 450ha.

Nguyên nhân đất lúa bị thu hẹp là do quá trình đô thị hóa, nhiều hộ chuyển từ đất ruộng san lấp bán nền, xây nhà trọ. Mặt khác, do sản xuất lúa không hiệu quả nên nhiều hộ chuyển sang trồng màu, làm vườn…

 Men theo những con đường về các xã vùng ven thời điểm này, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận là sự thay đổi bộ mặt nông thôn. Đường sá được đầu tư nâng cấp, mở rộng để “mai mốt lên phường”.

Tuy nhiên, một điểm nhấn “rất đô thị” dễ nhận ra là trên những ruộng lúa xanh rì thuở nào, nay dần nhường chỗ cho khu dân cư, vườn hoa kiểng hay ruộng rau màu cho năng suất. Dần “thích nghi đô thị”, nhưng nhiều nông dân vẫn có thể làm nông nghiệp bằng cách tận dụng vài mét đất quanh nhà trồng liếp cải, dây bầu, dây bí… có thể kiếm tiền chợ, hay phục vụ bữa ăn hàng ngày.

Trường An là một trong những xã chuyển dịch cây trồng khá nhanh. Ông Văn Duy Phước- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thay lúa phù hợp đất đai đô thị diễn ra khá mạnh mẽ trong khoảng 3 năm trở lại đây, góp phần đáng kể tăng thu nhập cho người nông dân.

Trong hơn 110ha đất sản xuất, hiện có hơn 90% diện tích được chuyển đổi. Nhiều mô hình chăn nuôi ba ba, rắn, nuôi lươn, nuôi cá khu vực ven sông đang tạo thế mạnh đa dạng nông nghiệp ven đô.

Ông Trương Văn Ân (Khóm 3, Phường 9- TP Vĩnh Long) được xem khá “nhạy bén” với quá trình đô thị hóa và nhu cầu thị trường. Từ 5 công đất trồng nhãn cho hiệu quả thấp, năm 2007, được Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long hỗ trợ kỹ thuật ông đã đầu tư trồng hoa lan cắt cành.

Hiện vườn lan đã phát triển được trên 10.000 chậu, trong đó trên 8.000 chậu đang cho bông, nguồn thu nhập khá ổn định và nỗi lo đất vườn thu hẹp do đô thị hóa không còn. Mô hình được đánh giá là đạt hiệu quả tại TP Vĩnh Long hiện nay. Từ vài hộ ban đầu làm điểm trình diễn, nay đã tăng lên vài chục hộ với số lượng trên 30.000 dò lan.

 “Địa chỉ xanh” về nông sản

Từ lâu, kinh tế nông nghiệp 4 xã vùng ven đang là địa chỉ xanh và nhiều hàng hóa nông sản dần khẳng định thương hiệu thế mạnh của đồng bằng như: cam sành Tân Hòa, Tân Hội, rau màu ở Trường An.

Ông Phạm Văn Anh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Ngãi cho biết: Cây mè “bén rễ” vùng đất này từ lâu, nhưng vài năm trở lại đây mới thật sự tìm được chỗ đứng bởi tính chịu hạn, không tốn nhiều công chăm sóc và luôn cho lợi nhuận cao. Nhờ có hệ thống đê bao khép kín nên cây mè phát triển khá tốt.

Ông Hồ Hữu Phận- Chủ nhiệm Hợp tác xã đa ngành Tân Hội khẳng định, chất lượng cam sành ở đây không thua kém nơi khác nên được nhiều thị trường tìm đến đặt hàng. Trung bình cung ứng khoảng 5- 10 tấn/tuần, xuất bán tận thị trường Châu Âu.


Một cánh đồng mè ở xã Tân Ngãi (TP Vĩnh Long).

Từ năm 2007, TP Vĩnh Long đã bắt đầu có “khái niệm” về nông nghiệp đô thị. Đến nay đã có nhiều mô hình phát triển khả quan như: trồng rau mầm, măng tây xanh, hay các mô hình chăn nuôi như: ba ba, rắn ri voi, ếch,…

Theo dự báo, trong vài năm tới, tốc độ đô thị hóa sẽ tiếp tục gia tăng, và diện tích đất nông nghiệp sẽ còn tiếp tục bị thu hẹp. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang khuyến khích phát triển những mô hình không cần nhiều diện tích, phù hợp với địa bàn dân cư đông đúc và lợi nhuận cao.

 

Bà Ngụy Mộng Cầm- Phó Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long:

 

Chủ trương của thành phố là thu hẹp dần diện tích lúa, chuyển đổi sang màu. Hiện hầu hết các xã, phường đều tham gia chuyển đổi. Trong đó, các xã vùng ven cũng đã chuyển sang 2 lúa 1 màu, hoặc 2 màu 1 lúa… Riêng Tân Hội, hiện chủ yếu là trồng cây ăn trái, rất ít trồng lúa.


Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh