Sau hai tháng chữa trị, Bé Chín được cho về nhà. Những nơi phỏng ít da non kéo lại nhìn không thấy rõ, nhưng gương mặt thì bị biến dạng. Hai gò má da bị co dúm lại, nhăn nhúm, đôi mắt cũng bị ảnh hưởng, nhìn xa không thấy rõ, cái cổ một vài chỗ da bị mất sắc tố trở nên trắng bệt, loang lổ.
THANH HUYỀN
(Tiếp theo kỳ trước và hết)
Sau hai tháng chữa trị, Bé Chín được cho về nhà. Những nơi phỏng ít da non kéo lại nhìn không thấy rõ, nhưng gương mặt thì bị biến dạng. Hai gò má da bị co dúm lại, nhăn nhúm, đôi mắt cũng bị ảnh hưởng, nhìn xa không thấy rõ, cái cổ một vài chỗ da bị mất sắc tố trở nên trắng bệt, loang lổ.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
Bé Chín trở về không còn đau đớn nữa, nhận ra gương mặt thân quen của các anh chị, miệng em cười toe. Bé Tám sợ không dám đến gần em, nó nói không phải em bé của nó. Bé Hai ra sau hè khóc nức nở, còn mấy anh trai của Bé Chín thì im lặng. Tía, má đau tận tâm can.
Năm tháng trôi qua, các chị, các anh cũng đã có gia đình riêng, chỉ còn Bé Chín ở lại với tía, má. Trước kia có chàng trai cùng xóm nhưng bị khiếm thị từ nhỏ, gia đình có đến dạm lời cưới Bé Chín cho con trai họ nhưng Bé Chín suy nghĩ mãi, cuối cùng cô từ chối. Cô cũng thương cảm cho chàng trai kia và cũng muốn tìm một mái ấm cho riêng mình để tía, má yên lòng, nhưng nghĩ đến chuyện con nít trong xóm nhìn thấy cô là trốn chạy, ngay cả những đứa cháu trong nhà chẳng dám lại gần, nên thôi.
***
Hơn bảy giờ, bà Chín đội cái nón lá, khép hờ cánh cửa nhà đến trụ sở ấp để họp. Con Na đi theo. Bà kêu nó giữ nhà, nhưng nó đã chạy trước bà. Bước lên giữa cây cầu khỉ, nó đứng đó ngoảnh lại chờ bà.
Con đường từ nhà bà Chín đến trụ sở ấp không xa, nhưng hơi khó đi vì mới trải qua một trận mưa đêm. Giờ này ánh Mặt trời đã lên bằng ngọn tre nhưng vẫn chưa đủ để ráo lớp đất mặt đường. Bà Chín vo ống quần cao quá gối, các ngón chân bấu xuống đất, lâu lâu nghe tiếng “úi trời” vì đường trơn trượt. Con Na thì khỏi nói, nó đâu có đi, nó chạy, chạy trước bà Chín một đổi rồi chạy ngược trở lại sau lưng bà. Cứ thế, chạy đi rồi chạy lại, dấu chân con Na in đầy trên con đường nhỏ.
Trụ sở ấp mới được dựng lên cách đây vài tháng. Trước kia họp dân thường mượn nhà dân nào thuận tiện tổ chức họp, nhưng có nhiều ý kiến nên có trụ sở riêng để còn sử dụng nhiều việc khác. Thế là thanh niên đốn cây xẻ ván đóng vách, phụ nữ chằm lá,… chỉ toàn cây nhà lá vườn, trụ sở được hình thành nhanh chóng. Hôm nay trụ sở được trang trí bằng những tấm tranh cổ động nhiều màu sắc dán trên vách, trông có vẻ sôi động hẳn lên. Nhiều bà con đến trước ngồi bàn chuyện lúa thóc, cây trái, heo gà, … trao đổi kinh nghiệm với nhau nghe rôm rả.
Bà Chín bước xuống cầu bến để rửa chân, xổ cái ống quần xuống, lấy nước vuốt vuốt mấy vết bùn bắn trên quần. Một chiếc xuồng cập bến chở năm cán bộ “lạ hoắc”, ăn mặc tươm tất cũng vừa trờ tới. Chú cán bộ ngồi trước mũi xuồng cầm cây dầm đưa xuồng vô bờ, nhìn bà Chín cười hỏi:
- Khỏe hôn bà Chín?
Bà Chín nheo nheo mắt chưa kịp trả lời, chú cán bộ nói tiếp:
- Con là Út Miết nè!
Tưởng ai, hóa ra thằng Út Miết. Xém chút nữa bà Chín nhận không ra nó luôn. Hồi năm “Luật Người cày có ruộng”, ông nội nó thuộc thành phần bần nông nghèo không có đất canh tác, được cấp mười hai công đất. Vì là đất cấp, cấp đâu nhận đó, nên ruộng lúa và nhà của ông nội Út Miết không gần nhau. Mỗi lần đi ruộng là phải đi nhờ ngang qua vườn nhà tía bà Chín. Sinh thời, ông nội rồi đến đời ba của Út Miết, họ rất quí mảnh đất này. Dù bao lần khó khăn nhưng họ nhất quyết không cầm cố, sang nhượng. Thường ngày Út Miết đi ruộng, ngang nhà bà Chín, con Na không hề sủa một tiếng nào, nó quen thuộc như người nhà. Bà Chín cũng quen với bộ dạng Út Miết đội cái nón lá, quần áo dính phèn đất vàng khè, chân cẳng bùn sình lấm lem, có lúc vác cuốc, vác phản, vác phân bón hay quảy bình xịt thuốc,… Hôm nay nhìn Út Miết khác hẳn, áo sơ mi trắng bỏ trong quần, tóc chải tém bảy ba, đường ngôi rẽ rành rạnh, không lạ sao được!
Hồi mới giải phóng, Út Miết được mười ba, mười bốn tuổi gì đó. Tính nó nhanh nhảu, nhạy bén, thích nơi nhộn nhịp đông người… Những lúc thấy anh cán bộ văn hóa thông tin của ấp vác cái loa phóng thanh đi từ đầu ấp đến cuối ấp thông báo bà con nhận dầu lửa, vải, nhu yếu phẩm,… nó đi theo anh cán bộ đến giáp ấp rồi mới chịu quay về nhà. Nhiều lần nó đứng trước sân nhà, bắt chước anh cán bộ thông tin, cuộn tròn quyển tập thành cái loa. Nó pha trò:
“ Líu! Líu!
Chối tung, bin thông tan
Xin thao bống cho a bồng các bố …”
Ai đi ngang qua thấy điệu bộ Út Miết cũng chợt cười, không biết nó nói tiếng gì. Hôm bữa, nó đang “líu, líu” thì ông Hai hớt tóc trong xóm đi tới. Ông đứng đợi cho nó đọc hết, rồi hỏi:
- Mày đọc tiếng gì vậy Út Miết?
- Dạ, tiếng Việt đó ông Hai!
- Tiếng Việt mà sao tao không nghe được. Mày đọc chậm lại thử coi!
Út Miết cười lém lỉnh, trong đầu nó nghĩ “con có chậm cỡ nào ông Hai cũng vô phương biết được!”. Nó cuộn tròn cuốn tập đưa lên miệng nói to “Líu! Líu! Chối tung, bin thông tan…”
Ông Hai ngắt ngang liền:
- Khoan! Khoan! Dừng lại đó!
Ông xòe bàn tay đếm ngón:
- Mày mới đọc bảy chữ, mà tao nghe có chữ nào tiếng Việt đâu?
Út Miết mặt câng câng:
- Tiếng Việt đó! Con đố ông Hai nghĩ ra!
- Tao chịu thua cho lẹ, mày nói thử coi!
- Ông Hai thua con cái gì con mới nói?
- Tao hớt tóc cho mày không lấy tiền, được chưa?
Út Miết “dạ” một cái rụp, thủng thẳng giải thích:
- Ông Hai nghe rõ nhen! Lưu ý con nói láy là li ú, đọc dính lại là “líu”. Chúng tôi là “chối tung”, Ban Thông tin là “bin thông tan”, thông báo là “thao bống”, ông bà cô bác là “a bồng các bố”. Nguyên câu nó là vầy: Lưu ý! Lưu ý! Chúng tôi Ban Thông tin. Xin thông báo cho ông bà, cô bác. Đó, con nói tiếng Việt mà ông Hai không tin.
- Thôi tao về, rối não với mày. Mai mốt lại hớt tóc nhớ nhắc tao nhen!
Từ lúc đó, Út Miết bị ông Hai hớt tóc gọi “chết danh” là “thằng Líu”, trẻ con trong xóm cũng trêu chọc: “Líu! Líu!”. Vài năm sau, Út Miết được nhận vào cộng tác Ban Thông tin của ấp.
Cuộc họp hôm nay Út Miết là người điều khiển chương trình. Qua lời giới thiệu đại biểu, bà con mới biết mấy người “lạ hoắc”đi với Út Miết là cán bộ của tỉnh, huyện xuống dự. Họ đi khảo sát vòng quanh cù lao từ ngày hôm trước, sau đó về bàn bạc với cán bộ xã, ấp trước khi họp dân hôm nay. Hôm nay mỗi nhà cũng cử một người đại diện đến họp, đủ biết mức độ quan tâm của họ đến vấn đề này như thế nào. Hầu hết mọi người cùng chung một dấu hỏi lớn: “Có thật không? Kéo điện bằng cách nào, trong khi cù lao nằm giữa sông nhìn đâu cũng thấy nước như vầy?”.
Sau lời giới thiệu của Út Miết, ông chủ tịch huyện phát biểu:
- Kính thưa bà con! Huyện ta có mười lăm xã, trong đó có hai xã cù lao, cách biệt đất liền. Do không có điện và giao thông khó khăn nên hai xã xếp vào loại vùng sâu, vùng xa không phát triển được. Đây là sự thiệt thòi của người dân hai xã và cũng là nỗi trăn trở của các cấp lãnh đạo. Hôm nay tôi rất vui mừng thông báo với bà con, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngày nay, cù lao chúng ta sẽ được có điện thắp sáng trong năm nay.
Tiếng vỗ tay đồng loạt vang lên. Ông Hai hớt tóc nhanh miệng:
- Thưa cán bộ! Gần hết đời mà tui coi cải lương chưa đã. Nghe nói kéo điện về cù lao tui mừng không ngủ được. Nhưng bà con còn nửa tin, nửa ngờ, xin hỏi cán bộ: Làm sao mấy chú kéo điện qua được con sông lớn như vầy ???
Ông cán bộ điện lực của tỉnh đỡ lời ông cán bộ huyện:
- Thưa bà con! Việc làm sao kéo được điện về cù lao thuộc chuyên môn do bên điện lực tụi cháu đảm trách. Sơ lược cho cô bác hình dung, phương án đưa điện lưới quốc gia về cù lao bằng tuyến cáp ngầm xuyên qua sông lớn đó.
Bà con trố mắt, xuýt xoa: “Trời đất!”, “Không ngờ!”, “ Hay thiệt!”, …
Ông cán bộ điện lực nói tiếp:
- Vấn đề ở đây là khi kéo điện đi qua vườn cây ăn trái của cô bác, những cây cối dưới hành lang lưới điện phải đốn hạ cho trống để đảm bảo an toàn, thì cô bác có sẵn lòng không ạ?
Bà con lao xao:
- Chuyện nhỏ mà!
- Đất vườn thiếu gì, đốn một vài cây mà nhằm nhò gì!
- Mất một chút mà được có điện xài, sướng muốn chết!
Cán bộ bắt đầu cung cấp thông tin cho bà con về những tiện ích mà điện mang lại, nào là giải phóng sức lao động cho người nông dân, cho các bà nội trợ; nào là cơ sở hạ tầng như giao thông, trường học, y tế, thông tin liên lạc, giải trí, du lịch, … cũng sẽ được đầu tư đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Mỗi một lĩnh vực, cán bộ liên hệ một công việc cụ thể, ví như anh nông dân, sau này không còn xách thùng vòi hoa sen đi tưới cây nữa mà chỉ cần đóng cầu dao điện toàn bộ hệ thống tưới phun sẽ tưới cây cả khu vườn; hay các chị phụ nữ nấu cơm, giặt đồ chỉ cần bấm nút là có máy làm thay; hay các ông, bà lớn tuổi tha hồ mà coi cải lương, giải trí,… Cuộc sống người dân cù lao sắp tới tiện nghi không khác gì ở đất liền.
Bà Chín ngồi im một góc, quan sát thấy bà con đồng tình hưởng ứng quá chừng, đoán chắc vụ kéo điện sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian sớm, lòng bà cũng mở cờ trong bụng.
Tan buổi họp, bà con ra về vui mừng hỉ hả. Được nghe tận tai mấy chú cán bộ nói, bà con tin thật rồi, thiệt là mừng không sao tả nổi. Không bao lâu nữa, một thứ ánh sáng trắng không còn dành riêng nơi đô thị, nó sẽ được lan tỏa khắp vùng quê, cù lao sẽ được thay áo mới, lớp trẻ sẽ không còn vất vả, thiệt thòi như ông bà của chúng ngày xưa.
Lúc này Mặt trời đã lên cao, nắng chiếu xuống mặt đường ráo hoảnh. Bà Chín đi được một đoạn, định ngoái lại tìm con Na. Nhìn xuống mặt đường, bà thấy bóng nó phía sau sát bên chân bà. Bóng bà Chín và con Na quyện vào nhau, đổ dài trên con đường đất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin