Liên kết phát triển du lịch ĐBSCL

10:05, 08/05/2014

Phát triển du lịch đang trở thành một trong những chiến lược phát triển kinh tế tại nhiều tỉnh, thành phố. Trong đó, mục tiêu phát triển du lịch bền vững ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, sự phát triển bền vững chỉ có được khi ngành Du lịch hoạch định khai thác đúng hướng, mang lại lợi ích cho nhiều thành phần khác nhau trong xã hội…

Phát triển du lịch đang trở thành một trong những chiến lược phát triển kinh tế tại nhiều tỉnh, thành phố. Trong đó, mục tiêu phát triển du lịch bền vững ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, sự phát triển bền vững chỉ có được khi ngành Du lịch hoạch định khai thác đúng hướng, mang lại lợi ích cho nhiều thành phần khác nhau trong xã hội…

Tiềm năng, lợi thế dồi dào

Với tính chất đặc thù của vùng sông nước nên hoạt động du lịch ở ĐBSCL có những nét tương đồng rất lớn. Nếu nói đến du lịch miệt vườn sông nước là thế mạnh của Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ… thì mô hình du lịch sinh thái mùa nước nổi phải nhắc đến An Giang, Đồng Tháp; hay du lịch biển đảo thì người ta nghĩ ngay đến Cà Mau, Bạc Liêu; du lịch tâm linh thì có ở An Giang, Bạc Liêu; du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển thì phải kể đến Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre…

Cùng với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của từng nơi, nếu được đầu tư khai thác đúng mức, hợp lý sẽ làm cho sản phẩm du lịch thêm phong phú, hấp dẫn, mang lại giá trị gia tăng cao.

Tăng cường tổ chức sự kiện tạo cơ hội quảng bá, phát triển du lịch.

Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch, sản phẩm du lịch ĐBSCL đặc biệt hấp dẫn đối với 2 nhóm thị trường là khách nội địa (chủ yếu từ miền Bắc) và du khách Châu Âu. Theo đó, dòng sản phẩm du lịch lễ hội, tín ngưỡng, di tích lịch sử, biển đảo và du lịch miệt vườn sông nước gắn với cuộc sống cộng đồng… có sức hấp dẫn cao đối với du khách.

Những năm qua, các loại hình tour tuyến mới lần lượt ra đời hấp dẫn du khách, như: Du lịch Homestay, du lịch tâm linh, du lịch miệt vườn sông nước… Chính hệ thống sông ngòi chằng chịt đã tạo cho ĐBSCL một nét đặc trưng rất riêng mà không nơi nào có được.

Du khách sẽ ấn tượng ngay với nét đẹp đơn sơ, mộc mạc của những cánh đồng lúa, vườn cây trĩu quả cùng nét sinh hoạt độc đáo trên sông nước của người dân nơi đây khi tham quan các chợ nổi trên sông. Nhiều chợ nổi ở ĐBSCL lừng danh, như: Ngã Bảy, Cái Răng, Cái Bè, Phong Điền… luôn là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế.

Tăng cường liên kết, đa dạng sản phẩm

Do đặc điểm về địa lý, tự nhiên của các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL gần giống nhau nên sản phẩm du lịch cũng ‘na ná” nhau, phần lớn phát triển theo hướng tự phát, hình thức tổ chức du lịch giống nhau mà chưa có sự đột phá.

Hạn chế tương đồng của du lịch ĐBSCL còn thể hiện ở chỗ thiếu các dịch vụ thu hút, lượng khách quốc tế ít, thời gian lưu trú ngắn, sức cạnh tranh thấp, giao thông kết nối điểm đến còn khó khăn, tiếp thị còn nhỏ lẻ, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, kém hấp dẫn…

Nếu như Tiền Giang có tour “Về với ĐBSCL” thì sang Bến Tre có “Du thuyền trên sông Mê Kông”, qua Vĩnh Long lại có “Về vùng văn minh sông nước miệt vườn”…

Tình trạng “tour giống tour” khiến du khách nhàm chán, dẫn đến số ngày lưu trú trung bình chỉ bằng 30% so bình quân của cả nước. Thế nên, việc phát huy nội lực, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết để phát triển là hướng đi cần chú trọng.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sản phẩm du lịch đặc trưng ở ĐBSCL được xác định: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa sông nước miệt vườn, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển/đảo và du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, khen thưởng…).

Theo Tổng cục Du lịch, để công tác xúc tiến du lịch tập trung được nguồn lực và phát huy hiệu quả, trước hết cần tăng cường nghiên cứu thị trường, xác định rõ nhu cầu, sở thích của thị trường để định hướng đúng sản phẩm du lịch.

Cùng với đó, xác định rõ và thống nhất giá trị thương hiệu du lịch ĐBSCL với các dòng sản phẩm và sản phẩm đặc trưng gắn với nhu cầu và sở thích của du khách.

Đồng thời, chủ động xây dựng nội dung và lồng ghép với các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia. Tăng cường liên kết với các ngành hàng không, thương mại, nông nghiệp… và các cơ quan, tổ chức để thiết kế các sự kiện liên ngành (cả trong và ngoài nước) nhằm nâng tầm thương hiệu du lịch ĐBSCL.

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, những năm qua, du lịch ĐBSCL có bước tăng trưởng khá tốt. Năm 2013, toàn vùng đón trên 1,6 triệu lượt khách quốc tế, 9,8 triệu lượt khách nội địa, đạt doanh thu 5.100 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng doanh thu toàn ngành trong cả nước. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận thực tế thì sự phát triển du lịch ở ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh…

Theo An Giang Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh