Truyện ngắn: Niềm tin của người ngoài Đảng

Cập nhật, 21:56, Chủ Nhật, 29/04/2018 (GMT+7)

TÔ PHỤC HƯNG

Nguyên hấp tấp dẫn xe ra khỏi cổng bệnh viện huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) trong tâm trạng phấn khích đến lạ thường. Vậy là một đứa trẻ nữa đã được giành lại từ lưỡi hái của tử thần trong gang tấc.

Mồ hôi chảy dài thành dòng xuống khuôn mặt trắng hồng như con gái, thấm ướt chiếc áo trắng ngả màu vì thời gian. Đôi mắt ngời sáng tinh anh pha lẫn vầng hào quang thánh thiện rực lên.

Bất chợt, tôi cảm nhận vóc dáng mảnh khảnh, bẽn lẽn thư sinh như con gái của Nguyên hôm nào vụt biến mất. Còn đây là một hình ảnh nhân hậu, thật lớn lao, một bác sĩ trẻ tài năng một lần nữa đã chiến thắng cái chết để một mầm sống được tiếp tục nẩy nở sinh sôi trên vùng quê nghèo gian khó.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

- Bác sĩ ơi, xin nhận cho gia đình tôi cái này.

Người mẹ trẻ vừa cho con bú vừa chạy nháo nhào cho kịp bước chân thoăn thoắt của anh trên hành lang bệnh viện. Những giọt sữa của người mẹ trẻ rơi vung vãi xuống sàn nhà tạo thành những quầng nước trắng đục, sền sệt.

- Có chuyện gì vậy chị? - Anh hỏi khẽ.

- Xin bác sĩ nhận mấy trăm ngàn đồng này coi như nhận cái ơn cứu mạng cho con tui. Tui hứa mai mốt tui có đi làm mướn có tiền thế nào cũng kiếm bác sĩ gởi thêm. Nhận đi cho vợ chồng tui mừng.

- Sao chị làm vậy? Cất đi để còn lo cho cháu. Trách nhiệm tui là phải cứu người, còn nước còn tát. Thế thôi. Có gì phải bận tâm- anh cười rất giòn, tiếng cười đôn hậu cứ lan dần.

Đi được một đoạn, anh quay lại dặn dò:

- Nè, chị nhớ cho cháu uống thuốc đều đặn, có gì điện cho tôi liền nghe. Có con nít vất vả lắm đây. Vậy mới biết thương cha thương mẹ của mình.

Nguyên thở dài rồi lặng lẽ bước đi vội vã, chiếc áo bờ- lu bay phần phật trong cơn gió lạnh căm căm. Bão đang về. Người phụ nữ cứ trố mắt nhìn anh, không nói được câu nào. Đứa bé ngủ thiêm thiếp trong lòng mẹ, thỉnh thoảng lại cười cười rất ngộ.

Chiếc xe “quây” (Wave) Trung Quốc hôm nay lại giở chứng như mọi khi. Nguyên ra sức đạp nhưng nó cứ trơ trơ như cục sắt nguội vô tri vô giác. Mồ hôi ướt đẫm cả lưng mà máy vẫn không chịu nổ.

- Thôi làm ơn làm phước leo lên, tui đẩy thử cầu may. Hên thì nổ, xui thì chào tạm biệt- tiếng bác sĩ Cường chế nhạo làm Nguyên đỏ mặt tía tai dù anh đã cố sức kiềm chế.

- Đã nói thay xe khác đi, ba cái xe “mát- in- chi- na” này đạp riết hy sinh cái chân, ê ẩm ba sườn, khổ lắm bác Nguyên ơi!- tiếng y sĩ Hiển nói chen vào rồi cười kha khả làm anh tức anh ách.

- Mấy ông khác, tui khác. Tui đã quen vậy rồi- Nguyên cáu gắt thốt lên.

Ì ạch một hồi, cuối cùng xe cũng chịu nổ máy. Có lẽ nó cũng muốn sẻ chia nỗi vất vả với chủ nhân- một bác sĩ trẻ luôn sống vì mọi nguời, mát tay trong điều trị làm vơi đi nỗi đau của bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo và trẻ em khốn khó, bất hạnh.

Cũng là lẽ thường tình. Anh đã sống trong một gia đình cơ cực, nghèo đến nỗi không thể nghèo hơn được nữa.

Cả gia đình gần chục miệng ăn chật vật chen chúc trong mái nhà dột nát trống trước hở sau, mùa nắng còn đỡ chớ mùa mưa thì nước đen sì tràn lên từ các cống hộp bốc mùi hôi thối nồng nặc, ngập hết nền nhà.

Cuộc sống chỉ trông chờ từ những đồng tiền lời từ mâm bánh cam, bánh còng của mẹ anh đội đi bán cả ngày. Người lớn hy sinh cho người nhỏ, anh chị Nguyên phải nghỉ học để nhường cái may mắn ấy cho Nguyên theo học khoa Y, Đại học Cần Thơ trong sự ngỡ ngàng thán phục của lối xóm nhưng là sự lo lắng vô chừng của gia đình anh.

Đồng hồ trên tay tôi đã chỉ 17 giờ 30 phút. Mưa tầm tã. Hạt mưa lúc mỗi nặng và to hơn. Phà Vàm Xáng lặng lẽ rời bến trong làn mưa trắng xóa. Hơi lạnh từ mặt kinh xáng Xà No bốc lên thổi mạnh vào mặt làm chúng tôi phấn chấn hơn. Trời đang tối dần.

- Phải khám cho thằng Tuấn coi bệnh sốt xuất huyết của nó tới đâu. Tội nghiệp mới mười tuổi đã mồ côi cha mẹ. Sẵn ghé thăm mấy đức nhỏ mồ côi ở cái xóm nghèo “5 không”- anh nói khẽ khàng.

- Sao kêu là xóm “5 không”- tôi thắc mắc.

- Là xóm không điện, không trường học, không đường đi, không trạm y tế và không có nước sạch- anh cười khanh khách nhưng trong giọng cười ấy có chút gì mằn mặn, chua chát làm sao.

Công việc thăm hỏi này đối với Nguyên cứ lặp đi lặp lại nhiều năm qua. Anh không hề nhận một khoản tiền khám chữa bệnh cho dân nghèo dù chỉ đủ cho mình đổ được một lít xăng để quay về.

Đã vậy, mỗi tháng khi lãnh lương, anh lại trích ra một khoản nho nhỏ đến Hội Chữ thập đỏ huyện để góp vào quỹ nhân đạo Vì người nghèo.

Hơn mười năm qua, Nguyên đã vận động các Mạnh thường quân, bè bạn trên hàng trăm triệu đồng để tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn lưu động cho người nghèo vùng sâu, cất mới hai căn nhà tình thương, tặng học bổng, mua xe đạp, quần áo, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo. Nhiều, nhiều lắm đến nỗi anh không thể nhớ hết được.

Mười lăm năm trước, chàng sinh viên khoa Y mới tốt nghiệp loại giỏi đã hăm hở viết đơn tình nguyện về vùng quê sâu huyện Châu Thành A, nay thuộc tỉnh Hậu Giang dù biết rằng sẽ phải thách thức với muôn vàn khó khăn, nhưng tất cả đã không ngăn được bầu nhiệt huyết luôn khát khao cháy bổng trong tâm hồn.

- Mầy có tưng tửng hông Nguyên? Cái huyện xa tí tè đi lại khó trần thân, toàn là ghe và kinh rạch. Người ta ra trường tốn hàng chục triệu để chạy lo chỗ làm tại Cần Thơ mà có khi được khi không, còn mầy lại xung phong về vùng quê sâu. Lý tưởng hồng quá há. Coi chừng hối hận hổng kịp đó ! Đừng có mơ!

Bao giờ anh cũng nhận được những lời vừa động viên, vừa thách thức của bạn bè cùng khóa như vậy. Ban đầu nỗi “quạu”, riết rồi cũng quen.

- Tui có mơ ước của tui. Ai cũng nghĩ như mấy bạn thì cuộc sống ở đó sẽ ra sao? Mình không về đó công tác thì ai về? Thôi không bàn tán gì nữa, tui đã quyết rồi- Nguyên gằn giọng chắc nịch.

Nói thì dễ chớ mọi chuyện không đơn giản chút nào. Mấy đêm liền anh len lén nhìn mẹ ngồi giữa đêm khuya chiên bánh mà tê tái cả lòng. Tóc mẹ giờ bạc nhiều quá. Có lúc quá mỏi mệt, mẹ thiếp đi rồi giật mình thức giấc trong tâm trạng sợ chảo dầu bị khét. Ba Nguyên nằm co ro trong chiếc mùng cũ mèm vàng úa, ông ho liên tục.

Bảy mươi hai tuổi rồi chớ có ít ỏi gì đâu. Mấy người chị gái chen chúc nhau trong cái mùng to đùng vá víu các lỗ rách bằng đủ thứ vải vụn. Anh cố nén lòng để không bật lên tiếng khóc. Con trai lại là bác sĩ mà khóc thì yếu hèn lắm. Anh thầm nhủ.

Một buổi chiều cuối năm, Nguyên quyết định trình bày ý tưởng của mình. Ba anh lặng thinh bên những ly nước trà nguội đặc kẹo đục ngầu. Mẹ Nguyên đi tới đi lui đốt nhang cầu nguyện. Mấy người chị trẻ thì khóc thút thít vì sắp xa đứa em trai ngoan hiền, lễ phép.

- Ba đồng ý và tôn trọng ý kiến của con. Cố gắng lên. Ba có lỗi với cách mạng nhiều rồi, mấy năm đi học tập cải tạo ba đã nhận ra điều ấy. Nhưng biết làm sao được trong hoàn cảnh chiến tranh. Trong hai phải chọn một. Ba sai rồi. Có lẽ đây là lúc con thay ba chuộc lại lỗi lầm. Ráng mà công tác đàng hoàng. Còn chuyện vô Đảng, chắc khó rồi. Đừng buồn và nặng nề.

- Mẹ và các chị con quen cực khổ lâu rồi, hổng có trách gì con. Phải biết hy sinh, phải biết thương người, nhớ nghèo cho sạch rách cho thơm con nghe- mẹ anh nói rất chậm rãi, giọng buồn buồn.

Ba năm ở cái huyện vùng sâu heo hút đầy khó khăn này, bác sĩ Phùng Phước Nguyên đã hy sinh và cống hiến trọn vẹn buổi dạo đầu của tuổi thanh xuân đầy ước mơ và hy vọng.

Anh hăm hở lao vào công việc không mệt mỏi, không ta thán, không tính toan, ngay cả hạnh phúc riêng của mình. Anh dốc sức vào việc chăm lo sức khỏe người dân như chính người thân của mình.

Bao lần hiến máu cứu bệnh nhân nguy kịch, bao lần lấy tiền túi mua thuốc cho trẻ em nghèo mắc bệnh trong cơn khốn khổ mà anh cũng không nhớ hết nổi. Bao nhiêu đề tài khoa học cũng ra đời từ đây và đã được công nhận đưa vào thực hiện, do tính khả thi rất cao.

Vậy mà con đường vào Đảng của Nguyên vẫn chông chênh. Biết sao bây giờ. Phải cố vượt qua rào cản này. Anh luôn tự nhủ lòng và thấy lòng thanh thản hơn.

Có lúc anh lại nghĩ: mình sinh ra sau ngày miền Nam giải phóng, mình có lỗi gì với cách mạng, với nhân dân đâu, nếu không muốn nói là cống hiến nhiều nữa là khác. Nhưng rồi anh lại xoay chiều suy nghĩ sẽ có lúc nào đó mọi chuyện sẽ khác đi, trước mắt phải làm tròn trách nhiệm của một người thầy thuốc.

Cái ngày Nguyên và tôi được điều động về nhận công tác tại huyện Phong Điền khi TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương được hình thành, chúng tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên. Hàng trăm người trẻ em, người lớn đủ cả, nghe tin đến chật bệnh viện để tiễn anh về đơn vị mới. Những đôi mắt đỏ hoe. Những cái bấu tay trìu mến.

Có nhiều người bật khóc. Những đòn bánh tét, bánh ú, chuối xiêm, dừa tươi chất đầy xe Nguyên. Anh bắt tay từng người trong sự xúc động nghẹn ngào. Đôi mắt anh cũng đỏ chạch tự bao giờ, chỉ có trái tim anh ấm áp đến lạ thường.

Hơn mười một năm nữa lại trôi qua, bác sĩ Phùng Phước Nguyên lại bắt đầu cho một cuộc hành trình nhân đạo đầy trách nhiệm mới với người dân trên tuyến lửa Vòng Cung- Phong Điền.

Hiện nay, anh đã hoàn thành khóa học chuyên khoa 2 tại TP Hồ Chí Minh một bằng lòng khát khao nóng bỏng, trở về quê nhà phục vụ bệnh nhân nghèo, đặc biệt là trẻ em bất hạnh. Lúc còn theo học, dù vất vả lo toan cơm áo gạo tiền giữa lòng thành phố, nhưng tháng nào anh cũng gởi tiền về để giúp đỡ trẻ em nghèo của huyện.

Đó là những đồng tiền nhân ái do anh tranh thủ làm ngoài giờ ở một bệnh viện tư nhân. Khai giảng năm học, anh lại tất tả mang về hàng ngàn quyển tập quyên góp từ thầy cô, bè bạn và đích thân mang đến cho học sinh nghèo đúng dịp khai trường.

Với anh, chưa hoặc không vô Đảng không có nghĩa là mất tất cả, là buông xuôi cho số phận. Ngược lại, anh lại càng ra sức cống hiến nhiều hơn. Anh tin Đảng, theo Đảng, theo Bác Hồ đến suốt cuộc đời bằng trái tim người thầy thuốc thánh thiện sáng trong.

Niềm tin ấy vẫn cháy âm ỉ và ngày càng mảnh liệt rất lạ thường trong tâm hồn người bác sĩ ấy.