Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Cập nhật, 11:48, Thứ Sáu, 09/09/2022 (GMT+7)
Đại diện Viettel Vĩnh Long chia sẻ về giải pháp hệ sinh thái cho doanh nghiệp.
Đại diện Viettel Vĩnh Long chia sẻ về giải pháp hệ sinh thái cho doanh nghiệp.

(VLO) Sở Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổ chức hội thảo “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa, nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý tài chính kế toán”. Hội thảo nhằm giới thiệu với DN một số giải pháp, lợi ích nhất định trong CĐS, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Qua đó, góp phần cho công tác CĐS trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.

Tích cực hỗ trợ DN CĐS

Theo ông Huỳnh Văn Thành- Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Công ty CP MISA, nhu cầu CĐS của DN theo từng giai đoạn từ quy mô siêu nhỏ đến quy mô lớn. Tùy vào từng quy mô của DN sẽ tách nhỏ thành các ứng dụng, với chi phí đầu tư phù hợp.

Bên cạnh giới thiệu về các ứng dụng quản trị bán hàng, quản trị nhân sự và quản trị điều hành, ông Thành giới thiệu về các chương trình hỗ trợ DN Vĩnh Long như phần mềm kế toán cho DN sử dụng dịch vụ kế toán thuế; hóa đơn điện tử, chữ ký số, nền tảng quản trị DN hợp nhất…

Đại diện DN đã có ứng dụng hiệu quả CĐS trong lĩnh vực tài chính, kế toán trên địa bàn tỉnh, ông Đoàn Trường Giang- chuyên viên khách hàng DN Viettel Vĩnh Long, chia sẻ về “hệ sinh thái giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông”.

Theo đó, có 6 nhóm giải pháp gồm quản trị vận tải, viễn thông chăm sóc khách hàng và quảng bá thương hiệu, quản trị DN cơ bản và thiết yếu, ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc và tương tác khách hàng, kết nối thiết bị từ xa.

Theo ông Nguyễn Văn Lăng- Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), CĐS là xu thế tất yếu. Chính phủ, chính quyền địa phương đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Theo đó, cần nỗ lực tìm “tiếng nói chung” giữa chính quyền, người dân và DN trong quá trình thực hiện các mục tiêu, lộ trình CĐS. Qua đó, nhằm đảm bảo các nhiệm vụ, giải pháp, các chính sách hỗ trợ đúng trọng tâm, đúng nhu cầu
thực tiễn.

Ông Lăng cũng cho biết, hiện đa số các DN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (trên 98%); phương pháp quản trị kinh doanh, công nghệ sản xuất còn lạc hậu.

Bên cạnh, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh đạt 50,8%; tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ nghề từ sơ cấp trở lên chỉ chiếm khoảng 18% tổng số lao động toàn tỉnh.

Đa số lao động còn tâm lý e ngại khi tiếp cận, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh. Do đó, quá trình thực hiện CĐS gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh, việc CĐS trong DN tốn chi phí khá cao. Người đứng đầu DN chưa nắm rõ quy trình CĐS nên dẫn đến việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả cao.

CĐS để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 07 ngày 17/2/2022 về Hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hỗ trợ thúc đẩy CĐS trong DN nhỏ và vừa (gọi tắt là DNSMEs) thông qua áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN.

Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025, 20% DNSMEs được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về CĐS; 15% DNSMEs ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 15% DNSMEs có website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Để hoàn thành các mục tiêu, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện thời gian tới. Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức CĐS DN.

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng về các hoạt động của Chương trình hỗ trợ DNSMEs CĐS và kế hoạch này cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức.

Bên cạnh, vận động các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình, sử dụng các nền tảng số để CĐS (tại địa chỉ http://smedx.vn và http://smedx.mic.gov.vn). Cùng với đó, triển khai các khóa tập huấn, đào tạo về CĐS; kỹ năng sử dụng và khai thác hiệu quả các nền tảng số...

Triển khai các giải pháp hỗ trợ DNSMEs sử dụng các nền tảng số tham gia chương trình để CĐS. Ngoài ra, hỗ trợ DN phát triển website thương mại điện tử; ứng dụng chữ ký số; ứng dụng thương mại điện tử, kết nối với các sàn giao dịch kết nối cung- cầu.

Bà Đoàn Hồng Hạnh- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, CĐS là vấn đề đáng quan tâm của các DN để có thể áp dụng theo định hướng của Chính phủ, của tỉnh để góp phần cho DN quản lý tốt và hiệu quả hơn.

Đáng lưu ý, CĐS trong quản lý kế toán có rất nhiều nền tảng, các DN cần cân nhắc lựa chọn. Theo đó, cần tính đến hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của DN. Đặc biệt, an toàn thông tin phải đặt lên hàng đầu.

Là đơn vị thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ các DN CĐS, bà Hạnh cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ cung cấp đầu mối để tiếp nhận những ý kiến, vấn đề về CĐS. Ví dụ như vấn đề hỗ trợ xây dựng các website theo hình thức miễn phí một phần, hoặc toàn phần, hỗ trợ về thực hiện chữ ký số, tư vấn và xử lý về vấn đề an toàn thông tin…”.

Ông Nguyễn Văn Lăng- Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư)

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã tích cực phối hợp hỗ trợ CĐS cho các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhờ vậy đã đạt một số kết quả khả quan bước đầu. Trong đó, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản của tỉnh trên sàn thương mại điện tử voso.vn và postmart.vn. Số sản phẩm đưa lên 2 sàn là 524. Trong đó, sàn của voso.vn là 433 sản phẩm với 13.728 hộ sản xuất nông nghiệp tại 8 huyện- thị- thành tham gia, sản lượng 10.040 đơn hàng, doanh thu đạt hơn 459 triệu đồng. Bên cạnh, các DN, tổ chức kinh tế đã được hỗ trợ sử dụng hóa đơn điện tử, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn đăng ký thành lập DN mới qua mạng. 8 tháng đầu năm 2022, DN mới thành lập đăng ký qua mạng là 138/287 DN, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề về CĐS nhằm nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng CĐS cho DN và hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN