Mỗi lần xuống thăm làng nghề rượu Cái Sơn (xã Thanh Đức- Long Hồ), thấy bà Hai Dị còn khỏe mạnh là lòng mừng dữ lắm. Hình ảnh một “nghệ nhân” 93 tuổi còn lui cui nhóm lửa khiến trong lòng luôn cảm thấy lo lắng: một mai cái nghề kháp rượu gia truyền này rồi cũng sẽ lùi dần vào dĩ vãng.
Ủ men truyền thống ở lò rượu anh Tám Phương.
Mỗi lần xuống thăm làng nghề rượu Cái Sơn (xã Thanh Đức- Long Hồ), thấy bà Hai Dị còn khỏe mạnh là lòng mừng dữ lắm. Hình ảnh một “nghệ nhân” 93 tuổi còn lui cui nhóm lửa khiến trong lòng luôn cảm thấy lo lắng: một mai cái nghề kháp rượu gia truyền này rồi cũng sẽ lùi dần vào dĩ vãng.
Nỗi buồn “Sơn Đông”
Tiếng là làng rượu đế vang danh một thuở, nhưng giờ hỏi còn được mấy người ngồi ủ men, nấu cơm da đúng bài để mà cho ra những giọt rượu nếp… nhớ đời? Xin thưa:
Cứ chạy cặp theo con lộ Thầy Bang chừng 200m, hỏi nhà anh Tám Phương, sẽ thấy những mẻ men truyền thống còn lưu giữ mấy chục năm nay. Chạy thêm một đỗi nữa là đến nhà bà Hai Dị. Đó là 2 lò rượu còn giữ đúng cái chất rượu nếp Sơn Đông (Cái Sơn) uống khà… ra lửa.
Trong thời buổi đụng đâu cũng dễ gặp thực phẩm không an toàn, thì rượu đế “đong quặng” kiểu ngày xưa, hỏi mấy ai còn dám uống? Rồi cứ mạnh ai nấy làm, rồi tranh nhau bán rẻ nên phải đốt cháy giai đoạn bằng những bịch men trôi nổi, tôi dám chắc rằng làng nghề rồi cũng sẽ lụi tàn.
Trong khi nhìn tới ngó lui, địa phương nào người ta cũng đã vực dậy làng nghề bằng những cách làm bài bản. Những thương hiệu rượu truyền thống được đóng chai mẫu mã hiện đại, đã trở thành những đặc sản tự hào của địa phương. Nếu nói sake trở thành “quốc tửu” của xứ sở anh đào, thì xin thưa với lịch sử mấy ngàn năm, rượu đế Việt Nam đủ tự tin để bước ra thế giới.
Chỉ có những người uống rượu xấu, chớ làm gì có loại rượu truyền thống xấu. Rượu là tinh hoa chắt lọc của ngàn năm văn hóa, thì ngại ngùng gì mà không ca tụng, phát huy, vực dậy làng nghề?
Xin thưa thêm một chuyện buồn: Từ đây, chúng ta chỉ có thể xây dựng thương hiệu rượu Cái Sơn, còn mỹ từ Sơn Đông đã có người “xí” rồi.
Thời buổi này, chữ muộn trong làm ăn, thường kèm theo sự thua thiệt. Dù sao muộn vẫn còn hơn là không làm gì. Và đã có những tấm lòng, đã có sự quan tâm đặc biệt của địa phương, của những người làm nghề. Rượu Cái Sơn đang đi tìm lại chính mình.
93 tuổi, bà Hai Dị còn ngồi đắp lò, nấu rượu Cái Sơn.
May mà có những tấm lòng
Từ sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo huyện Long Hồ, đầu năm 2013, Hợp tác xã (HTX) Rượu Cái Sơn được thành lập. Anh Tám Phương- Chủ nhiệm HTX cười ngao ngán: “Ban đầu thì nhiều người hào hứng đăng ký tham gia, nhưng nghe nói tới những quy định, quy chuẩn, rồi góp vốn cổ phần, nên nhiều người thoái lui. Giờ còn đâu được 17 xã viên”.
Tuy nhiên, ngược lại có người đặt niềm tin vào cách làm ăn bài bản của HTX nên đóng 5 cổ phần, 10 cổ phần, có người đóng đến 20 cổ phần. Mỗi cổ phần là 3 triệu đồng.
HTX sản xuất rượu vẫn dựa trên cái cách nấu thủ công truyền thống, nên không phải tốn kém cải tiến lò nấu, lại được ứng dụng công nghệ máy lọc khử tạp chất, andehit, mantanol, mùi nồng sốc trong rượu,... đảm bảo tiêu chuẩn rượu đóng chai với ứng dụng giải pháp công nghệ của Đề tài “Cải tiến công nghệ và đề xuất giải pháp quản lý rượu đế Vĩnh Long”, do GS, TS Lý Nguyễn Bình- Phó Trưởng Khoa Nông nghiệp và Ứng dụng sinh học, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ chủ nhiệm đề tài.
Ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long cho biết:
“Đề tài được chính ông Nguyễn Văn Đấu- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đặt hàng, với mong muốn gây dựng lại tên tuổi làng rượu Cái Sơn, và cũng là có được đặc sản của địa phương mình. Do thầy Bình quá bận rộn công tác, nên đề tài bị trễ đến hôm nay. Ngoài việc nghiên cứu giải pháp và tổ chức quản lý sản xuất rượu đế, từ đề tài này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh còn hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu tập thể rượu Cái Sơn”.
Hiện máy lọc rượu và máy đóng nắp chai đã được đưa về HTX chạy thử, công suất lọc đến 4.000 lít rượu/giờ. Với hơn 30 năm trong nghề nấu rượu, anh Tám Phương khẳng định rằng, rượu qua công nghệ lọc có mùi thơm, uống đầm hơn rượu nấu thủ công.
Cho đến nay, mọi khâu chuẩn bị đã tương đối tạm ổn, HTX sẽ sớm được chuyển giao công nghệ, chuyển giao thiết bị. Nhưng để HTX hoạt động tốt, vẫn cần được tiếp tục hỗ trợ về vốn. Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đức cho rằng:
“HTX cần số vốn khoảng 300 triệu đồng, để đầu tư một số hạng mục như: xây dựng nhà xưởng, bồn chứa rượu nguyên liệu, khuôn sản xuất chai… Do đó, xã viên cần được hỗ trợ vay tín chấp, để HTX sớm đi vào hoạt động. HTX Rượu Cái Sơn phát triển làng nghề, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương”.
Anh Tám Phương giới thiệu máy lọc rượu.
Với cái nhìn xa hơn về tương lai, rượu Cái Sơn sẽ trả lời một phần cho câu hỏi… khó xưa nay: “Đặc sản Vĩnh Long là gì?”. Có thể sẽ không còn phải lúng túng mỗi khi chọn quà biếu cho khách phương xa. Còn nhìn ở góc độ địa phương Long Hồ, với lợi thế nguồn khách du lịch trong nước, quốc tế hàng trăm lượt ngàn người mỗi năm, chúng ta đủ cơ sở để tin tưởng thương hiệu rượu Cái Sơn sẽ không dừng lại ở địa bàn trong tỉnh.
HTX đã được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương, các ban ngành, nhưng quan tâm, hỗ trợ này vẫn cần phải tiếp tục lâu dài trong mỗi giai đoạn phát triển trong tương lai.
Ngày 25/12/2012, Đại hội xã viên HTX Rượu đế Cái Sơn.
Sở Y tế công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ đã được gửi về trên chờ công nhận.
|
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin