Hợp tác vũ trụ Việt Nam- Israel: Giám sát Trái đất

Cập nhật, 06:35, Thứ Hai, 03/07/2017 (GMT+7)

Việt Nam và Israel hợp tác trao đổi giám sát Trái đất, khám phá robot, hợp tác công nghiệp vũ trụ...

PGS.TS Phạm Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam và bà Merrav Eilon Shahar- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam thực hiện việc ký kết.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam và bà Merrav Eilon Shahar- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam thực hiện việc ký kết.

PGS. Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC) thông tin cho Báo Đất Việt, hợp tác giữa Việt Nam và Israel về khoa học- công nghệ (KH-CN) vũ trụ đã tiến thêm một bước mới khi ngày 21/6, VNSC đã ký một thỏa thuận hợp tác với Cơ quan vũ trụ
Israel (ISA).

“Thỏa thuận vừa ký với Cơ quan vũ trụ Israel là thỏa thuận khung về hợp tác về KH-CN vũ trụ để sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình. Đây là tiền đề ban đầu để Việt Nam và Israel có thể có những hợp tác cụ thể hơn trong lĩnh vực KH-CN vũ trụ sau này” - PGS. Phạm Anh Tuấn nói.

Các lĩnh vực hợp tác trong trao đổi thỏa thuận khung bao gồm trao đổi tri thức trong lĩnh vực KH-CN vũ trụ; quan sát Trái đất bao gồm cả khoa học Trái đất và giám sát Trái đất.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Israel cũng tập trung thúc đẩy hợp tác công nghiệp vũ trụ; vận hành vệ tinh; các hệ thống khám phá không gian, bao gồm robot, tàu thăm dò và các hệ thống quang học và phát triển công nghệ vũ trụ.

Theo lãnh đạo VNSC, việc ký kết các thỏa thuận giúp cho Việt Nam đa dạng hóa và đa phương hóa trong hợp tác quốc tế về KH-CN vũ trụ.

Israel là một quốc gia phát triển về công nghệ vũ trụ. Việc hợp tác với Cơ quan vũ trụ Israel giúp ngành KH-CN vũ trụ Việt Nam có thêm nhiều điều kiện để phát triển.

“Hiện nay, nguồn nhân lực về KH-CN vũ trụ của Việt Nam đang phát triển mạnh thông qua việc đào tạo tại các trường ĐH cũng như qua các dự án về công nghệ vũ trụ được nhà nước tập trung đầu tư như dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực để tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm từ các nước có nền công nghệ vũ trụ tiên tiến”- PGS. Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Từ năm 2015, Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã có hợp tác cụ thể với Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) trong lĩnh vực vệ tinh quan sát Trái đất. Cho đến nay đã đi tới thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Israel.

PGS. Phạm Anh Tuấn cũng nói thêm, có 2 nội dung mà VNSC muốn hợp tác với ISA bao gồm: chia sẻ công nghệ thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ và chia sẻ ảnh vệ tinh giữa 2 nước.

Bà Meirav Eilon Shahar- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel- cho biết, khung hợp tác mới chỉ là bước đầu, để nó thực sự đi vào hoạt động, cần sự nỗ lực và trao đổi cả hai bên trong việc cùng đào tạo, nghiên cứu và tổ chức sự kiện.

Lễ ký kết thỏa thuận giữa VNSC và ISA được tổ chức trong tọa đàm “Lịch sử phát triển và Ước mơ vũ trụ Việt Nam”. Tại sự kiện, đại diện VNSC thông báo kế hoạch hoạch đổi tên của Trung tâm Vệ tinh quốc gia thành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam từ ngày 17/7/2017.

Một số dự án của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và những sự kiện sẽ diễn ra từ nay đến cuối năm 2017 như:

- Khởi động cuộc thi thiết kế vệ tinh dành cho giới trẻ- Cansat 2017.

- Thực hiện việc ký kết các gói thầu ODA với các nhà thầu Nhật Bản trong khuôn khổ dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (tháng 7/2017).

- Khánh thành Đài Thiên văn Nha Trang (tháng 8/2017).

- Đăng cai tổ chức Hội nghị Châu Á- Thái Bình Dương về các hệ thống quan trắc Trái đất toàn cầu lần thứ 10 nhằm mục tiêu cung cấp cho các nhà nghiên cứu, kỹ sư và học viên từ khu vực Châu Á- Thái Bình Dương một diễn đàn để trao đổi thông tin và thảo luận hợp tác về sáng kiến cụ thể và các hoạt động trong các lĩnh vực khoa học khác nhau theo chủ đề.

ĐÔNG PHƯƠNG (Theo báo Đất Việt)