Hàng nông sản- cần nâng cao chất lượng

06:09, 23/09/2014

Nhu cầu nhập khẩu nông sản của thị trường Trung Quốc là rất lớn, tuy nhiên phần lớn hợp đồng xuất khẩu sang thị trường này qua đường tiểu ngạch. Nhiều chuyên gia cho rằng, dù có tác dụng nhất định trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa trong nước, nhưng xuất khẩu qua đường tiểu ngạch vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro.

Nhu cầu nhập khẩu nông sản của thị trường Trung Quốc là rất lớn, tuy nhiên phần lớn hợp đồng xuất khẩu sang thị trường này qua đường tiểu ngạch. Nhiều chuyên gia cho rằng, dù có tác dụng nhất định trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa trong nước, nhưng xuất khẩu qua đường tiểu ngạch vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro.


Về dài hạn, hàng nông sản cần nâng cao chất lượng để tạo dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm bằng cách áp dụng các công nghệ chế biến, bảo quản.

Rủi ro tiềm ẩn

Hai năm 2013- 2014, Trung Quốc liên tiếp trở thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam . Năm 2013, Trung Quốc chiếm lượng lớn nhập khẩu qua cả đường chính ngạch và tiểu ngạch với sản lượng 2,1 triệu tấn gạo, tương đương với 1 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2014, 50% đơn hàng nhập khẩu gạo của Việt Nam là từ Trung Quốc, với con số 600.000 tấn, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu gạo từ thị trường hơn 1,3 tỷ dân này đã tác động tức thời đến thị trường lúa gạo trong nước, thúc đẩy việc tiêu thụ cũng như đẩy giá lúa chuyển biến theo chiều hướng tăng.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam mới đây đã cảnh báo, thực tế 64% số hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bị hủy, nước này cũng đứng đầu danh sách trong việc mua giá rẻ và ép giá gạo xuất khẩu của Việt Nam .
 
Vì thế, bên cạnh những tác động mang tính tạm thời, xuất khẩu gạo đường tiểu ngạch được cảnh báo không ít rủi ro tiềm ẩn.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ- Phó Trưởng Khoa Nông nghiệp- Trường Đại học Cần Thơ, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch không cần thủ tục, hợp đồng gì nên khi xảy ra sự cố, phần thiệt luôn thuộc về các doanh nghiệp (DN) trong nước. Không ít trường hợp hàng đã chuyển đến biên giới, nhưng đối tác Trung Quốc “bẻ kèo”, thông báo tạm ngừng giao dịch hoặc viện cớ một chặng đường dài, gạo xuống cấp để buộc DN giảm giá. Đó là chưa kể những rủi ro trong thanh toán, gây ra những phí tổn không nhỏ cho DN.

Có thể nói, trên thị trường gạo hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang phụ thuộc lẫn nhau khi một bên có nhu cầu bán và một bên có nhu cầu mua với số lượng lớn. Theo nhận định của các chuyên gia, trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất.

Theo TS. Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, việc chủ động tìm kiếm, mở rộng thêm những thị trường mới, nâng cao chất lượng hạt gạo, tiến tới xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam chính là giải pháp giúp cho gạo Việt Nam tránh gặp bế tắc khi gặp trục trặc ở thị trường Trung Quốc.

Cần nâng cao chất lượng

Vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long đã có chuyến tìm hiểu, khảo sát tình hình tiêu thụ hàng hóa nông sản qua đường tiểu ngạch tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Với lượng xe lưu thông qua cửa khẩu mỗi ngày khoảng 300 xe tương đương lượng hàng hóa nông sản 4.000 tấn, cửa khẩu Tân Thanh được xem như là nơi xuất khẩu khoảng 90% rau củ quả Việt Nam vào Trung Quốc, chủ yếu là qua đường tiểu ngạch.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long:
 
“Các thương lái hai bên lựa chọn hàng hóa và giao dịch ngay tại cửa khẩu. Nông sản của Việt Nam chủ yếu là thanh long, dưa hấu, khoai lang, trái cây có múi, rau, lúa gạo và một số loại trái cây theo mùa. Phía Trung Quốc cũng đưa vào Việt Nam phần lớn là táo, lê, nho, cam…

Đánh giá chất lượng thực hiện ngay tại cửa khẩu với những chỉ tiêu chủ yếu theo quy định nhưng nhìn chung chất lượng, độ chín và kích cỡ nông sản của ta không đồng đều”.

Qua chuyến đi này, ông Nam cho rằng:
 
“Thực trạng hàng hóa thô, chưa qua chế biến, chất lượng chưa cao. Các loại nông sản chúng ta xuất sang đều là những thứ họ cần do giá rẻ, vụ mùa khác nhau, chủ động trong việc cung cấp nên nông sản Việt Nam ở góc độ nào đó vẫn là sự lựa chọn của Trung Quốc.

Trong khi các thị trường khác đòi hỏi khắt khe hơn, đảm bảo an toàn chất lượng và sản lượng ổn định thì hầu như phần lớn chúng ta chưa khai thác được”.

Đối với một tỉnh có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, ông Nam cho rằng: “Vĩnh Long xuất tiểu ngạch chủ yếu khoai lang, lúa gạo và một số loại cây ăn trái theo mùa sang Trung Quốc. Bài toán đặt ra làm sao để giảm sự phụ thuộc và phát triển nền nông nghiệp bền vững vẫn chưa được chứng minh bằng thực tế”.

Vì thế, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long đề xuất:

“Trước mắt, việc cập nhật thông tin thường xuyên tình trạng hàng hóa tại cửa khẩu cần được triển khai kịp thời và thường xuyên. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ phần nào giảm bớt việc ùn tắc hàng hóa ảnh hưởng chất lượng, cung vượt cầu nhất thời làm mất giá nông sản.

Việc thông báo kế hoạch và sản lượng nông sản xuất khẩu tiểu ngạch cũng được lãnh đạo hải quan khuyến khích.

Về dài hạn, hàng nông sản cần được nâng cao chất lượng để tạo dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm bằng cách áp dụng các công nghệ chế biến, bảo quản. Nông nghiệp công nghệ cao trong nước đang được quan tâm và đầu tư, nhiều DN được thành lập. Đây cũng là cơ hội để doanh nhân trong tỉnh tìm hiểu, rút kinh nghiệm nắm bắt cơ hội đầu tư, phát triển nông nghiệp tỉnh nhà”.

Bài, ảnh: LAN THƯƠNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh