Trái cây xuất khẩu của Việt Nam còn những trăn trở

Cập nhật, 08:14, Thứ Sáu, 27/04/2012 (GMT+7)

Thu hoạch thanh long chính vụ. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Trái cây xuất khẩu của Việt Nam hàng năm đạt doanh thu trên 600 triệu USD. Nhưng công tác bảo quản trái cây xuất khẩu đi nước ngoài vẫn còn là điều trăn trở đối với cả nông dân lẫn doanh nghiệp.

Đó là chưa nói đến khâu vận chuyển trong nước, đi đến các vùng sâu, vùng xa, nếu không tốt, không nhanh cũng khó tránh khỏi bị hư hao.

Khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ

Đặc trưng trái cây Việt Nam thuộc loại nhiệt đới, vì vậy thời gian bảo quản sẽ rất ngắn, nếu không sử dụng chất bảo quản sinh học, hoặc bảo quản bằng những chất mà tiêu chuẩn cho phép, thời gian giữ trái tươi cũng chỉ được từ 4-5 ngày, còn khi sử dụng công nghệ, thời gian tối đa cũng chỉ gần hai tuần.

Đây là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới lượng trái cây xuất khẩu đi nước ngoài cũng như tiêu thụ trong nước.

Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả, mặt hàng trái cây hiện nay chỉ có thể xuất đi thị trường châu Âu và các nước trong khu vực châu Á.

Thậm chí với thị trường châu Âu, đôi khi vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn, vì muốn trái cây vẫn giữ nguyên chất lượng, đạt giá trị xuất khẩu cao, phải chuyển hàng bằng máy bay, trong khi đó chi phí vận chuyển lại cao, doanh nghiệp không thu được lợi nhuận, mà vận chuyển bằng đường thủy lại càng không thể, vì khi đến nơi, lô hàng dễ bị hư hao.

Nếu trái cây ra thị trường nước ngoài gặp khó khăn về khâu vận chuyển và bảo quản, thì ngay cả thị trường trong nước cũng không ngoại lệ.

Bà Võ Mai, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam chia sẻ, so với nhu cầu xuất khẩu trái cây, nhu cầu tiêu dùng trong nước càng lớn hơn nhiều lần.

Con đường quốc lộ 1A dài hàng ngàn cây số, xe vận chuyển phải đi mất ba ngày hai đêm mới tới nơi, đó là chưa tính đến phải thêm công đoạn vận chuyển đến vùng Tây Bắc, giao thông lại khó khăn hơn, điều đó cũng đồng nghĩa, trái cây không đến được với đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.

Điều này dẫn đến một nghịch lý của ngành, nơi quá thừa có lúc phải đổ đi, nơi lại quá thiếu so với nhu cầu tối thiểu.

Doanh nghiệp phải nhanh trong chế biến

Ông Huỳnh Quang Đấu, giám đốc Công ty rau quả thực phẩm An Giang cho biết đối với doanh nghiệp chế biến trái cây cũng không ngoại lệ khi xuất mặt hàng khóm sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp cũng không sử dụng một loại chất bảo quản nào dù là chế biến đóng lon, bởi yêu cầu của thị trường Mỹ khá khắt khe, chỉ một lần hoặc một sản phẩm có dấu hiệu chứa chất bảo quản không cho phép, xem như mọi hợp đồng sau này đều khó thâm nhập, thậm chí có nguy cơ mất luôn thị trường. Do đó, khi thu hoạch nguyên liệu, doanh nghiệp đưa vào chế biến nhanh nhất để có thể đảm bảo an toàn cho sản phẩm.

Ông cũng đưa ý kiến về yêu cầu cấp thiết giải quyết cho sản phẩm trái cây Việt Nam là một loại chế phẩm sinh học an toàn trong việc bảo quản rau quả, kéo dài thời gian giữ tươi trái cây cũng là giữ giá trị trái cây trong thời gian lâu hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chánh Thu, công ty giữ vững phương châm sản xuất của mình nhằm đảm bảo thị trường tiêu thụ, công ty chỉ xuất các loại trái cây tươi chế biến, trong đó hai loại trái chủ lực là chôm chôm và nhãn.

Để cho ra hai sản phẩm an toàn xuất khẩu sang các nước châu Âu và thị trường Mỹ, công ty đã ba lần đầu tư nâng cấp công nghệ chế biến sau thu hoạch.

Sản phẩm trái cây đóng hộp không sử dụng chất bảo quản, kể cả chất bảo quản sinh học, vì đặc điểm thị trường Mỹ và thị trường châu Âu rất khó tính, nên những loạt sản phẩm đưa sang phải đúng theo tiêu chuẩn của họ.

Chính vì thế, công đoạn thu hoạch, phân loại và chế biến phải được thực hiện trong thời gian nhanh nhất, tránh trái bị đổi màu hoặc xuống màu và hư hao. Trong quá trình vận chuyển, trái cây được bảo quản theo cách thông hơi axit và thông hơi lưu huỳnh.

Để đảm bảo được chất lượng trái, công ty đặt hàng nông dân phải sản xuất theo yêu cầu của công ty. Hơn nữa, do sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu nên công ty sẽ thu mua với giá cao hơn so với giá thị trường.

Đây cũng chính là điều khuyến khích nông dân nâng cao ý thức sản xuất hàng chất lượng cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu theo hợp đồng 150 tấn/tháng (sang Mỹ và châu Âu), hoặc 600 tấn/tháng sang thị trường Trung Quốc.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP-hướng đi cần thiết

Ông Trương Quang An, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Tầm Vu, ấp Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Long An cho biết hợp tác xã có 70 xã viên tham gia sản xuất thanh long xuất khẩu với tổng diện tích khoảng 60ha.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, hợp tác xã đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, và khi hàng xuất đi, tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ một loại chất bảo quản trái cây nào, trong đó bao gồm cả chất bảo quản sinh học.

Tuy nhiên, các thị trường này vẫn có thể chấp nhận loại UMIKAI (chế phẩm sinh học được dùng để bảo quản nông sản, an toàn cho sức khỏe con người được sản xuất từ Nhật Bản), và hàng hóa vẫn có thể vào thị trường nước ngoài, bởi trong loại chất này không chứa những thành phần mà thị trường Mỹ và châu Âu ngăn cấm.

Có thể nói, ngoài chất UMIKAI, nhà vườn trồng thanh long Tầm Vu không dám đi ngược với quy trình bảo quản.

Hiện nay, lượng thanh long xuất đi khoảng 200 tấn/tháng và được doanh nghiệp nước ngoài thu mua trực tiếp tại vựa, không phải qua một khâu trung gian nào, đã tạo thuận lợi cho nhà vườn hợp tác xã Tầm Vu.

Chính vì thế, nông dân ở đây cũng học cách làm việc giữ chữ tín với nhau, không tạo ra sản phẩm chứa chất nguy hại, đồng thời chia sẻ tổn thất với doanh nghiệp khi doanh nghiệp thất thoát trong bán hàng.

Với những lô hàng xuất sang nước khác “lỡ” mất độ tươi ngon một chút, thì nông dân cũng sẵn sàng chia sẻ một nửa tổn thất đó, nhưng hầu như là hiếm khi như vậy.

Đây là một thành quả khả quan trong quy trình trồng, bảo quản, chế biến sau thu hoạch thanh long của Hợp tác xã Tầm Vu.

Hợp tác xã Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cũng từng bước khẳng định giá trị chất lượng của trái bưởi Việt Nam. Dù công tác bảo quản không khắt khe như trái thanh long, nhưng các công đoạn cũng thực hiện không đơn giản.

Tuy nhiên, tương lai trái bưởi Tân Triều còn rộng mở sang thị trường Trung Quốc, bởi đặc tính tự bảo quản của bưởi lên đến 1 tháng mà không cần một loại thuốc bảo quản nào.

Các xã viên thu hoạch bưởi chỉ cần chọn lựa kĩ càng trái đẹp, ngon rồi rửa qua loại nước đã được kiểm nghiệm thành phần.

Như vậy, đối với trái cây, bảo quản là một khâu khó khăn vô vàn, đặc biệt là loại trái cây nhiệt đới, mà trái bưởi là loại “dễ dãi” mang đến lợi nhuận cho nông dân khi ra thị trường nước ngoài./.

Theo TTXVN