Để thúc đẩy xây dựng, phát triển đô thị thông minh

Cập nhật, 05:53, Thứ Tư, 28/12/2022 (GMT+7)
Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Long.
Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Long.

(VLO) Xây dựng và phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) là một xu hướng đã và đang được nhiều quốc gia triển khai thực hiện. Tại Việt Nam, chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển ĐTTM đã được ban hành tại các nghị quyết của Đảng và đề án của Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai ĐTTM vẫn còn những hạn chế, bất cập, cần giải pháp tháo gỡ.

Hiệu quả giám sát điều hành dịch vụ ĐTTM

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long, từ khi đưa vào khai thác, vận hành thí điểm từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh đã triển khai hệ thống Trung tâm Giám sát điều hành dịch vụ ĐTTM (IOC) bao gồm các hệ thống giám sát, hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng phục vụ triển khai ĐTTM như: hệ thống giám sát camera, hệ thống họp thông minh, hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội ngành, hệ thống kết nối các ứng dụng dùng chung, hệ thống giám sát an toàn an ninh mạng; dịch vụ phản ánh hiện trường,…

Trong đó, về chỉ đạo điều hành, tỉnh đã triển khai nền tảng phục vụ chính quyền, lãnh đạo chính quyền. Cụ thể, phục vụ cán bộ, công chức truy cập ứng dụng qua nền tảng web hoặc ứng dụng di động IOC Vĩnh Long; cho phép theo dõi chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các dữ liệu báo cáo, hệ thống họp thông minh, lịch làm việc, hệ thống theo dõi giám sát camera, dịch vụ công…

Hệ thống phục vụ giám sát điều hành, phục vụ lãnh đạo giám sát chỉ đạo điều hành công việc trên cùng một nền tảng và đồng thời có thể giám sát, chỉ đạo trực tiếp tại IOC của tỉnh.

Tích hợp hệ thống cảnh báo qua tin nhắn, email, thông báo trên ứng dụng khi xuất hiện các vấn đề nhằm thông tin kịp thời cho lãnh đạo các cấp liên quan.

Hệ thống cho phép xây dựng các kịch bản giám sát, điều hành dựa trên các yêu cầu cụ thể cho từng lĩnh vực, cơ quan nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời nhất cho các cấp lãnh đạo.

Về kết quả triển khai, tích hợp các ứng dụng, dịch vụ chính quyền số, ĐTTM để giám sát, điều hành tại IOC, dịch vụ phản ánh hiện trường: được tích hợp trong ứng dụng di động Smart Vĩnh Long, cho phép người dân gửi phản ánh, kiến nghị của mình tới chính quyền trong 21 lĩnh vực (khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông, đô thị, giao thông vận tải, an ninh trật tự, điện, quản lý thị trường…).

Tính đến hết tháng 11/2022, dịch vụ đã tiếp nhận 936 kiến nghị, đã xử lý 898 kiến nghị. Bên cạnh, trong phạm vi triển khai thí điểm, tỉnh đã kết nối một số camera giao thông về IOC của tỉnh để giám sát, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh để phát hiện và ghi nhận các lỗi vi phạm giao thông, thông báo, cảnh báo trên hệ thống về các tình huống vi phạm giao thông.

Cùng với đó, kết nối một số camera sẵn có về IOC để thực hiện giám sát tình hình an ninh trật tự đô thị. Đồng thời, giám sát thông tin từ các nguồn báo điện tử, một số mạng xã hội và bao gồm một số tiện ích cho cán bộ, công chức như xem các tin, bài nổi bật, báo cáo thống kê, cảnh báo tin bài, truy vết tin bài vi phạm…

Xây dựng ĐTTM: Nên lựa chọn vấn đề ưu tiên

Đến nay, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM. Tuy vậy, việc triển khai đô ĐTTM tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập như: mới bước đầu tập trung nhiều về ứng dụng các dịch vụ ĐTTM, trong khi các nội dung về quy hoạch ĐTTM , quản lý xây dựng ĐTTM chưa được chú trọng đúng mức.

Bên cạnh, tại một số địa phương, vai trò của người dân trong việc tham gia hoạch định, vận hành các ĐTTM còn hạn chế; tính kết nối, chia sẻ giữa các đô thị chưa cao...

Ông Lê Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, các đô thị Việt Nam nên lựa chọn vấn đề ưu tiên để xây dựng ĐTTM.

Đô thị thông minh giải quyết tốt các vấn đề của đô thị: môi trường, giao thông…
Đô thị thông minh giải quyết tốt các vấn đề của đô thị: môi trường, giao thông…

Còn theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh, cần hiểu đúng về ĐTTM để xác định vấn đề quan trọng nhằm tập trung nguồn lực thực hiện.

ĐTTM có một số đặc điểm chung và cách tiếp cận chung là sẽ giải quyết các vấn đề của đô thị như môi trường, giao thông… tốt nhất, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.

ĐTTM cũng thể hiện nền kinh tế sáng tạo, người dân ứng xử văn minh hơn, được an toàn hơn. Các công trình, dịch vụ đều được kết nối thuận tiện hơn để mọi người dân được tiếp cận dễ dàng.

Đặc biệt, ĐTTM, thành phố thông minh sẽ đi đôi với giải pháp quản trị xã hội thông minh, các dịch vụ công đáp ứng nhu cầu người dân phải tốt hơn.

Ông cho rằng “trong bối cảnh hiện nay, yếu tố quan trọng nhất là giải pháp về quản trị của chính quyền đô thị - nền tảng để phát triển các yếu tố tiếp theo”. Ông cũng cho rằng, cần có bộ tiêu chí về ĐTTM để các bên liên quan định hướng nên xây dựng, giải quyết vấn đề gì khi xây dựng ĐTTM.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ tại các đô thị. Đồng thời, tích hợp hệ thống đo lường, cảm biến, hệ thống dữ liệu, khai thác hiệu quả nền tảng và ứng dụng công nghệ số vào hạ tầng thiết yếu tại đô thị...

TS.KTS Lưu Đức Minh - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng)

Phát triển ĐTTM là một trong những động lực quan trọng để đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Theo đó, việc tham khảo, học tập kinh nghiệm từ các nước đã thành công trong phát triển ĐTTM rất quan trọng. Một số kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, Việt Nam cần hình thành nền tảng cơ sở dữ liệu đô thị, thông tin truyền thông; chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực như tài nguyên và môi trường liên quan đến quản lý đất đai; xây dựng liên quan đến việc quản lý quy hoạch đô thị; ngành giao thông liên quan đến không gian giao thông...

Bài, ảnh: QUÂN ANH