Đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Long, trong tháng khởi đầu năm mới, tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, bất chấp những khó khăn trong đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu…
Đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Long, trong tháng khởi đầu năm mới, tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, bất chấp những khó khăn trong đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu…
Trong tháng khởi đầu năm mới, tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục ổn định và phát triển.
Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, so với tháng 12/2013, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tháng 1/2014 giảm 3,32% nhưng lại tăng 9,25% so với cùng kỳ.
Tuy vào thời điểm Tết Nguyên đán nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá, cho thấy sản xuất kinh doanh có sự phục hồi và phát triển. Một số ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao như: sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng, phân bón, sản phẩm từ gỗ, tre, rơm rạ, sản xuất vôi, thạch cao, mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, thuốc, hóa dược, dược liệu.
Năm 2014, khởi đầu trùng với thời gian trước và trong Tết Nguyên đán nên hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách khá sôi động do nhu cầu tăng.
Trong tháng, đã vận chuyển trên 483 ngàn tấn hàng hóa và gần 4 triệu lượt khách. Các điểm du lịch trong tỉnh đã tổ chức nhiều dịch vụ phong phú, thu hút khoảng 65.000 lượt khách, trong đó có khoảng 2.000 lượt khách quốc tế, doanh thu khoảng 20
tỷ đồng.
Trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa- doanh thu dịch vụ tiêu dùng và chỉ số giá tiêu dùng trong tháng tăng lần lượt là 8,8% và 0,4% so tháng trước đó thì tổng kim ngạch xuất khẩu lại giảm đến 14,95% (chỉ đạt 19,91 triệu USD) so tháng trước và giảm đến 41,62% so cùng thời điểm năm trước.
Theo ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương, nguyên nhân là do xuất khẩu gạo, giày da và ngành hàng thủy sản giảm thời gian qua đã ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh. Cụ thể, xuất khẩu gạo giảm 53,15%, giày da giảm 32,11%, hàng thủy sản giảm 67,35%.
Số dư nguồn vốn huy động trên địa bàn ước tính đến cuối tháng đạt 16.220 tỷ đồng, giảm 0,05% so với số đầu năm. Tổng dư nợ cho vay đạt 14.750 tỷ đồng, giảm 0,1%. Trong đó, ở các lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn, vốn lưu động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng có xu hướng tăng nhẹ, nhưng cho vay ngoại tệ để thu mua hàng xuất khẩu giảm nhiều hơn khiến dư nợ toàn tỉnh giảm nhẹ. Tính đến nay, nợ xấu chiếm 4,9% tổng dư nợ, tương đương với số đầu năm.
Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động tại các doanh nghiệp của khu- tuyến công nghiệp trong tháng 1/2014 cơ bản ổn định và có tăng so với cùng kỳ năm 2013. Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 742,64 tỷ đồng, tăng 5,81% so với cùng kỳ, tăng 11,49% so với tháng 12/2013.
Một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ như: giày thể thao, thức ăn thủy sản, sản phẩm từ nguyên liệu tre, dừa, mây, thảm cói, bột mì, giấy carton. Tuy nhiên, vẫn còn một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ là mì, phở, quần áo, thức ăn thủy sản, gia súc, sản phẩm từ gốm sứ,… Giá trị xuất khẩu đạt 19,4 triệu USD, tăng 23% so với tháng 12/2013, đạt 10% so với kế hoạch năm 2014.
Đến nay, Khu công nghiệp Hòa Phú giai đoạn 1 đã đăng ký lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp với 18 doanh nghiệp, trong đó có 9 doanh nghiệp nước ngoài với vốn đầu tư trên 100 triệu USD và 9 doanh nghiệp trong nước với vốn đầu tư trên 754 tỷ đồng.
Khu công nghiệp Bình Minh đã cho thuê 47,02ha, chiếm 55% đất công nghiệp với 10 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký là 1.367 tỷ đồng.
Riêng Khu 4 thuộc Tuyến công nghiệp Cổ Chiên có 2/5 doanh nghiệp hoạt động, vốn đăng ký 7,4 triệu USD và 1.394 tỷ đồng. Khu 5 thuộc tuyến công nghiệp này đã tái bố trí 27 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch.
Trong sản xuất nông nghiệp, hiện lúa Đông Xuân 2013- 2014 đã thu hoạch được 8.000ha, năng suất bình quân ước đạt 6,3 tấn/ha. Màu xuống giống được 11.300ha, khoai lang xuống giống 4.800ha. Hiện giá khoai lang tím Nhật ở mức 540.000 đ/tạ (60kg) giảm so với
tháng trước.
Đàn gia súc, gia cầm có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm 2013 và đầu 2014. Giá heo hơi tiếp tục tăng 9,7%, hiện ở mức 50.000 đ/kg. Giá các sản phẩm chăn nuôi đều ổn định ở mức cao.
Riêng giá gà công nghiệp giảm 20% (hiện ở mức 20.000 đ/kg) do nguồn cung cấp thịt nhập khẩu và chăn nuôi trong nước vượt cầu. Giá cá tra nguyên liệu cũng đã giảm 500 đ/kg, hiện dao động ở mức 22.500- 23.000 đ/kg nhưng giá thành sản xuất ở mức 23.000- 24.000 đ/kg nên người nuôi đang gặp khó.
Vĩnh Long tiếp tục triển khai những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Tương tự, giá cá điêu hồng đã giảm 3.000 đ/kg so tháng trước, hiện đang ở mức 32.000 đ/kg, trong khi giá thức ăn có xu hướng tăng nên người nuôi không có lãi, thậm chí lỗ từ 1.000- 2.000 đ/kg. Do đó, người nuôi không có khả năng tái sản xuất, diện tích nuôi thu hẹp và sản lượng nuôi trồng sẽ giảm trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi.
Ước sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác trong tháng là 11.070 tấn, giảm 6,88% so cùng kỳ. Trong đó, thủy sản nuôi trồng là 10.468 tấn, giảm 7,03%. Riêng cá tra nuôi thâm canh là 8.409 tấn, giảm 10,64% kéo theo tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác giảm 8,43 điểm phần trăm.
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Diệp chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục triển khai những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh như tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cũng như rà soát sửa đổi bổ sung và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin