Đánh thức thế mạnh cây trái vùng ven đô

07:02, 12/02/2014

Nhắc đến TX Bình Minh, nhiều người nghĩ ngay đến xứ sở của những vườn bưởi Năm Roi trĩu quả bên dòng sông Hậu; những liếp rau xà lách xoong xanh rì nhờ dòng chảy đỏ nặng phù sa; xóm bắp vẫn ngày đêm đỏ lửa cho kịp những phiên chợ. Và, trái thanh trà được xem là đặc sản thứ 2 vùng này khi “khắp đồng bằng hiếm nơi nào trồng được”.


Thanh trà đang là điểm đến khi các tour du lịch mở ra.

Nhắc đến TX Bình Minh, nhiều người nghĩ ngay đến xứ sở của những vườn bưởi Năm Roi trĩu quả bên dòng sông Hậu; những liếp rau xà lách xoong xanh rì nhờ dòng chảy đỏ nặng phù sa; xóm bắp vẫn ngày đêm đỏ lửa cho kịp những phiên chợ. Và, trái thanh trà được xem là đặc sản thứ 2 vùng này khi “khắp đồng bằng hiếm nơi nào trồng được”.

Từ những lợi thế, thị xã xanh bên dòng sông Hậu cũng đang “đánh thức” thế mạnh từ các đặc sản cây trái của mình.

Về những miệt trái cây

Dân Bình Minh tự hào về trái bưởi Năm Roi quê mình. Nhiều nơi trồng nhưng bưởi Năm Roi “chính hiệu” thì chỉ có ở vùng đất này. Ông lão bán cà phê trên QL54 nói như đinh đóng cột: “Tên bưởi Năm Roi nổi tiếng ở đây xưa nay, nếu bưởi ở đâu ngọt hơn vùng này thì thua gì tôi cũng chịu!”

Quả thật, bưởi Năm Roi Bình Minh ngọt, không có hạt. Kể cả bưởi “đạn” (bưởi trái nhỏ) cũng vậy! Nhưng điều hấp dẫn người dân Bình Minh gắn với cây bưởi bởi giá cả ngày càng ổn định mức cao.

Ông Nguyễn Văn Bảy- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa, cũng là người có kinh nghiệm trồng bưởi hàng chục năm qua cho biết: Mấy năm gần đây, nhờ bưởi có giá nên đời sống gia đình đã dễ thở hơn. Với 4 công bưởi, sản lượng khoảng 5 tấn/công, bán được trên dưới 120 triệu đồng, trừ đi các chi phí, lời từ 70- 80 triệu đồng.

Gặp anh Bùi Văn Năm (xã Mỹ Hòa) đang khiêng bưởi chuẩn bị đi cân, chưa kịp lau những giọt mồ hôi trên mặt, anh nói

: “Nhà tôi trồng 10 công bưởi nhưng thu hoạch rộ 4 công. Năm ngoái trừ hết công cán, thu được 40 triệu đồng, năm nay dự kiến 60 triệu đồng”. Dù có lúc giá bưởi xuống mức thấp nhưng nếu “chan bằng”, nhiều người chung khẳng định, “lợi nhuận cao hơn nhiều lần so cây trồng khác và không ít hộ khá, giàu nhờ trồng bưởi”.

Có gì bằng thưởng thức miếng bưởi Năm Roi cùng chén muối ớt cay nồng, nghe hát vài câu vọng cổ. Nhưng người dân địa phương mách thêm, phải lân la thưởng thức trái bắp nấu mới đủ hương vị đặc sản Bình Minh.
 
Hơi thắc mắc, những tay lái bắp ở bắc Cần Thơ giải thích, bắp Bình Minh ngon nhờ trái no tròn, hạt bắp vàng ngà, ngọt thơm và rất dẻo.
 
Trước nông dân trồng bắp ven sông Hậu, rồi bén rễ lan ra các xã Bắc Quốc lộ 1. Khi bến phà Cần Thơ hình thành, trái bắp trở thành món ngon và hiện đã có xóm nghề. Khách thập phương qua phà, dừng chân thưởng thức đồn khắp gần xa.

Cầu Cần Thơ khánh thành, bến phà ngừng hoạt động tưởng chừng xóm bắp mai một, nhưng người bán bắp nấu cũng đã “thích nghi”, tản ra bán khắp các nẻo đường mưu sinh. Hàng trăm thùng bắp trong xóm vẫn luân phiên đỏ lửa giữa lòng đô thị, khách đường xa vẫn ấm lòng khi lỡ đường.

Đặc sản tiềm năng

Nếu thấy chưa thỏa thích, tháng Giêng tới tháng 3 âm lịch mời khách đến xã Đông Thành vào những vườn trái thanh trà chín vàng rực rỡ dưới nắng hè.

Mùa thu hoạch rộ, dọc bên đường khoe màu vàng ươm bắt mắt của những chùm thanh trà treo lủng lẳng, khiến du khách thể nào cũng mua làm quà biếu người thân. Anh Đoàn Văn Tiếp (xã Đông Thành) cho biết: Thanh trà (còn gọi là sơn trà) là loài cây hoang dại mọc nhiều ở vùng núi Thất Sơn (An Giang), vùng Phú Quốc (Kiên Giang) và được nhiều người đem về đây trồng.

Thanh trà có 2 loại chua và ngọt. Theo anh Tiếp, thanh trà rất dễ trồng, ít sâu bệnh, mỗi cây thu hoạch từ 300- 350kg. Giá bán tại vườn khoảng 15.000 đ/kg thanh trà chua, 50.000 đ/kg thanh trà ngọt.


Những vườn bưởi Năm Roi xanh tốt bên dòng sông Hậu.

Có nhiều cách ăn thanh trà như ăn chín, làm mứt và làm gia vị chế biến các món ăn. Tuy nhiên, tuổi “teen” ưa chuộng nhất là thanh trà chín chấm muối ớt. Vị chua, ngọt, thơm của thanh trà, vị mặn, cay của muối ớt và những cái hít hà vì cay nồng lên tận mũi, thú vị làm sao!

Chỉ cách trung tâm thị xã vài trăm mét, rẽ về xã Thuận An vào những buổi chiều, không khó để “chộp” vài tấm ảnh cùng người dân tưới cải xà lách xoong bằng hệ thống phun hiện đại. Ít ai xác định được cải xà lách xoong “kết” mảnh đất này từ khi nào nhưng họ chỉ tự hào “đây là cây xóa đói giảm nghèo”.

N
hờ hệ thống đê bao khép kín nên cải xà lách xoong được trồng quanh năm, thu hoạch từ 6- 7 lứa. Một nông dân nói chắc nịch: “Một công cải cho không dưới 300kg, giá 30.000 đ/kg, lời không dưới 6 triệu đồng”.

Địa phương cũng đã thành lập được hợp tác xã, đầu tư xây dựng kho sơ chế, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn hướng tới tiêu thụ vào các nhà hàng và siêu thị. Tin vui nữa là, mới đây UBND tỉnh đã chấp thuận sử dụng độc quyền nhãn hiệu tập thể “Xà lách xoong Bình Minh” nhằm hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần đem lại cuộc sống ổn định cho người dân.

Bình Minh- một đô thị công nghiệp, dịch vụ đang hình thành và những thế mạnh, tiềm năng từ nông nghiệp cũng đã được đánh thức, đầu tư.

Thạc sĩ Lê Văn Biên- Phó Phòng Kinh tế TX Bình Minh cho rằng, vẫn “chưa đủ”, bởi đô thị Bình Minh còn có lợi thế du lịch miệt vườn bằng cách tạo những tour vào vườn bưởi, vườn thanh trà, vườn mận... Rất cần sự quan tâm, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhằm “níu chân” lượng lớn du khách mỗi khi đi ngang qua đây.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh