Con chim xanh vẫn đang hót. Nhưng hình như Tít thấy tiếng hót của nó không được trong trẻo như ban nãy. Lúc trước Tít thấy mặt con chim vui vẻ bao nhiêu thì giờ lại thấy nó buồn bã bấy nhiêu. Tít nghe như chim đang hót "anh Tít ơi đừng khóc nữa, khóc nhè là xấu lắm đó".
Tranh minh họa: Trần Thắng |
TRẦN TÚ
Con chim xanh vẫn đang hót. Nhưng hình như Tít thấy tiếng hót của nó không được trong trẻo như ban nãy. Lúc trước Tít thấy mặt con chim vui vẻ bao nhiêu thì giờ lại thấy nó buồn bã bấy nhiêu. Tít nghe như chim đang hót “anh Tít ơi đừng khóc nữa, khóc nhè là xấu lắm đó”.
Nghĩ thế Tít lại càng khóc to hơn. Làn roi mây vun vút quật vào mông Tít. Mẹ vừa đánh vừa nói “đánh cho chừa nhé, chừa cái thói nhặt nhạnh này, lớn lên lại thành người xấu, mang tiếng cả đời thôi”. Bà nội ngồi cạnh đó cũng nói chen vào: “Ừ, hư thì phải đánh, không sau này người ta lại bảo không dạy được con”. Rồi bà gom nỗi khổ cả đời lại mà rên rỉ như một thói quen.
Tai cu Tít ù đi, nó thấy đôi mắt căng mọng nặng nề, mẹ không đánh nữa nhưng nước mắt vẫn cứ rơi. Nó ngồi thu lu ở xó nhà, gục mặt vào hai cánh tay đang khoanh trên đầu gối. Trước mắt nó chỉ toàn bóng tối.
Mẹ đã mang con chim xanh đi. Dù Tít vừa khóc vừa nói: “Con chim này là của con mà mẹ”. Nhưng mẹ vẫn quát Tít: “Con đừng nói dối, nói dối là xấu lắm!”. “Mẹ ơi, con không muốn làm người xấu đâu!”. Tít chỉ kịp gào lên thì mẹ đã đi mất.
Con chim xanh làm Tít nhớ đến quãng thời gian êm đềm, hồi ấy bố còn ở bên Tít. Tít được cả nhà yêu thương. Cuối tuần nào bố mẹ cũng cho Tít đi siêu thị chơi nhà bóng. Sau đó bố lại mua nhiều đồ chơi cho Tít nữa.
Vậy mà đùng một cái bố đi mãi chẳng quay về với Tít. Mọi người bảo bố đã về với cõi vĩnh hằng chỉ khi nào Tít xuống cõi ấy thì mới được gặp lại bố thôi. Điều ấy càng làm Tít tò mò, không biết cõi vĩnh hằng là gì. Mỗi khi nằm mơ Tít đều gặp bố, liệu đó có phải là cõi vĩnh hằng không?
Trong giấc mơ Tít đều thấy bố cười tươi lắm. Bố bảo Tít: “Con trai của bố, sao lại khóc? Nín đi nào, bố tin con là một đứa trẻ ngoan mà”. Ôi, Tít thấy hạnh phúc lắm, dường như chỉ có bố là luôn hiểu Tít, tin tưởng Tít. Còn mẹ và bà thì…
Nghĩ đến đây, sự tủi thân lại ngập tràn lòng Tít, nước mắt cứ thể rỉ ra ướt đầm cánh tay. Tít chợt nhớ, là do Tít, chính Tít đã đánh mất lòng tin của mẹ và bà. Nên giờ ai cũng không còn tin Tít nữa.
Chuyện là hôm ấy, một ngày thu nắng đẹp. Tít và Tũn rủ nhau đi tìm tổ chim. Hai đứa mò mẫm sang vườn nhà bà Nguyên. Bà Nguyên sống một mình, mắt đã mờ, còn thêm phần nặng tai nữa. Vườn nhà bà rộng, nhiều cây cổ thụ, nên bọn chim luôn đến hót ríu ran suốt ngày. Đã thế, nhà bà không xây tường rào nên rất dễ ra vào.
Trước bà Nguyên có nuôi gà nhưng bị trộm bắt hết, từ đó đến giờ bà chẳng nuôi gì nữa. Hàng ngày bà thường chống gậy ra ngoài hiên nhà ngồi ngóng trông, tư lự. Chắc lúc ấy bà đang nhớ con, nhớ cháu trên thành phố.
Tít và Tũn nhanh chóng lẻn vào vườn bà Nguyên, mải miết tìm những tổ chim non, hy vọng tìm được mấy con chào mào thì chao ôi! Nghĩ đến mà sướng, đem ra đổi với anh Long thể nào anh cũng cho vài đồng tha hồ mà ăn kem mút với mua bi chơi.
Một lúc sau chưa thấy tổ chim nào, nhưng hai đứa há hốc miệng, bởi những quả na dai chín thơm nức mũi. Những quả na đu đưa trong gió, tròn căng mẩy, giống na mới nên trông to, ngon hơn bình thường.
Hai đứa ứa nước miếng, thằng Tũn đưa tay ra chực hái. Tít vội ngăn lại: “Hoãn mày ơi, như này là ăn trộm đấy, vào xin bà lão đã”. Thằng Tũn trợn mắt nói: “Mày hâm à, vào xin bà lại chửi cho cả lũ, hơn nữa bà già rồi, mắt mờ, tai điếc rồi, mình hái vài quả sao bà biết được”.
Thấy thằng Tũn nói cũng có lý, hơn nữa bụng Tít cũng đang sôi lên sùng sục, Tít nháy mắt đồng ý. Hai đứa nhanh nhảu hái mỗi đứa vài quả giấu vào vạt áo, rồi chạy ra chỗ khuất ngồi ăn. Chúng ăn một cách ngon lành, ăn xong thấy hả hê và quên luôn nhiệm vụ đi tìm tổ chim.
“Thế còn mấy quả này thì làm sao mày?” - Tít hỏi Tũn. Thằng Tũn dí dỏm: “Thì đem về chứ làm sao!”. Tít lo lắng: “Đem về, lỡ mẹ biết, mẹ đánh tao chết”. Tũn cười khẩy: “Sao mày ngốc thế Tít. Tao bảo, mày và tao chia nhau mang về. Người lớn có hỏi thì mày bảo con sang nhà Tũn chơi, mẹ nó cho con đấy. Còn mẹ tao mà hỏi thì tao sẽ bảo con sang nhà Tít chơi, bà thằng Tít cho con đấy!”. Ừ, khá hợp lý, thằng Tũn nhìn vậy mà đáo để ghê. Tít thầm nghĩ.
Chiều đó, khi mẹ Tít đi làm về. Tít sung sướng mang quả ra mời bà và mẹ ăn. Nó còn lém lỉnh: “Bà và mẹ ăn đi, nay con sang nhà Tũn chơi, mẹ bạn ấy cho nhà mình mỗi người một quả. Con ăn rồi, đây là của bà và mẹ”. Bà và mẹ vừa ăn vừa khen ngon, rồi bảo Tít: “Tít nhớ, người lớn cho thì phải xin và biết cảm ơn con nhé. Mà lần sau ai cho gì con nhớ khéo léo từ chối. Vì nhà người ta cũng phải đi mua mới có con à!”. Mẹ vừa dứt lời thì có tiếng chuông điện thoại reo lên.
Không biết ai đã gọi mẹ, chỉ biết khi mẹ quay vào, mặt mẹ tối sầm lại. Mẹ hỏi: “Tít, na này đúng là mẹ thằng Tũn cho à?”.
Tít vẫn nhanh nhảu: “Vâng mẹ, cô ấy bảo cho ăn thử xem ngon không mẹ à!”. Ánh mắt mẹ nhìn Tít giận dữ: “Tít con còn định nói dối nữa không. Cô Hạnh vừa gọi điện hỏi mua na ở đâu mà ngon thế. Mẹ bảo Tít nó bảo cô cho cơ mà. Cô Hạnh nói sao thằng Tũn bảo sang chị chơi bà nhà chị cho nó.”
“Con, con,….”. Cu Tít ấp úng nói không nên lời. Cùng lúc đó, tiếng chửi từ phía nhà bà Nguyên vọng lại. Ai chứ nhà bà Nguyên mà bị mất trộm cái gì thì cả xóm biết. Bà chửi như hát hay đã thế lại còn to như chiếc loa phóng thanh ở đầu làng. Cũng có thể do bà bị nặng tai nên bà mới chửi to như vậy.
“Ối trời, cháu tôi ơi, sao mày hư thế con, bà có để mày thiếu cái gì đâu, mà mày lại đi ăn trộm nhà người ta, mang tiếng quá con ơi!”. Giọng bà nội rên rỉ. Thực sự Tít cũng muốn xin lỗi mẹ và nhận mình trót dại. Thế nhưng, có ai chịu nghe Tít nói đâu. Cả bà và mẹ đôi khi chẳng bao giờ chịu hiểu nó.
Bà hễ có chuyện gì lại lu loa lên rồi mỗi khi bà như vậy mẹ lại càng thêm giận dữ. Mẹ quất roi mây vun vút vào người Tít. Nỗi ấm ức làm tiếng khóc của nó nhiều khi mắc nghẹn trong cổ họng, ấm ứ đến là khó chịu.
Sau hôm ấy, Tít có kể cho Tũn nghe về việc mình bị mẹ đánh. Thằng Tũn lại cười giòn giã. “Tít ơi là Tít, thế lúc ấy mày cứ im re chịu đòn thế hả? Tao nhé, khi mẹ phát hiện ra. Tao ngay lập tức xin lỗi mẹ, hứa là không thế nữa. Mẹ lại xoa đầu tao và bảo lần sau có thèm thì bảo mẹ, mẹ mua cho, không được ăn trộm mang tiếng lắm đó”.
Tít lại tưởng tượng ra cái ôm ấm áp của mẹ con nhà Tũn, bỗng dưng nó thấy nỗi cô đơn vồ vập. Lâu lắm rồi mẹ không vuốt ve, cưng nựng nó như thế. Mẹ thường bận rộn với công việc. Nó thấy mẹ luôn mệt mỏi. Nó không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chỉ thấy đầu óc quay cuồng, rồi thiếp đi lúc nào không hay.
Tít choàng mở mắt, nắng hè rọi vào phòng gay gắt. Ơ, Tít ngạc nhiên, con chim xanh đang ở trên bàn! Con chim xanh bằng nhựa, được lắp pin có thể hót và ca hát. Sao lại ở trên bàn nhỉ, chẳng phải mẹ đã mang nó đi rồi sao. Hay là Tít vẫn còn đang mơ ngủ. Nghĩ vậy, Tít lấy tay dụi mắt lần nữa.
“Tít ơi, Tít dậy rồi à! Con còn mệt không, con ăn cháo đi rồi uống thuốc, đêm qua con bị ốm đấy!”. Tít còn lơ mơ chưa hiểu, đôi mắt nó mở to nhìn con chim trên bàn. Mẹ mỉm cười, lâu lắm rồi Tít mới thấy mẹ cười. Mẹ ôm Tít vào lòng, thủ thỉ: “Tít ơi, mẹ xin lỗi Tít nhé. Tít mau ăn cháo đi, hôm nay mẹ sẽ dành cả ngày đưa Tít đi chơi”.
Mẹ đã đem con chim xanh sang nhà em Trà, vì cả bà và mẹ đều không tin em Trà lại cho Tít đồ chơi xịn như thế. Mẹ nghĩ trong lúc chơi, Tít đã nhặt trộm của em nên mẹ giận lắm và mẹ đã đánh Tít.
Vừa vào đến sân nhà em Trà, mẹ gặp ngay bà em Trà. Mẹ có nói với bà lão là mẹ sang để trả con chim do mải chơi mà anh Tít đã cầm về. Bà lão thở dài bảo: “Ối trời, cái con bé Trà nhà tôi nó chẳng biết giữ gìn gì đâu, đồ chơi cứ vứt lung tung rồi mất hết cả thôi”. Điều ấy lại càng làm cho mẹ buồn lòng.
Vừa hay lúc đó em Trà lon ton chạy ra bảo: “Đây là con chim hôm qua cháu cho anh Tít mà. Cháu thấy anh thích con chim lắm. Anh Tít ngoan, nên cháu cho anh đó. Cháu còn nhiều đồ chơi xinh và xịn hơn cơ”.
Lời nói của bé Trà làm mẹ thấy hối hận vô cùng. Bấy lâu nay với mẹ cu Tít luôn là đứa trẻ bướng bỉnh, nghịch ngợm. Mỗi khi đi làm về, bà nội Tít lại phàn nàn, đầu óc mẹ như phát điên. Từ nhỏ mẹ đã lớn lên với bao tự ti, tủi thân.
Người đời gièm pha vì mẹ là con gái của kẻ ăn trộm. Rằng, ngày trước ông ngoại đi trộm đồ nên bị người ta đánh chết. Mẹ cứ thế lớn lên với những cay đắng, khắc nghiệt của cuộc sống. Rồi mẹ yêu bố, cả hai học cùng nhau từ thuở mẫu giáo. Bà nội kiên quyết phản đối, vì bấy lâu nay với bà hay người đời, mẹ luôn là con của một người xấu. Bởi lẽ “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”.
Lại thêm phần bà đi xem bói, thầy phán bố mẹ không hợp tuổi nếu lấy nhau sẽ không có hậu vận. Nhưng bố mẹ vẫn kiên quyết đến với nhau. Trớ trêu thay, vụ tai nạn đã khiến bố rời xa mẹ con mình mãi mãi. Và vì thế bà nội lại càng trở nên cay nghiệt với mẹ.
Trước những áp lực của cuộc sống. Mẹ quên mất rằng Tít của mẹ cũng là một đứa trẻ, có hồn nhiên, có ngây thơ, có hiếu động và chắc chắn cũng có rất nhiều những tổn thương. Con cũng cần được chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu thay vì những áp đặt của người lớn. Mẹ biết, Tít của mẹ ngoan, Tít của mẹ không phải người xấu. Là do mẹ chưa tốt. Mẹ xin lỗi Tít.
Mẹ vừa nói, vừa ôm Tít vào lòng, khẽ vuốt ve mái tóc cháy nắng của Tít. Rồi mẹ thơm lên trán Tít. Tít thấy hơi ấm của mẹ như những ngày thơ, thấy những tổn thương, muộn phiền trong lòng bấy lâu tan biến. Và Tít thấy thương mẹ nhiều hơn.
Trong vòng tay của mẹ, hình như Tít thấy ánh mắt bố đang âu yếm nhìn hai mẹ con, rồi bố cười hạnh phúc. Tít cũng mỉm cười tự hứa với lòng mình, sẽ không bao giờ để mẹ phải buồn nữa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin