Vượt qua khó khăn để tăng trưởng kinh tế

09:01, 01/01/2014

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã đưa kinh tế tỉnh nhà vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định và tăng trưởng khá; công tác xây dựng nông thôn mới và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội được triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.

HÀ VĂN BAN
(Cục Thống kê Vĩnh Long)

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã đưa kinh tế tỉnh nhà vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định và tăng trưởng khá; công tác xây dựng nông thôn mới và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội được triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.


Các mô hình trồng màu cho thu nhập khá cao. Ảnh: THANH BÌNH

Thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2013 của tỉnh trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen với những thuận lợi, cơ hội phát triển do ảnh hưởng, tác động của kinh tế toàn cầu và cả nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu giúp môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì và ổn định, một số cân đối vĩ mô có sự cải thiện, sản xuất kinh doanh đã có chuyển biến tích cực.
 
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã đưa kinh tế tỉnh nhà vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định và tăng trưởng khá; công tác xây dựng nông thôn mới và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội được triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.

Mặc dù chịu tác động mạnh của những yếu tố bất lợi về thời tiết và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; giá cả một số nông- thủy sản giảm thấp, khó tiêu thụ gây bất lợi cho người sản xuất nông nghiệp; sản xuất kinh doanh nhiều ngành khó khăn do thị trường còn hạn hẹp, sản phẩm tồn kho ở một số ngành công nghiệp và nợ xấu ở một số lĩnh vực vẫn còn cao; xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh đều giảm về sản lượng và giá xuất… nhưng kinh tế của tỉnh trong năm 2013 vẫn duy trì được mức tăng trưởng, đặc biệt là có sự phục hồi của nhiều ngành sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm.

Sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản vượt khó, duy trì tăng trưởng

Trong những tháng đầu năm, nhiều sản phẩm chủ lực như lúa, khoai lang, cá tra và một số loại cây màu, cây ăn trái,… chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, dịch bệnh nên giá giảm thấp, khó tiêu thụ.

Tuy nhiên, nhờ sự tập trung chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự phấn đấu, nỗ lực của nông dân trong tỉnh giúp cho sản xuất có sự phục hồi trong những tháng cuối năm.
 
Giá trị sản xuất toàn ngành nông- lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) ước tính cả năm 2013 đạt 18.979 tỷ đồng, tăng 1,04% so với năm 2012; trong đó ngành nông nghiệp tăng 2,25%.

Diện tích gieo trồng lúa cả năm là 181.951ha, năng suất bình quân đạt 5,85 tấn/ha, sản lượng thu hoạch 1.063.748 tấn. Trong năm, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn thêm 1.835ha, nâng tổng diện tích thuộc vùng dự án cánh đồng mẫu lớn lên 3.525ha. Năng suất bình quân của các cánh đồng mẫu lớn cao hơn 0,6 tấn/ha, chi phí thấp hơn 0,97 triệu đồng/ha, thu nhập cao hơn 3,79 triệu đồng/ha so với ngoài vùng dự án.

Các loại cây rau màu tiếp tục phát triển khá trên cả diện tích chuyên canh và luân canh do duy trì được phong trào đưa cây màu xuống ruộng. Diện tích gieo trồng các loại cây màu cả năm đạt 44.385ha, tăng 6,27% hay tăng 2.621ha so với năm 2012; trong đó diện tích màu xuống ruộng chiếm gần 60%, diện tích rau màu toàn tỉnh vẫn ổn định nhờ phát triển mạnh ở các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như rau đậu các loại (tăng mạnh đối với hành lá, dưa leo, hẹ, xà lách xoong, rau cải các loại,...).

Nhiều loại cây màu đã trúng mùa, được giá; các mô hình trồng màu cho thu nhập trên một đơn vị diện tích khá cao.

Diện tích cây lâu năm của tỉnh hiện có 49.000ha; trong đó diện tích đang cho sản phẩm chiếm 85%. Công tác phòng trị dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn và sâu đục trái trên cây có múi đạt được kết quả khá tích cực, năng suất phục hồi.

Giá nhiều sản phẩm cây lâu năm tăng khá cao so với cùng kỳ. Ước tính sản lượng cây lâu năm cả năm đạt 544 ngàn tấn, tăng 6,7% so với năm 2012; trong đó sản lượng cây ăn trái đạt 431 ngàn tấn, tăng 6,9%.

Trong những tháng đầu năm, giá sản phẩm chăn nuôi thấp, khó tiêu thụ. Từ đầu quý III, giá các sản phẩm chăn nuôi bắt đầu tăng mạnh. Mặt khác, dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát nên nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư tái đàn sau thời gian dài từ bỏ nghề chăn nuôi do thua lỗ. Các dự án nuôi gà thịt đã khởi động trở lại giúp đàn gia cầm phục hồi khá mạnh.

Tính đến thời điểm 1/10/2013, tổng đàn bò của tỉnh có 53.763 con, giảm 17,93%; đàn heo có 318.500 con, tăng 4,08%; đàn gia cầm gần 6,32 triệu con, tăng 5,28% so với cùng thời điểm năm trước.

Sản xuất công nghiệp phục hồi và tiếp tục phát triển khá

Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp, giải quyết hàng tồn kho, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và mở rộng thị trường.

Đặc biệt, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng trưởng sản xuất công nghiệp khá mạnh nhờ chủ động được thị trường tiêu thụ sản phẩm và có tiềm lực về tài chính mạnh để duy trì sản xuất kinh doanh trong những lúc khó khăn.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp- IIP ước tính năm 2013 tăng 13% so với năm 2012, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 20,69%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,05%, đóng góp 12,64 điểm phần trăm; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 8%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,39%, đóng góp 0,13 điểm phần trăm.

Nhiều ngành công nghiệp có mức sản xuất trong năm tăng cao so với cùng kỳ năm 2012 là:

Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 45,8%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng tăng 36,95%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 36,73%; xay xát và sản xuất bột thô tăng 28,72%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 27,1%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa tăng 25,16%; sản xuất sản phẩm khác từ gỗ, sản phẩm từ tre, nứa, rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 23,53%; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét tăng 20,69%; sản xuất giày dép tăng 17,33%; may trang phục tăng 10,85%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 10,83%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 8,41%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 6,44%.

 

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước cả năm 2013 tăng 6,21% so với năm 2012; trong đó khu vực nông- lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,57%, công nghiệp và xây dựng tăng 13,1%, dịch vụ tăng 6,73%. Trong mức 6,21% tăng trưởng kinh tế chung thì khu vực nông- lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,57 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,57 điểm phần trăm, trong đó các ngành công nghiệp đóng góp 1,9 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đóng góp 2,54 điểm phần trăm.

Các ngành dịch vụ tăng trưởng khá

Các ngành dịch vụ tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 ước đạt 28.891 tỷ đồng, tăng 14,14% so với năm trước. Nếu loại trừ biến động giá (bình quân năm tăng 8,15% so với năm 2012) thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thực tế tăng 5,54%.


Công nhân Công ty CP May Vĩnh Tiến- đơn vị nhiều năm liền là doanh nghiệp tiêu biểu của Vĩnh Long. Ảnh: VINH HIỂN

Tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện cả năm 2013 là 328,68 triệu USD, chỉ đạt 80,17% kế hoạch năm và giảm 20,3% so với năm 2012. Có đến 5/8 mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh đã kéo giảm tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó ảnh hưởng lớn nhất là: xuất khẩu gạo giảm 25,35% về sản lượng và giảm 35% về giá trị tác động làm tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 17,46 điểm phần trăm, hàng thủy sản giảm 44,6% làm tổng kim ngạch giảm 4,33 điểm phần trăm.

Các ngành dịch vụ khác phát triển theo hướng đa dạng hóa ngành hoạt động và loại hình tổ chức. Nhiều ngành dịch vụ ở tỉnh đã thể hiện tính cạnh tranh cao như: giáo dục và đào tạo; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông,… đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng và doanh nghiệp có quyền lựa chọn; đồng thời kích thích các ngành dịch vụ khác và toàn bộ nền kinh tế phát triển.

Các hoạt động giáo dục, y tế, phát thanh- truyền hình, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao,… được xã hội hóa và giao quyền tự chủ về tài chính cho đơn vị đã tỏ ra có hiệu quả và năng động hơn.

Thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu đề ra

Kinh tế tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là các khu vực công nghiệp và dịch vụ đã tạo điều kiện để huy động vào ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2013 (kể cả các nguồn thu phản ảnh qua ngân sách nhà nước) được 3.705 tỷ đồng, đạt 137,95% dự toán năm, tăng 41,8% so với năm trước.

Thu ngân sách nhà nước tăng mạnh chủ yếu ở các nguồn thu từ doanh nghiệp và cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự toán ở một số nguồn thu còn đạt thấp như:

Thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thu thuế thu nhập cá nhân, thu phí và lệ phí,…

Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp với khoảng 35% GDP được tạo ra từ khu vực sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản nhưng đây là khu vực gần như được miễn giảm thuế hoàn toàn nên tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt thấp. Những năm gần đây, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp điều chỉnh theo hướng khuyến khích các đơn vị tiết kiệm chi phí sản xuất góp phần bình ổn giá cả thị trường; đồng thời với việc thực hiện miễn, giảm, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP trong năm 2012 nên các loại thuế liên quan đến doanh nghiệp và những người hoạt động sản xuất kinh doanh cá thể có xu hướng giảm về tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước.

Tóm lại, kinh tế năm 2013 của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức; đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá; tuy thấp hơn so với mục tiêu đề ra nhưng đó là một cố gắng rất lớn của tỉnh.

Từ ổn định sự phát triển bền vững về kinh tế, tỉnh đã có điều kiện thuận lợi để khai thác tốt nguồn thu, đảm bảo ngân sách cho hoạt động quản lý, cho đầu tư phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đúng hướng, có hiệu quả đã tạo điều kiện huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, là tiền đề để kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh trong những năm tiếp theo.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng giảm nhanh tỷ trọng khu vực nông- lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ trọng nông- lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) chiếm 34,43%, công nghiệp- xây dựng (khu vực II) chiếm 19,9% và khu vực dịch vụ (khu vực III) chiếm 40,19%; so với năm 2012 tỷ trọng khu vực I giảm 2,24 điểm phần trăm, khu vực II tăng 0,49 điểm phần trăm và khu vực III tăng 1,69 điểm phần trăm.

GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 30,15 triệu đồng/năm, đạt 84,93% mục tiêu cả năm đã đề ra.


Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh