Nhà ông Hai Bình hôm ấy có chuyện vui. Mới sáng sớm vợ ông đã ra chợ, còn ông chụp vội cái nón lên đầu đi gọi người giúp cho sáng ngày mai sạ mấy công lúa Đông Xuân. Trước khi đi, ông còn dặn cô con gái rượu của mình quét dọn nhà, đừng quên thay bông mới trên bàn thờ ông bà. Nghe cha dặn, Hương "dạ" lớn một tiếng để ông yên lòng, vì đây là lần đầu tiên người yêu của cô và là thằng con rể tương lai của ông sẽ đến ra mắt nhà vợ.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
Nhà ông Hai Bình hôm ấy có chuyện vui. Mới sáng sớm vợ ông đã ra chợ, còn ông chụp vội cái nón lên đầu đi gọi người giúp cho sáng ngày mai sạ mấy công lúa Đông Xuân. Trước khi đi, ông còn dặn cô con gái rượu của mình quét dọn nhà, đừng quên thay bông mới trên bàn thờ ông bà. Nghe cha dặn, Hương “dạ” lớn một tiếng để ông yên lòng, vì đây là lần đầu tiên người yêu của cô và là thằng con rể tương lai của ông sẽ đến ra mắt nhà vợ.
Khi Hương lấy bình bông từ bàn thờ xuống thì bà Hai Trầu là nội của cô từ trong buồng cũng vừa ra đến. Bà Hai tuy tuổi chưa tới bảy mươi nhưng bệnh tật và các nỗi buồn vì sự mất mát của gia đình làm bà trông già hơn cái tuổi thật. Biết cháu nội sắp thay bông, bà nhẹ nhàng bảo cháu nội ra bụi bông hồng ở góc sân chọn các bông đẹp nhất để chưng: “Đó là bụi bông hồng do ông Ba, em ông nội bây trồng trước khi hy sinh, gần năm chục năm rồi giống bông đó vẫn còn!”
Đối với Hương, cái bàn thờ này rất quen thuộc. Những ngày cô còn nhỏ, thắp nhang cho bàn thờ mỗi tối là việc của cô. Cô cũng quen với hình ảnh cái đèn dầu nhỏ trên bàn thờ luôn được thắp sáng suốt ngày đêm và nhớ rất rõ, sau ngày giải phóng nhiều thứ thiếu thốn nhưng nhà cô không bao giờ để nó thiếu dầu. Cái bàn thờ nhỏ đó gắn liền với cái đèn dầu là cả một câu chuyện đáng tự hào nhưng cũng rất bi thương của gia đình cô: Trên cao là di ảnh của ông và bà cố nội, phía dưới là ảnh của ông nội và ông Ba, hai cái ảnh của hai anh em ruột hy sinh cùng lúc được rọi ra từ một tấm ảnh họ chụp chung. Trong bốn người có ảnh trên bàn thờ thì bà cố Tư- thứ tư là thứ của chồng bà- có lẽ là người có nỗi đau chồng con đến tận cùng, chính bà là người đưa cái thân thể không nguyên vẹn của chồng về nhà. Ông là một dân quân hy sinh trong một cuộc chống càn của du kích xã với bọn giặc Pháp sáng hôm đó. Nỗi đau của bà càng thấm thía hơn khi nhìn đứa con trai mới tròn hai tuổi của họ chưa biết gì cứ tròn mắt nhìn mọi người và một đứa nữa cũng chịu cảnh côi cút cha ngay khi còn nằm trong bụng người mẹ trẻ mới hăm hai tuổi này, mà hy vọng về một ngày hòa bình thì chỉ còn tính bằng ngày vào giữa năm một ngàn chín trăm năm mươi tư.
Nếu có số phận thì nó vô cùng tàn nhẫn với bà Tư: vào đúng cái ngày người chồng hy sinh hăm mốt năm trước, bà lại tận mắt nhìn thấy hai đứa con trai yêu quý của mình gục ngã trước làn đạn của kẻ thù khi chúng tranh thủ trong chuyến công tác tạt qua nhà thăm mẹ và đốt nhang trong ngày giỗ cha. Càng đau đớn hơn khi ngày khải hoàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã cận kề, quân giải phóng đang ở cửa ngõ Sài Gòn. Hôm ấy, đứa anh ngày cha hy sinh mới hai tuổi đã là một cán bộ của huyện đội ở tuổi hăm ba có vợ đang mang thai sống cùng mẹ chồng, còn đứa em ngày ấy còn trong bụng mẹ đã là anh du kích xã hăm mốt tuổi có bốn tuổi quân. Họ đều đang ở cái tuổi đẹp nhất của đời người. Ngày đó những năm trước, nhớ ngày giỗ cha, chúng đều về nhà vào khoảng nửa đêm và bao giờ bà cũng để dành cho hai con một bữa ăn ngon. Chúng phải về vào ban đêm vì bọn lính ở đồn Bảy Ngàn đóng ở vàm con rạch chảy qua trước nhà bà hoạt động rất mạnh. Nếu tính khoảng cách từ nhà bà đến đồn này theo con rạch thì chắc có đến sáu, bảy cây số vì nó chảy vòng vèo, nhưng nếu tính theo đường chim bay thì nó chỉ cách phía sau nhà bà một cánh đồng khoảng hơn bốn cây số thôi, nên để bảo đảm an toàn cho các con thì ngọn đèn hột vịt trên bàn thờ chồng bà nếu được cháy sáng sẽ là ám hiệu “báo tịnh” cho chúng biết là không có lính đột kích gần nhà, vì hướng chúng về là trước cửa nhà ở phía bờ bên kia con rạch. Đêm ấy cũng thế, cúng hậu thường của lễ giỗ chồng xong, bà để nguyên mâm cúng trên bàn thờ dành cho con, ngọn đèn trên bàn thờ bà cũng cho nó sáng hơn vì bà nghĩ chắc là hai con sẽ về nhà và bà sẽ bơi xuồng qua rạch đón chúng sau tiếng kêu quen thuộc “mẹ ơi!” của thằng Ba.
Trời dần về khuya, không khí nóng bức của thời tiết chuyển mùa những ngày đầu tháng tư cũng không nóng bằng sự bồn chồn trong lòng bà Tư. Bà đến vặn cho ngọn đèn trên bàn thờ sáng thêm nữa rồi ra ngồi trên ngạch cửa trước nhà. Đang suy nghĩ miên man, bà bỗng giật nảy mình đứng bật dậy khi nhận ra một toán lính xuất hiện trước mặt như từ dưới đất chun lên. Quả ngoài sức tưởng tượng của bà bởi lúc chập choạng tối bà còn lấy cớ đi biếu bánh cho các nhà hàng xóm để nắm tình hình, cả xóm yên ắng mà. Thằng trưởng đồn Bảy Ngàn, tên là Ba Ngàn nổi tiếng ác ôn cười hềnh hệch bước tới bên bà ra vẻ đã biết chuyện gì đó:
- Bà Tư mạnh giỏi, đám giỗ vui chứ, có chừa đồ ăn cho bọn tui không? Người ta nói ông chủ đất đồn Bảy Ngàn là thứ bảy cộng với trưởng đồn Ba Ngàn đúng chẵn mười ngàn, bù trất, nhưng lần này thì… - Bỏ lửng câu nói ở đó hắn xua tay cho bọn lính tản vào các bóng cây quanh nhà rồi đẩy bà Tư vào trong nhà. Biết có biến, bà Tư lẹ làng bước đến bàn thờ bưng ngọn đèn xuống để lên bàn rồi ra vẻ bình tĩnh rót nước trà mời hắn uống. Chẳng thèm để ý đến ly trà, tên đồn trưởng tiến đến cầm chiếc đèn lên rọi tới rọi lui trên bàn thờ rồi để nó lại trên đó, giọng hắn the thé:
- Mồi màng nhiều quá, bà còn rượu không để lát nữa tụi tui với con bà nhậu cho vui! Vừa lúc đó cô con dâu bà Tư với cái bụng chửa sắp đến ngày sinh từ nhà dưới đi lên, cô run giọng nói với bà mẹ chồng:
- Đèn dưới bếp tắt rồi mẹ, cho mượn tạm cái đèn này để mồi.
Tên đồn trưởng nạt lớn:
- Để yên đó, đừng có lộn xộn- rồi quay sang lệnh cho bọn lính- Bây đâu, trói hai con mẹ này vào cột hàng ba rồi tản ra, có ai kêu họ, bắn hết cho tao!
Liền đó bọn lính xúm lại trói hai người đàn bà vào cây cột hàng ba trước nhà, để họ không còn la lối phản kháng chúng lấy khăn của họ buộc chặt ngang miệng. Chuyện xảy ra nhanh quá, bà Tư và cô con dâu bất lực giãy giụa nhưng không làm gì được. Cả khu vực sân nhà trở nên im lặng chìm trong bóng tối rờn rợn, chiếc đèn dầu trên bàn thờ vẫn thờ thẫn cháy sáng, không khí như đông đặc lại… Không lâu sau, trên bờ bên kia con rạch có hai bóng đen xuất hiện rồi có tiếng kêu rất rõ: “Mẹ ơi!” cùng lúc với những tràng tiểu liên rộ lên. Không biết bằng sức lực nào mà cả hai người đàn bà vốn yếu đuối như thế bỗng bật dậy kéo bật đi cây cột nhỏ ở hàng ba rồi cùng ngã ra đất ngất đi chẳng kịp nghe tiếng hò reo của bầy quỷ dữ.
Khi họ tỉnh lại thì trời đã hừng sáng, nhà nhỏ nhưng đông người. Đó là những người hàng xóm đang nho nhỏ nói chuyện. Thi thể hai chiến sĩ giải phóng là hai con trai của chủ nhà đã được họ tắm rửa sạch sẽ đặt nằm song song trên bộ ván bên cạnh bàn thờ. Ai cũng rơi nước mắt khi cô con dâu thét lớn rồi ôm chầm lấy xác chồng khóc vật vã. Lạ một điều là bà Tư không có giọt nước mắt nào lặng lẽ đến ngồi bên hai đứa con, nhưng khi đưa tay sờ vào mặt con thì bà bỗng hét lên “quân tàn ác!”. Thật ra hàng xóm có người đã đoán trước được giây phút đó, bởi tên trưởng đồn Ba Ngàn trước khi cho lính kéo đi, đã cắt từ mỗi người mà lính của hắn vừa giết chết một cái lỗ tai phải. Mức độ ác ôn của hắn khét tiếng bởi hành động không có tính người này, đó là hắn không cắt hết hai tai của các người bị hắn giết, độ chính xác là mỗi cái tai người trên tay hắn là một mạng người, không bao giờ sai! Không đợi tới trời sáng tỏ, bà Tư như điên dại đi thẳng xuống bến lấy xuồng bơi đi mà không cho ai theo, mọi người đều đoán là bà ra đồn Bảy Ngàn để đòi lại các tai của con mình. Mà đúng như vậy, chỉ vài giờ sau bà trở về với hai cái tai của con để trong một cái túi ny lông treo trước ngực. Sau này có người kể lại, ra đến đồn bà Tư đòi gặp tên trưởng đồn, vẻ mặt lạnh tanh không một giọt nước mắt của bà khiến hắn ngạc nhiên. Bà đã nói với hắn: “Quân Giải phóng sắp vào Sài Gòn, bên các ông chắc chắn thua, ông không còn tính đến đường lùi cho ông sao? Trả lại những gì ông lấy của các con tôi cho tôi!” Vậy mà hắn lẹ làng làm theo...
Trước ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975 một tuần, trước sức ép của lực lượng vũ trang xã, đồn Bảy Ngàn tháo chạy. Sau đó, gia đình trưởng đồn Ba Ngàn cũng dời nhà về huyện lỵ. Nghe nói sau thời gian tập trung học tập cải tạo khá dài, hắn được chính quyền cách mạng tha về nhà rồi đi đâu đó mất biệt trên miền Đông. Bà Tư sau ngày gặp biến cố lớn của gia đình trở nên nhớ nhớ quên quên, nhắc đến chồng con là bà lại khóc tự trách, ngày giỗ cha con cái luôn tìm về đã là quy luật, bà không cẩn trọng để giặc giết con. Còn cô con dâu đã sinh cho nhà chồng một đứa con trai sau sự cố đó ít ngày, đặt tên Hòa Bình- là ước vọng của mọi người dân Việt Nam sau hàng chục năm chinh chiến. Cũng như mẹ chồng, mỗi lần nhắc đến sự hy sinh của chồng, cô hay tự trách mình là tại sao lúc đó đang ở tại bếp mà không tự đốt nhà mình để ngăn sự việc xảy ra… Giận mình vụng tính, từ đó cô cũng ăn trầu như mẹ chồng để nguyền ở vậy nuôi con, tên Hai Trầu có từ đó. Nguyễn Hòa Bình- tức Hai Bình- lớn lên học hết cấp hai, anh không lên huyện học tiếp mà ở nhà cùng mẹ ruộng vườn và chăm sóc bà nội Tư lúc này tâm trí đã không còn bình thường. Anh cưới vợ sớm, vợ chồng họ chỉ có một con gái đặt tên Hương. Tính cô giống cha, ở tuổi hăm hai tốt nghiệp đại học sư phạm xong, cô xin về trường cấp hai ba vừa mới mở ở xã nhà. Năm đó cũng là năm bà cố Tư của cô theo về với ông bà và chồng con.
Từ ngày mẹ chồng mất, dù nhà đã có điện, bà Hai Trầu vẫn giữ như thời bà Tư còn sống: ngọn đèn dầu nhỏ trên bàn thờ cứ cháy sáng suốt ngày đêm, còn vợ chồng Hai Bình luôn lo cho ngọn đèn không bao giờ thiếu dầu để mẹ vui. Nhưng bữa cơm gia đình được chăm chút để đón chàng rể tương lai của vợ chồng ông Hai Bình ngày ấy cứ tưởng vui hóa ra là một bi kịch. Bởi khi ông Hai Bình vui vẻ hỏi thăm gia đình của anh giáo Tiến- người yêu của Hường, đứa con rể tương lai- anh vô tư cho biết gia đình nội của anh trước khi về mở tiệm tạp hóa ở chợ huyện thì cũng có thời gian ở xã này, nên anh mới có cái duyên “đồng hương” để làm quen với Hương và họ đã yêu nhau suốt các năm cùng học đại học ở Cần Thơ, rồi lần theo câu chuyện mới lộ ra việc ông nội của Tiến lại chính là… trưởng đồn Ba Ngàn! Nghe đến đó, bà Hai Trầu chưng hửng bỏ đũa vào phòng nằm, chuyện vỡ lở chẳng còn ai thiết đến ăn uống…
***
Đã cuối tháng 11 rồi nhưng tình hình dịch COVID- 19 ở tỉnh vẫn còn đáng lo, trường học chưa thể mở cửa, ngồi bên chiếc bàn ở chái nhà kê sát cửa sổ nhà trên định mở laptop xem lại các giáo án cũ, Hường không kiềm được cái thở dài khi nhìn qua song cửa sổ thấy bà nội tiều tụy ngồi nhai trầu vẻ mặt đăm chiêu theo dõi một chương trình truyền hình nói về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trên bàn thờ, chiếc đèn dầu nhỏ vẫn nhẹ nhàng cháy sáng như bao ngày, gợi cho cô nhớ đến bữa cơm ra mắt của Tiến nhưng đẫm nước mắt của hai người gần ba năm về trước, lần điện thoại với nhau gần nhất mới ngày hôm qua, Tiến còn cho cô biết gia đình của anh đến giờ cũng rất buồn vì chuyện của họ…
Vừa khi phim truyền hình hết cũng là lúc ông Hai Bình đi đâu đó về tới nhà, những câu chuyện trong phim khiến bà Hai Trầu nhớ đến đứa cháu nội, bà kêu ông Hai Bình lại hỏi:
- Hương đã mấy tuổi rồi, nó với giáo Tiến còn thương còn đợi nhau không con? - Không cần suy nghĩ lâu ông Hai Bình trả lời mẹ ngay:
- Dạ! Tính tuổi mụ thì Tết này nó đã hăm sáu rồi mẹ, con biết là tụi nó còn thương còn liên lạc với nhau.
Bà Hai nhìn bàn thờ rồi thở một hơi dài:
- Hồi ấy, mẹ ở tuổi đó con đã gần năm tuổi rồi, Tết này con gắn trên bàn thờ một bóng đèn lớn cho sáng sủa vui cửa vui nhà. Con cất cái đèn dầu đi, chỉ đốt khi cúng kiến thôi để cho lòng mình nhẹ nhàng… À, hồi nãy xem phim nói về ông Kiệt làm mẹ nhớ có lần nghe người ta nhắc lại một lời nói của ổng, hình như là con người ta đâu thể chọn chỗ mình sinh ra, mẹ càng nghĩ càng thấm thía… Bây giờ, nếu chúng nó còn như vậy, thôi thì con bàn với vợ cho bên nhà giáo Tiến tiến tới đi…
Nghe được đến đó tự nhiên hai dòng nước mắt của Hương chảy dài, hai tay cô đè lên ngực như cố dằn cảm xúc: “Ông bà cố, ông nội, ông Ba ơi, làm sao chúng con không nhớ mọi người! Con thương bà nội, thương cha mẹ, con thương mọi người biết bao!”
HỒNG ĐÀO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin