Truyện ngắn: Kỷ vật...

Cập nhật, 16:46, Chủ Nhật, 06/08/2023 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

ĐƯỜNG LANG

Còn mấy hôm nữa là đến ngày giỗ của ba. Tôi thấy má cứ lui cui mở cái tủ kiếng rồi lấy cặp áo gối thêu ra xem. Má để cặp áo gối ấy lên đùi rồi đưa bàn tay chai gầy của mình lên mà sờ từng đường thêu như vẫn còn sáng lắm. Dẫu thời gian đã mấy chục năm trôi qua. Má cất nó kỹ như là báu vật.

Nhớ hồi còn nhỏ, tôi cũng thường thấy má lâu lâu lại lấy ra xem rồi lại đem cất. Có lần tôi thắc mắc: “Cặp gối thêu này đẹp quá! Sao má không đem ra nằm mà cứ để trong tủ hoài vậy? Má không nằm hay là má cho con nằm đi!”.

Dù má biết tôi cũng rất thích cặp gối ấy. Không phải vì vải đẹp hay gối to, mà chỉ vì những đường thêu cặp rồng cặp phụng và mấy nhánh hoa chạy quanh nền mặt gối nhìn rất tinh xảo và đẹp mắt. Má nói với tôi rằng, nếu đem ra nằm thì một thời gian nó sẽ bị cũ và rách đi. Nên má muốn cất giữ nó lại. Mai này mấy chị em tụi con ai cũng thấy được kỷ vật này của ba con.

Nhìn cặp gối thêu thật là đẹp, chính tôi cũng không ngờ rằng một người sau ngày giải phóng về với ruộng vườn, đôi tay chai sần ngày nào ở trong lao tù với biết bao đòn roi tra tấn mà vẫn có thể thêu được cho má cặp gối đẹp đến vậy. Trên mặt gối một cái có thêu tên của má và một cái thêu tên của chị Hai.

Có lẽ những năm tháng đó ở trong ngục tù chưa biết mình có ngày về hay không, nhưng ba vẫn dành thời gian để làm một việc ý nghĩa. Ba nói nếu không có ngày về thì sẽ gửi lại cho đồng đội nhờ chuyển về dùm. Bởi ở trong nhà lao hầu như ngày nào cũng bị tra tấn, thân thể giập bầm có người không giữ nổi tính mạng của mình. Khi ấy ba nghĩ mình chắc cũng vậy. Nhưng rồi ba cũng được trở về với má. Rồi tôi cũng được sinh ra.

* * *

Thời chiến tranh thì có ngày nào mà không nghe tiếng súng nổ, bom rơi. Ba cùng với anh em trong vùng hoạt động cách mạng. Nhiệm vụ là đánh du kích, đặt mìn vào đồn địch, hoặc bắn tàu địch trên sông. Với vũ khí thô sơ không thể so sánh bằng phía giặc. Nhưng với chúng, mỗi lần hành quân càn quét về vùng căn cứ cách mạng ở nơi đây thì luôn là một sự ám ảnh. Tàu của giặc tuy lớn nhưng cũng bao lần bị chìm. Giặc tuy đông nhưng đến đây thì bỏ xác cũng không ít.

Lần đi bắn tàu ấy vì sơ suất nghĩ là tàu đã chạy rồi. Ai ngờ chúng quay trở lại. Chú Hùng bị giặc bắn chết. Ba bị thương ở chân nên bị chúng bắt đem đi.

Mấy năm trời bị đưa ra ngoài Côn Đảo, sau những màn tra tấn dã man của kẻ thù, có người chịu đựng không nổi phải hy sinh tính mạng. Trong số những người bị bắt không ít người bị giặc nghi ngờ là cán bộ chủ chốt của ta nên bị chúng đưa lên máy bay, rồi không bao giờ trở về nữa. Lòng căm hờn của những người tù cách mạng còn lại càng thêm cao ngất.

Lần đó, giặc cho gọi một số tù binh lên máy bay, trong đó có ba. Nghĩ là chuyến đi ấy là vĩnh viễn không gặp lại gia đình, đồng đội nữa. Nhưng đó là lần đi trao trả tù binh. Trên dòng sông Thạch Hãn là một ký ức mà ba vẫn còn nhớ rõ. Bơi qua bên kia sông là ba được trở về với đồng đội anh em. Được lần nữa cầm súng chiến đấu.

Sau khi được trao trả ba cùng anh em đi tập kết ở miền Bắc thêm một thời gian rồi mới trở lại miền Nam. Trận đánh lịch sử mùa Xuân năm 1975 cả nước vỡ òa trong niềm vui chiến thắng thống nhất đất nước. Má dẫn chị Hai lên tận thị xã tìm ba. Niềm vui, niềm hạnh phúc thật khó mà diễn tả được. Mang trên mình rất nhiều vết thương, ba xin đơn vị cho về lại với gia đình và sớm hôm vui việc nhà nông làm vườn, làm rẫy.

Những buổi chiều ba hay ngồi uống trà phía cái bàn tròn nhà sau. Tôi hay đến hỏi ba về những chuyện chống Mỹ ngày xưa. Ba kể, như để cho tôi hiểu thêm về những ngày đấu tranh gian khổ. Ba muốn tôi biết quý trọng những hy sinh mất mát để có được hôm nay.

Mỗi khi cơn gió chuyển mùa thì vết thương ấy lại đau nhức. Má lại lo âu, vội vã ra chợ mà mua thuốc về. Khi nào đau quá thì má kêu ba vô bệnh viện để cho bác sĩ theo dõi mà điều trị. Dạo gần đây tôi thấy ba ho nhiều. Bác sĩ bảo ba bỏ thuốc lá. Vì đau bệnh nên ba bỏ thuốc cũng không khó. Không hút thuốc thì ba làm bạn với bình trà vào mỗi buổi sáng hoặc những buổi chiều khi ăn cơm xong.

Lâu lâu tôi thấy có người đến thăm ba. Đó là những người bạn tù cùng bị giặc bắt và từng chịu khổ sai. Gặp lại nhau hỏi thăm nhau về chuyện làm ăn, chuyện gia đình. Lúc sau thì bắt đầu nhắc lại chuyện thời trai trẻ đi làm cách mạng. Có lẽ đó mới là câu chuyện mà những người bạn tù năm nào gặp lại nhau luôn muốn nhắc lại để nhớ về một thời thật khó quên của mình.

Về già, tuổi cao sức yếu cộng thêm vết thương hành hạ. Chuyến đi cấp cứu lần ấy ba tôi ra đi mãi mãi.

* * *

Từ khi ba mất, má càng tiều tụy hơn. Căn nhà như trống lạnh. Cái bàn tròn ở góc nhà và cái bình trà mà ba hay ngồi uống vẫn để đó.

Thường ngày mới sáng sớm là tôi đã đi làm tới trưa mới về, chiều lại đi làm tiếp. Ở nhà má cứ loay hoay một mình. Thỉnh thoảng má lại ngước nhìn tấm ảnh của ba trên bàn thờ. Khi thì má đi nấu ấm nước sôi rồi pha bình trà để chỗ mà ba thường ngồi để uống trà. Vì má luôn nghĩ rằng, dẫu ba mất rồi nhưng linh hồn của ba thì vẫn còn quanh quẩn trong nhà chứ đâu.

Bây giờ má cũng lớn tuổi rồi. Tôi thường hay thỏ thẻ với má là nên dành thời gian nghỉ ngơi chứ đừng có làm mấy việc nặng nhọc nữa. Má thì có quan niệm rằng, khi thấy khỏe trong người thì ở không là chịu không nổi. Má xách chổi quét sân, quét nhà thì ai nói. Đằng này má xách dao đi chặt cây chẻ củi.

Tôi bao lần khuyên má đừng có làm mấy việc đó nữa. Thời buổi này nhà nào người ta cũng đều xài bếp gas bếp điện hết rồi. Nhà mình cũng vậy. Má hơi đâu mà còn ngồi đó mà chặt củi phơi khô nữa. Tôi khuyên thì khuyên vậy chứ mỗi khi có tàu dừa nào vừa rụng xuống ở phía sau vườn thì má liền đi ra kéo vô mà ngồi róc y như là má sợ người khác lượm trước mình vậy.

Chị Hai lấy chồng ở xa, mỗi khi về thăm má thì lại căn dặn tôi là chăm sóc má cẩn thận, người lớn tuổi rồi tay yếu chân run dễ bị té lắm. Nhưng má thì luôn cho mình còn sức khỏe nên cứ làm lặt vặt hoài.

Hôm nay đi làm về, bước vào nhà đã thấy má ngồi sẵn đó tự bao giờ, tay đang mân mê cặp gối thêu mà ba đã kỳ công để thêu cho má và chị Hai, nó đẹp và sắc sảo như chính tình cảm của cuộc đời mà ba dành cho má, cho gia đình thân yêu của mình. Không gì có thể thay đổi được.

 

 

Các tin khác: