
Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều khó khăn, song các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều khó khăn, song các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ trong 6 tháng đầu năm 2014, GDP toàn vùng ĐBSCL đạt trên 237.000 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế từ 8,5- 9% (tương đương cùng kỳ năm 2013); tổng thu ngân sách 19.388 tỷ đồng (bằng 50% dự toán năm 2014); sản lượng lúa vụ đông xuân và hè thu 13,5 triệu tấn; sản lượng thủy sản 1,4 triệu tấn...
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trong vùng tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chú trọng mở rộng thị trường, xây dựng mô hình liên kết sản xuất bền vững và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Nhờ lúa gạo, thủy sản và công nghiệp chế biến phát triển nên xuất khẩu của ĐBSCL trong những năm qua cũng tăng tốc. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2014, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Khu đô thị dầu khí Cà Mau.
Đi đôi với nông nghiệp, ĐBSCL chú trọng tập trung khai thác các thế mạnh về công nghiệp chế biến nông, thủy sản, phát huy lợi thế về công nghiệp dầu khí, năng lượng, nhiệt điện và cơ khí. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 223.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Thời gian qua, ĐBSCL đã thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào ngành công nghiệp khí, điện như: Trung tâm khí- điện- đạm Cà Mau, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn (Cần Thơ), Nhà máy điện Duyên Hải (Trà Vinh), Nhà máy nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), Trung tâm nhiệt điện sông Hậu (Hậu Giang), đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn…
Năm 2014, 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phấn đấu tăng trưởng GDP từ 9- 10%, tổng kim ngạch xuất khẩu trên 11 tỷ USD, thu ngân sách trên 38.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 237.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 37 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho trên 371.000 lao động...
Theo TS.Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ)- lợi thế lớn nhất của vùng ĐBSCL là chiếm hơn 40% sản lượng nông nghiệp, thủy sản của Việt Nam.
Đây là khu vực năng động có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với kim ngạch lớn trong các lĩnh vực: lúa gạo, thủy - hải sản, rau quả...
Môi trường kinh doanh ở ĐBSCL đang được cải thiện mạnh mẽ, cở sở hạ tầng giao thông cũng đã được Chính phủ đầu tư nâng cấp và sẽ có sự thay đổi lớn hơn trong thời gian tới.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản, trung tâm năng lượng của cả nước, phát triển năng động về kinh tế, các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước, các tỉnh, thành phố ĐBSCL đã và đang đề ra cho mình nhiều mục tiêu và định hướng phát triển mới: Tiếp tục đầu tư phát triển bền vững nông nghiệp, phát triển mạnh kinh tế biển; xây dựng Cần Thơ thành trung tâm vùng; đảo Phú Quốc (Kiên Giang) thành đặc khu hành chính- kinh tế, trung tâm dịch vụ, du lịch của khu vực; xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung. Các địa phương huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Để vươn tới những mục tiêu đó, ngoài nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước; huy động sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển.
Ông Nguyễn Phong Quang- Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - cho biết: Ban chỉ đạo kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách riêng cho ĐBSCL về thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp và nguồn nhân lực. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trong vùng tiếp tục đẩy mạnh chương trình hợp tác liên kết phát triển với TP.Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ… tạo nội lực, ngoại lực mạnh để phát triển vùng ĐBSCL xứng tầm.
Theo Báo Công Thương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin