Bạn trẻ ghi dấu ấn sáng tạo

Cập nhật, 07:36, Chủ Nhật, 11/12/2022 (GMT+7)

 

Ý tưởng “Hệ thống tự động phát hiện bệnh ở lúa” của hai bạn học sinh xuất phát từ chính thực tiễn công việc của gia đình.
Ý tưởng “Hệ thống tự động phát hiện bệnh ở lúa” của hai bạn học sinh xuất phát từ chính thực tiễn công việc của gia đình.

Phong trào sáng tạo khoa học và kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng ngày một lan tỏa rộng khắp và khơi dậy những tư duy sáng tạo. Tại xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, hai em học sinh đã ghi dấu ấn với “Hệ thống tự động phát hiện bệnh ở lúa”. Từ mô hình nhỏ, các bạn trẻ nuôi những khát vọng lớn, cống hiến cho quê hương.

Ý tưởng từ thực tiễn

Sản phẩm “Hệ thống tự động phát hiện bệnh ở lúa” của hai cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Như An (lớp 9/1) và Nguyễn Ngọc Ngân (lớp 9/2) - Trường THCS Hiếu Phụng tạo ấn tượng khi giành nhiều giải thưởng cấp toàn quốc và mang sản phẩm giới thiệu tại Malaysia. Từ thực tế cuộc sống, sinh ra, lớn lên và dành nhiều tình cảm cho cánh đồng quê hương, các em đã nghĩ ra ý tưởng để người nông dân đỡ vất vả hơn.

Bạn Nguyễn Thị Như An chia sẻ: “Gia đình em làm nông, từ nhỏ đã thấy cha mẹ, các bác ra đồng thăm ruộng rất khó khăn, vất vả. Em muốn tạo ra sản phẩm này để hệ thống có thể sử dụng camera thu thập hình ảnh và gửi dữ liệu để người nông dân phát hiện ra các loại bệnh sớm. Sản phẩm cũng tích hợp các chức năng giúp kiểm soát độ mặn, nhiệt độ của đất, đồng thời có thể bơm nước ra vào ruộng điều chỉnh lượng nước hợp lý trong sản xuất nông nghiệp”.

Từ nguyên vật liệu là tấm pin năng lượng mặt trời, máy tính, camera, thiết bị phát sóng 4G, thiết bị cảm biến, máy bơm, các bạn ứng dụng lập trình AI và IoT để giám sát, nhận diện dịch bệnh. Theo đó, hệ thống sẽ lấy hình ảnh lúa từ camera và tự động đưa ra cảnh báo về tình trạng cây lúa kịp thời và gửi về điện thoại cho nông dân. Với hệ thống này sẽ giúp nông dân phát hiện chính xác trên 90% 4 loại bệnh phổ biến như đạo ôn, khô vằn, cháy bìa lá, thối cổ gié.

Bạn Nguyễn Thị Như An và Nguyễn Ngọc Ngân sang Malaysia tham dự vòng chung kết Hội thi Lập trình ứng dụng Microbit.
Bạn Nguyễn Thị Như An và Nguyễn Ngọc Ngân sang Malaysia tham dự vòng chung kết Hội thi Lập trình ứng dụng Microbit.

Hệ thống đã được triển khai ứng dụng trên cánh đồng lúa ở xã Hiếu Phụng từ tháng 5 - 10/2021 và nhận được hưởng ứng tích cực từ các nông dân, được góp ý kiến và mong muốn mở rộng hệ thống thêm nữa.

Hệ thống có thể sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Hướng phát triển là sản phẩm lập trình trong tương lai sẽ nhận diện thêm nhiều loại bệnh hơn trên cây lúa và có thể nhận diện thêm được các bệnh ở các loại cây ăn trái giúp nông dân có thể tăng hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.

Lan tỏa tinh thần sáng tạo

Đồng hành cùng các em, vừa truyền đạt kiến thức vừa động viên để các bạn vượt qua khó khăn, cô Nguyễn Lan Anh chia sẻ: “Khi các em lên ý tưởng, các giáo viên trong tổ Tin học sẽ định hướng, hỗ trợ các em sử dụng những ứng dụng gì để bắt đầu viết chương trình và tìm những thiết bị hỗ trợ.

Thấy ý tưởng các em hay vì tại địa phương ngành nông nghiệp phát triển nhưng chưa ứng dụng nhiều công nghệ IoT. Giáo viên cũng hỗ trợ tư vấn thêm làm thêm những cái mới như các em phát hiện bệnh ở lúa tự động thì hỗ trợ các em các thiết bị từ xa, theo dõi diện rộng xa hơn”.

Theo thầy Nguyễn Thế Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Hiếu Phụng, nhà trường đã triển khai cho toàn thể học sinh, đặc biệt là những học sinh khối 8 và khối 9 đăng ký những ý tưởng. Thông qua ý tưởng của các em, trường phân công định hướng giáo viên tham gia vào cùng hỗ trợ phát huy ý tưởng.

“Qua phát động các hội thi, em Nguyễn Thị Như An và em Nguyễn Ngọc Ngân đã có ý tưởng rất hay về phát hiện bệnh trên lúa. Chúng tôi thấy có thể áp dụng vào thực tiễn nên tạo mọi điều kiện cho các em về cơ sở vật chất và thời gian, đặc biệt là phân công đội ngũ giáo viên cốt cán trong tổ chuyên môn để hướng dẫn hỗ trợ các em. Trong quá trình nỗ lực của thầy và trò, sản phẩm đã đạt thành tích cao tại Hội thi Tin học trẻ cấp tỉnh, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc, Cuộc thi Lập trình Dariu đạt giải đặc biệt để dự thi ở Malaysia” - thầy Thế Anh cho biết.

Bạn Nguyễn Thị Như An nhận giải ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc vừa được tổ chức.
Bạn Nguyễn Thị Như An nhận giải ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc vừa được tổ chức.

Mẹ của bạn Như An - cô Nguyễn Thị Bé Mười chia sẻ: “Từ sở thích đam mê tìm tòi, nghĩ ra ý tưởng, con gái được thầy cô hướng dẫn tận tình. Bé học được rất nhiều kỹ năng, có thể ứng xử trước những câu hỏi phỏng vấn, bé nhạy bén, mạnh dạn, tự tin và học hỏi được nhiều kiến thức hơn từ những cuộc thi”.

Kết quả tích cực ở các cuộc thi chính là động lực lan tỏa hơn nữa tinh thần sáng tạo, tự mày mò ở các bạn trẻ. Từ những sản phẩm nhỏ, niềm đam mê sáng tạo và những nỗ lực học hỏi tạo tiền đề cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm chuyên sâu hơn, có giá trị thực tiễn được triển khai trong tương lai, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng quê hương.

Sản phẩm “Hệ thống tự động phát hiện bệnh ở lúa” của bạn Nguyễn Thị Như An (lớp 9/1) và Nguyễn Ngọc Ngân (lớp 9/2) - Trường THCS Hiếu Phụng đã ghi nhiều dấu ấn khi giành giải nhất Cuộc thi Tin học trẻ cấp tỉnh, giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh, giải ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc, giải tư Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Và mới đây sản phẩm này cũng mang về cho các bạn giải đặc biệt Hội thi Lập trình ứng dụng Microbit cùng quỹ Dariu và tham dự vòng chung kết tại Malaysia.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ