Truyện ngắn

Trường Sa không xa

Cập nhật, 08:15, Thứ Hai, 27/02/2023 (GMT+7)

TRẦN BẠCH

Ảnh: Trần PHƯỚC
Ảnh: Trần PHƯỚC

Đưa tay lên xem đồng hồ, đã hơn mười một giờ đêm rồi mà mắt vẫn thao láo, không thấy chút buồn ngủ, Chiến mở ba lô lấy chiếc võng ra mắc phía sau khu nhà khách của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đây là lần tuyển quân thứ mười trong sự nghiệp quân ngũ của Chiến.

Hàng năm, cứ trước Tết Nguyên đán, làm lễ ra quân cho các em, vừa qua Tết là bắt đầu tuyển quân, nhận quân mới. Năm nay, cũng vậy, Tết vừa qua, Chiến cùng một số anh em về Tây Ninh để tuyển quân mới. Với vai trò Trưởng đoàn, Trung đoàn trưởng, Chiến chịu trách nhiệm toàn bộ cho công tác tuyển quân năm nay.

Trên võng đong đưa, vài luồng gió bấc mang chút hơi hướng còn sót lại của mùa Đông, lành lạnh… Chiến nghĩ về vợ và hai con ngoài đảo. Bất giác, ký ức lần tuyển quân đầu tiên trong đời lính của Chiến, hơn mười năm trước, hiện về.

***

Xin phép, em ngồi ghế này nhé anh!

Chiến giật mình, bật dậy, vì vừa chợp mắt thiêu thiêu ngủ. Ôi giọng nói sao mà nhẹ nhàng, mềm mại, man mác, xúc động lòng người…

Xin lỗi! - Chiến vội với tay lấy chiếc ba lô để ghế bên, chỗ cô gái sẽ ngồi.

Sau khi cô gái để chiếc túi lên kệ hành lý và yên vị, quay sang gật đầu chào và mỉm cười với Chiến. Ôi, tim Chiến bỗng loạn nhịp… Thoáng nhìn, người con gái vừa ngồi bên có dáng hình nhỏ nhắn, da trắng, khuôn mặt tròn, mái tóc cắt ngắn ngang vai, có nụ cười lúm đồng tiền…

Anh về đâu nhỉ?- Cô gái hỏi.

Anh… Xin lỗi. Tôi, tôi về Hà Tĩnh.- Giọng Chiến bổng lắp ba lắp bắp.

Anh nói sao nhỉ? Anh về Hà Tĩnh?- Tròn xoe mắt, cô gái ra vẻ ngạc nhiên.

Vâng, tôi về Hà Tĩnh.- Chiến lặp lại câu trả lời.

Cô gái vẫn tròn xoe mắt.

Em nghe anh nói giọng miền Tây ấy?

Nghe cô gái “vấn”, Chiến mới ngớ ra.

Xin lỗi, tôi đến Hà Tĩnh công tác. Tôi người miền Tây.-... Hình như cô gái nhận ra sự bối rối của Chiến.

Em người Hà Tĩnh, nghe giọng nói em biết đấy. Anh đừng lừa em đấy nhé!

Cô gái lườm Chiến bằng đôi mắt đen, tròn xoe. Chiến cúi cúi, không dám nhìn thẳng. Vừa bối rối, vừa sợ sẽ… chết đắm trong đôi mắt ấy.

Anh nói, đi công tác ở Hà Tĩnh? Việc gì thế anh? - Cô gái nhìn thẳng, chờ Chiến trả lời.

Anh… Tôi đi tuyển quân.

Ôi, anh tuyển người đi bộ đội ấy nhỉ?

Đúng vậy. Tôi đi với các thủ trưởng. Toa này còn ghế trống nên ra đây ngồi.

Vậy anh là bộ đội gì thế anh?

Tôi là lính hải quân.

Ôi! Anh hải quân đóng quân ở đâu thế?

Trường Sa.

Vậy anh là anh lính Trường Sa?- Vừa nói, cô gái vừa nhìn Chiến “săm soi”.- Em tên Hà, Nguyễn Thị Thu Hà, anh hải quân tên gì thế?

Chiến, Đặng Văn Chiến.- Nghe cô gái giới thiệu cả tên lẫn họ, tự dưng Chiến cũng làm theo- Cô quê Hà Tĩnh mà sao lên tàu ga Phú Yên?- Chiến thắc mắc.

À, em học Trường CĐ Sư phạm Phú Yên.- Hà nói tiếp- Anh Chiến chắc lớn tuổi hơn, anh gọi em là em nhé!

Tôi… Anh sinh năm 1981, năm nay ba mốt. Còn Hà?

Ôi, em nhỏ hơn anh đúng mười tuổi đấy. Vậy là không được gọi “cô” nhé!- Hà liếc xéo Chiến. Chiến và Hà cùng cười thành tiếng.

Lính hải quân các anh vất vả lắm nhỉ?- Giọng Hà chùng xuống- Ở đó “chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng, quanh đảo trúc san hô”, mọi sinh hoạt đều khó khăn…

Cũng không vất vả lắm đâu Hà à! Tụi anh quen với sóng biển rồi. Xa biển vài ngày là thấy nhớ lắm em à.- Chiến vừa nói vừa cười.

Ước gì được ra ngoài đó!

Nói thật không? Trường Sa xa lắm Hà à.

Không xa đâu anh. Ra đó, là nguyện ước của em từ khi là học sinh cơ!- Hà cúi thấp đầu, hạ giọng- Em muốn ra Trường Sa để góp sức cùng các anh canh giữ biển trời Tổ quốc, nhưng em chỉ có thể dạy học cho bọn trẻ ở nơi đó thôi.

Nếu được vậy thì quá hay rồi. Ngoài đó, cũng có vài gia đình, có em nhỏ, nhưng chưa có trường học, chưa có cô giáo.

Hà ngước nhìn Chiến, tươi cười, hỏi:

Anh Chiến quê ở đâu nhỉ?

Quê anh ở Trà Vinh, một tỉnh nhỏ của đồng bằng Nam Bộ. Anh mê biển từ nhỏ, hiểu được biển của ta mênh mông, cần phải bảo vệ sự bình yên của biển… Nên chọn lính biển.

Cứ thế, câu chuyện từ người lính đảo đến quê hương, đến anh em, gia đình… Hai người từ ngại ngùng, e dè trở thành thân quen khi nào không hay. Đoạn đường gần chín trăm ký lô mét từ Phú Yên về Hà Tĩnh, tức là phải qua các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng rồi vượt Đèo Hải Vân, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình,… như hóa gần.

Thời ấy, mỗi khi tàu ngang qua địa phận mỗi tỉnh, hành khách đều được nghe những ca khúc như là “nhạc hiệu” để có thể cảm nhận một vùng đất, thông qua ca từ và giai điệu mượt mà, sâu lắng.

“Với Hà Tĩnh mình răng mà thương mà nhớ.

Khi tôi ấu thơ gió bụi cát bay lẫn trong sữa thơm mẹ nuôi tôi lớn.

Ơi Hà Tĩnh mình, đường về có nhớ, trời chang chang nắng ai quàng áo tơi.

Cho ta thương nhau mồ hôi chát mặn, cho ta thương nhau vầng trăng không lẻ bạn.

Đứt ruột nhớ mong.

… Nhớ núi Hồng, sông La.

Sông cứ chảy trong ta núi cứ lớn trong ta.

Trăm năm muối mặn, gừng cay hỡi người.

Dù ngàn trùng cách xa, ta vẫn nhớ thương nhau, Hà Tĩnh mình ơi!

Với Hà Tĩnh mình, răng mà thương mà nhớ…”

Anh Chiến biết bài hát ni không?- Hà hỏi, Chiến không biết nên cười trừ- Đó là bài “Hà Tĩnh mình thương” của tác giả An Thuyên, nghệ sĩ Thu Hiền hát đó anh. Tàu vào địa phận Hà Tĩnh quê em rồi đấy anh Chiến!

Ôi, sao tàu chạy nhanh vậy em!- Thấy Chiến tỏ vẻ ngạc nhiên không biết vô tình hay hữu ý, Hà mỉm cười liếc xéo Chiến.

“Tàu sắp vào ga Hà Tĩnh. Mọi người chuẩn bị tư trang, hành lý để rời tàu…”. Tiếng thông báo của nhân viên tàu.

Thấy mọi người đứng lên chuẩn bị hành lý, Chiến cũng tranh thủ lấy chiếc túi của Hà trên khoan. Nhưng Chiến không đưa cho Hà, ý muốn sẽ mang xuống tàu giúp Hà.

Giờ anh về đâu thế anh Chiến?

Anh về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Sẽ có xe đón. Còn Hà?

Người nhà của em ra đón!

Làm sao để được gặp lại Hà?

Sẽ gặp lại anh… để còn về Trường Sa mà!

Thật không em?

Thật đấy!

Xuống tàu, có hai chị gái vẫy tay gọi Hà; Hà quay qua Chiến.

Tạm biệt anh Chiến nhé!

Chiến há hốc, chưa kịp nói lời hẹn, Hà đã chạy nhanh đi.

Có bàn tay đặt lên vai, quay lại, Trung đoàn trưởng từ phía sau đi tới.

Sao, bị cô gái Hà Tĩnh hốt hồn rồi hả đồng chí hải quân?

Mọi người cười vang. Chiến thấy ngượng chín người…

***

Về đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã 8 giờ tối, nhận phòng ở nhà khách, ăn uống xong, mọi người nghỉ ngơi để hôm sau làm các nội dung tuyển quân.

Trước trụ sở làm việc chính là một quảng trường rất lớn, các đồng chí bộ đội và tân binh tập trung về đây chuẩn bị cho “Hội trại tòng quân” và lễ giao, nhận quân.

Hôm sau, 7 giờ 30 tối là chương trình giao lưu văn nghệ. Sau hai bài hát hùng hồn về người lính của các diễn viên của trung tâm văn hóa, người dẫn chương trình nói: “Tiếp tục chương trình, xin giới thiệu giọng ca ngọt ngào, sâu lắng của Thu Hà, hiện là sinh viên sư phạm năm ba, sẽ trình bày bài hát “Gần lắm Trường Sa”, của tác giả Hình Phước Long, xin mời các đồng chí thưởng thức”. Tiếng vỗ tay vang lên. Chiến không tin vào mắt mình. Một cô gái nhỏ nhắn, thướt tha trong bộ áo dài trắng. Khuôn mặt tròn xoe, má lúm đồng tiền, mái tóc ngang vai ấy… Đúng là em, Hà ơi!

“Mỗi cánh thư về từ đảo xa

Anh thường nói rằng: “Trường Sa xa lắm em ơi!”

Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội thân yêu.

Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng, quanh đảo trúc san hô.

Trường Sa ơi! Biển đảo quê hương,

Vẫn đứng hiên ngang giữa sóng cồn bão dạt, đảo quê hương,

Canh giữ đêm ngày giữa biển khơi,

Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi!

Không xa đâu Trường Sa ơi!

Không xa đâu Trường Sa ơi!

Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh

Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”

Tiếng em hát sao mà mượt mà, sâu lắng… Vừa hát, Hà vừa quay nhìn Chiến, vì Chiến ngồi hàng ghế dành cho đại biểu- như muốn gửi gắm lời em hát.

Sau khi Hà hát xong, người dẫn chương trình tiếp: “Thưa các Thủ trưởng và các đồng chí, theo yêu cầu, xin giới thiệu và mời đồng chí Đặng Văn Chiến, sĩ quan hải quân, sẽ hát tặng một bài ca cổ. Xin mời đồng chí!”.

Chiến giật thót người. Đang bối rối, thì Trung đoàn trưởng quay qua:

Lên đi đồng chí Chiến!

Chiến ca không hay, nhưng vốn sinh ra vùng quê miền Nam, nên rất mê ca vọng cổ. “Trong bụng” cũng có vài bài hát tủ để “phòng thân” khi gặp “sự cố đột xuất” như thế này. Mấy hôm rồi, Chiến mới tập hát bài Mùa Hoa Đào của tác giả Việt Sơn. Chiến hát bài này.

“… Em ơi, tôi không phải kẻ tình si cũng không phải kẻ lãng tử mượn đóa đào kia để tương tư hình bóng, mà chỉ bâng khuâng với trái tim rung động khi lần đầu tiên hạnh ngộ với hoa đào. Chỉ sắc hồng tươi và hương vị ngọt ngào, không kiêu sa, không mượt mà quyến rũ sao tôi mơ màng ấp ủ bấy lâu nay.

Vượt đường dài nào ngại gió sương, nay được về đây giữa lòng Hà Nội, trời đất vào xuân đào ơi đừng nở vội, để tôi được bồi hồi nhìn đài hoa hé nở...

Đi bên em giữa Hồ Gươm lộng gió, em có nghe chăng trời đất cũng đa tình. Như thầm thương chuyện của đôi mình.

Anh trai miền Nam phải lòng cô gái Bắc, bởi giọng nói ngọt ngào e ấp cánh đào thơm. Tôi mơ màng dệt mộng vào thơ, kẻ Bắc người Nam đâu ngờ hạnh ngộ…”

Hà chen đứng góc bên phải dưới sân, đối diện sân khấu, chăm chú nhìn và nghe Chiến hát. Vừa hát, Chiến vừa nhìn Hà.

Cuối buổi văn nghệ, Hà nán lại.

Anh Chiến hát hay quá nhỉ!

Ôi trời, Hà là người đầu tiên khen anh hát hay đó nghen!

Thật đấy! Sao anh Chiến chọn bài hát đấy?

Vì “anh trai miền Nam phải lòng cô gái Bắc” rồi mà.

Thật không đấy?- Hà cúi đầu e ấp liếc nhìn Chiến.

Thiệt đó Hà!

Em tin anh đấy nhé!- Hà ngượng ngùng- Bao giờ anh Chiến về trong ấy?

Theo kế hoạch thì chiều ngày mai em à!

Phải chi anh Chiến có thời gian đến nhà, để gặp bố.

Anh rất muốn vậy. Anh sẽ xin ý kiến Thủ trưởng em à!

***

Sáng sớm hôm sau, Chiến đã tranh thủ sang phòng đồng chí Trung đoàn trưởng.

Thưa Thủ trưởng!

Đồng chí Chiến, có chi không?

Em định xin Thủ trưởng, cho phép em đến thăm nhà em Hà.

Theo kế hoạch, 3 giờ chiều nay, chúng ta lên tàu. Đồng chí Chiến về nghỉ đi, chờ lệnh tôi.

Dạ, Thủ trưởng.- Chiến thấy lòng nặng trĩu, buồn.

Mới cơm trưa xong, về phòng, đồng chí Trung đoàn trưởng đã gõ cửa:

Đồng chí Chiến chuẩn bị cùng các Thủ trưởng đến nhà em Hà nhé!

Chiến mừng rơn, lòng nao nao khó tả.

Khi mới bước vào cổng nhà, nhìn thấy bố của Hà, đồng chí Trung đoàn trưởng đã reo lên:

Chú Châu phải không? Đúng chú rồi. Cháu là Bình, con của bố Chánh đây chú ạ.

Thì ra, quê của đồng chí Trung đoàn trưởng ở Hà Tĩnh này. Khi thấy Chiến và Hà “quấn quýt”, đống chí Trung đoàn trưởng đã âm thầm “điều tra”. Trung đoàn trưởng biết nhà của Hà, bố Hà và bố Trung đoàn trưởng từng là bạn chiến đấu.

Đồng chí Chiến là sĩ quan của cháu, nhân dịp ra đây tuyển quân, Chiến đã gặp em Hà, “anh trai miền Nam phải lòng cô gái Bắc” rồi đó chú Châu. Cháu đưa Chiến đến đây, để chú xem. Nếu thống nhất, chú cho bọn nhỏ tiến tới luôn, chú nhỉ!

Bộ đội là nhất rồi, mà là lính hải quân thì còn gì quý hóa bằng! - Bố Hà gật gật đầu, cười vui vẻ.

Vâng, cháu sẽ liên hệ với chú về việc này, giờ bọn cháu phải đi cho kịp chuyến tàu.

Thấy Hà đứng khép nép bên cửa, đồng chí Trung đoàn trưởng quay sang:

Hà nè! Chiến tốt lắm. Về Trường Sa nhé! Vợ, con của anh cũng ở trong ấy.

Vâng ạ!- Hà khe khẽ.

***

Hai tháng sau, Chiến và Hà tổ chức đám cưới. Một năm sau, cháu Quốc Thái chào đời, rồi bốn năm sau, cháu Khánh An. Vậy là đã hơn mười năm Hà về với Chiến, sống với Trường Sa,… Chiến mỉm cười và khe khẽ ngân nga:

“… Không xa đâu Trường Sa ơi!

Không xa đâu Trường Sa ơi!

Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh

Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”